Multimedia Đọc Báo in

Dạy nghề cho phụ nữ nông thôn

10:18, 29/11/2010

Hai lớp dạy nghề dệt thổ cẩm ở thị trấn Liên Sơn (huyện Lak) là những lớp dạy nghề đầu tiên do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Hội LHPN tỉnh, huyện Lak tổ chức nhằm thực hiện đề án "Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010-2015”. Đây là Đề án của Trung ương Hội LHPN Việt Nam nhằm giúp phụ nữ nông thôn phát triển kinh tế hiệu quả, nâng cao tỷ lệ lao động đã qua đào tạo, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động... tạo điều kiện cho chị em ổn định cuộc sống.

Lớp dệt thổ cẩm có 58 học viên đều là chị em phụ nữ dân tộc M’nông của buôn Lê, buôn Jun và buôn Đơng Kriêng (thị trấn Liên Sơn). Với đặc điểm vị trí địa lý của thị trấn nằm ngay trung tâm huyện, diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp vì quy hoạch khu dân cư, rất nhiều hộ gia đình của các buôn phải đi thâm canh, làm thuê ở những địa phương khác. Tuy nhiên, cách làm này chỉ giải quyết được những khó khăn bước đầu chứ không mang tính bền vững, nên chị em rất mong muốn có một nghề ổn định thay thế dần cho sản xuất nông nghiệp thuần túy. Chính vì vậy, lớp học đã thu hút đông đảo chị em của các buôn tham gia. Chị Đào Thị Thủy, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Liên Sơn cho biết: “Chị em tham gia lớp học rất hăng hái, ngoài những gì được học trên lớp, còn tìm tòi, hỏi thêm những người có kinh nghiệm lâu năm về dệt thổ cẩm. Việc đào tạo nghề cho phụ nữ dân tộc thiểu số sẽ mang tính lâu dài và thiết thực vì đây là khu du lịch nên nghề dệt thổ cẩm không chỉ giúp chị em có thêm thu nhập ổn định mà còn duy trì và giới thiệu nghề truyền thống đến du khách trong và ngoài nước”. Hiện nay, vì nhiều lý do khác nhau, nghề dệt thổ cẩm đang có nguy cơ bị mai một dần. Khi lớp học được tổ chức phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của chị em lại vào đúng những tháng rảnh rỗi việc đồng áng nên số chị em từ 18-35 tuổi đăng ký học rất đông. Nhiều người có con nhỏ đã địu cả con đến lớp học. Tham gia lớp học, chị em không chỉ được học nghề miễn phí mà còn được hỗ trợ khung dệt, chỉ thêu và 5.000 đồng/người/ngày. Mỗi tuần chỉ học 3 buổi nhưng vào những ngày nông nhàn, chị em lại tự tập trung ở nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng để thực hành và cùng học hỏi lẫn nhau. Với sự nhanh nhạy nên họ luôn sáng tạo trong đường nét, hoa văn làm cho sản phẩm vừa có sự cách điệu vừa mang giá trị truyền thống. Chị H’ Sa Nitrat ở buôn Lê là một trong những học viên xuất sắc nhất của lớp học vui mừng cho hay, trước đây chỉ những người già trong buôn mới biết dệt thổ cẩm nhưng do điều kiện khó khăn, phải đi làm kiếm sống nên không có thời gian truyền dạy lại cho thế hệ trẻ. Lớp học này được tổ chức rất thiết thực, vừa nắm vững lý thuyết lại được thực hành nhiều nên chị em đã biết dệt những trang phục truyền thống cho gia đình, người trong dòng họ. 

Dạy nghề dệt thổ cẩm tại buôn Lê (thị trấn Liên Sơn, huyện Lak).
Dạy nghề dệt thổ cẩm tại buôn Lê (thị trấn Liên Sơn, huyện Lak).

Qua thời gian 3 tháng, kết quả bước đầu đã thể hiện rất rõ bằng những sản phẩm mang đậm nét truyền thống do chị em tự làm ra như: trang phục truyền thống, túi xách và các phụ kiện khác… Chị H’ Đơi Long Jing thổ lộ: “Lớp học này rất bổ ích vì đã giúp chị em có thêm nghề ổn định. Sau thời gian 3 tháng, nhiều chị đã lên tận Buôn Ma Thuột học thêm các hoa văn mới nên đã nhận được các đơn đặt hàng có giá trị, góp phần nâng cao thu nhập bằng chính nghề truyền thống của dân tộc mình”. Lớp học đã giúp chị em có thêm việc làm, hơn nữa còn định hướng ngành nghề phù hợp với từng địa phương nên đã tạo điều kiện cho phụ nữ là người dân tộc thiểu số, phụ nữ nghèo vùng sâu, vùng xa từng bước vươn lên ổn định cuộc sống. Đồng thời, việc tổ chức các lớp học ngay tại địa phương sẽ giúp những người làm công tác giảng dạy trực tiếp nắm bắt điều kiện thực tế và kịp thời tháo gỡ những vướng mắc cho chị em. Theo đề án "Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010-2015” của Hội LHPN Việt Nam, bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho 50.000 lao động nữ. Đây là đề án nhằm đẩy mạnh và khắc phục những khó khăn của công tác đào tạo nghề cho phụ nữ, giúp phụ nữ có nghề, có việc làm. Bà Mai Hoan Niê Kđăm, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, so với một số chương trình dạy nghề, giải quyết việc làm cho người lao động trước đây thì đề án "Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010-2015” có nhiều nét mới và thực sự tạo điều kiện cho lao động nông thôn có nghề nghiệp, nâng cao chất lượng cuộc sống. Với những kết quả bước đầu đã đạt được, trong thời gian tới, Hội LHPN tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các cấp, ngành liên quan tổ chức các lớp dạy nghề phù hợp với đặc điểm kinh tế-xã hội ở từng địa phương nhằm giúp chị em có nghề nghiệp ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần vào công tác giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

 

Nguyễn Xuân

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.