Multimedia Đọc Báo in

Những "nét vẽ" đẹp trong bức tranh xây dựng đời sống văn hóa

09:49, 09/02/2011

Xây  dựng đời sống văn hóa không nhất thiết phải là cái gì đó quá cao siêu, to tát mà từ chính những việc làm đơn giản, những con người bình dị, những mô hình tưởng đã “xưa rồi” không còn hợp thời nữa. Điều giản dị đã làm nên những bất ngờ từ bộ mặt khu dân cư khang trang, đời sống người dân cải thiện, môi trường sống an vui, thắm tình làng nghĩa xóm…

Keng, keng, keng - Tiếng kẻng ba phòng
22 giờ đêm hằng ngày gõ một hồi kẻng, báo cho người dân biết đã đến giờ giới nghiêm, mọi người ra đường phải cầm theo đèn, những gia đình có việc hiếu hỷ, các hàng quán không được gây ồn ào; gõ một hồi 3 tiếng, báo hiệu có kẻ gian cần phối hợp vây bắt hoặc có hỏa hoạn cần tập trung ứng cứu dập lửa; gõ 3 tiếng một, 3 tiếng một, thông báo họp dân. Đó là 3 loại tiếng kẻng trong mô hình “Tiếng kẻng ba phòng” đã được duy trì từ năm 2002 đến nay ở thôn 13 và 14, xã Ya T’mốt, huyện Ea Súp và năm 2008 được Bộ Công an tặng Bằng khen trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc. Những người sáng lập ra mô hình này là Ban tự quản thôn 13 cũ (sau tách ra làm hai thôn 13 và 14). Khởi nguồn của ý tưởng bắt đầu từ chính những vụ trộm cắp ở vùng nông thôn, khi con gà, con chó, lúc buồng cau, nhánh chuối… Thôn 13 và 14 có địa bàn rộng, chuyên đón nhận dân kinh tế mới, đời sống người dân những năm đầu mới thành lập thôn chưa ổn định nên vấn đề quản lý nhân khẩu rất phức tạp, khi có các vụ trộm cắp xảy ra khó xác định, khoanh vùng đối tượng cũng như phối hợp giải quyết các vụ việc.  Từ thực tế này, sau nhiều lần bàn bạc, Ban tự quản thôn 13 cũ đã nghĩ ra việc sử dụng tiếng kẻng để báo động và tập hợp dân. Hiệu quả bất ngờ, cách làm trên được người dân nhiệt tình hưởng ứng, phối hợp nên tình hình an ninh trật tự trên địa bàn thôn được kiểm soát, số vụ trộm cắp giảm đáng kể. Nhận thấy tác dụng to lớn của việc sử dụng tiếng kẻng ở thôn 13 và 14, Ban Công an xã đã làm việc với Ban tự quản thôn và xây dựng thành mô hình “Tiếng kẻng ba phòng”.

Ngày nào ông Hoàng Văn Cường cũng đánh kẻng đều đặn.
Ngày nào ông Hoàng Văn Cường cũng đánh kẻng đều đặn.

Một trong những người gắn bó và phụ trách việc đánh kẻng là ông Hoàng Văn Cường (hiện là Chủ tịch Hội Đông y xã Ya T’mốt). Ngoài việc tự bỏ tiền túi ra mua chiếc kẻng đầu tiên tặng thôn, ông còn là “người đánh kẻng ưu tú nhất”. Danh hiệu này bà con trong thôn phong tặng ông bởi lẽ mưa bão hay bận rộn, ốm đau, bằng mọi cách ông đều cố gắng duy trì đều đặn việc đánh kẻng vào đúng 22 giờ đêm hằng ngày dù số tiền phụ cấp khi có, khi không và nếu có thì cũng chẳng đáng kể. Tiếng kẻng ba phòng đã gắn bó, quen thuộc với người dân ở hai thôn 13 và 14 này, họa hoằn lắm hôm nào không nghe tiếng kẻng là ai cũng thắc mắc, thấy thiêu thiếu và họ còn khẳng định vai trò quan trọng của tiếng kẻng tới mức: “Mất kẻng như cụt mất tay”.

Người thương binh 20 năm làm tổ trưởng tổ dân phố
Tính đến năm 2010, ông đã có thâm niên 20 năm làm tổ trưởng tổ dân phố. Có nhiều lý do để mọi người tín nhiệm bầu ông nắm giữ cương vị này với thời gian dài như vậy. Gương mẫu, nhiệt huyết, dám nghĩ dám làm chính là những nét phẩm chất đáng quý và là yếu tố để ông có nhiều việc làm đóng góp tích cực cho sự phát triển của khu dân cư. Ông là Hồ Sỹ Dương, thường trú tại 53/10 Thăng Long, tổ trưởng tổ dân phố 6, phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột, một thương binh hạng 4/4, bị nhiễm chất độc da cam tỷ lệ 40%.

Hẻm 131 Đinh Tiên Hoàng, con đường được xây dựng từ sức dân.
Hẻm 131 Đinh Tiên Hoàng, con đường được xây dựng từ sức dân.

Tổ dân phố 6 có  307 hộ chia thành 11 tổ liên gia ở trên 8 trục đường liên tổ, liên khối. Trong câu chuyện nâng cấp hệ thống đường sá ở đây, người ta  nhắc nhiều đến vai trò của ông. Nhìn những con đường bây giờ đã được nhựa hóa, được bê tông hóa, khó có thể tưởng tượng trước đây chúng là những con đường “ghẻ”, nhiều đoạn ổ voi ổ gà, lầy lội về mùa mưa, bụi bặm về mùa khô, đi lại rất khó khăn. Trăn trở này đã được ông và Ban tự quản tổ dân phố đưa ra trong các cuộc họp chi bộ để trên tinh thần Nhà nước và nhân dân cùng làm, tiến hành vận động bà con đóng góp, trong đó đảng viên gương mẫu đi đầu. Đến cuối năm 2007, tổ dân phố 6 có 7/8 con đường từ chính sức dân đã được bê tông, nhựa hóa. Riêng hẻm 131 - Đinh Tiên Hoàng được UBND thành phố phê duyệt với tổng vốn là 308 triệu đồng, thành phố hỗ trợ một nửa so với còn lại là nhân dân đóng góp 50%. Với cương vị tổ trưởng tổ dân phố, bí thư chi bộ, ông đã tổ chức họp dân, mời UBND phường xuống dự để thành lập ban vận động và thống nhất mức đóng góp của từng hộ theo diện tích ở mặt đường, những hộ trong hẻm thì đóng bằng một nửa so với những hộ ở ngoài mặt đường. Cách làm và tính toán này được bà con ủng hộ vì bảo đảm công bằng. Tuy nhiên, qua thực tế triển khai, một số hộ do hoàn cảnh khó khăn nên chưa thể đóng góp. Với suy nghĩ càng để dây dưa kéo dài, giá vật liệu tăng, dự án càng khó thực hiện, ông cùng ban tự quản và chi bộ nêu quyết tâm phải hoàn thành việc nâng cấp con đường trong năm 2009.  Ông cùng các đảng viên bàn bạc và tìm ra hướng giải quyết là huy động sự hỗ trợ của nhân dân toàn khu phố. Kết quả ngoài mong đợi, tổng số tiền thu được vượt con số 154 triệu đồng theo kế hoạch cần phải có để đối ứng. Được khởi công ngày 30-4-2009 đến ngày 19-5-2009 con đường hẻm 131 - Đinh Tiên Hoàng hoàn thành đưa vào sử dụng. Toàn bộ 8/8 con đường thuộc địa bàn tổ dân phố 6 được rải nhựa hóa, bộ mặt khu dân cư khang trang, người dân phấn khởi, hăng hái thi đua xây dựng nếp sống đẹp nơi đô thị từ việc giữ gìn vệ sinh môi trường đến chăm lo nuôi dạy con cái, phát triển kinh tế gia đình.  Cả tổ dân phố chỉ còn một hộ nghèo; không có người vi phạm pháp luật; 10 năm liền được công nhận là Tổ dân phố Văn hóa.

Những thành tích đó có vai trò tiên phong gương mẫu của ông Hồ Sỹ Dương. Gương mẫu trong sống, làm việc và nuôi dạy con cái, ông có 5 người con đều học tập tốt và đã tốt nghiệp đại học, trong đó có 3 người con có trình độ thạc sĩ.  Bản thân ông năm nào cũng được công nhận là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; được Công an tỉnh tặng Bằng khen về phong trào Bảo vệ an ninh Tổ quốc và UBND tỉnh tặng Bằng khen trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.

“Một việc làm tốt để dân nghe, dân thấy bằng trăm lời vận động”
Đó là tâm sự của ông Nguyễn Tất Thắng, bí thư chi bộ kiêm thôn trưởng thôn 9, xã Pơng Drang, huyện Krông Buk. Với suy nghĩ này, ông luôn gương mẫu đi đầu và cùng ban tự quản, chi bộ thôn chủ động, sáng tạo ra nhiều mô hình, cách làm hay để thu hút, tập hợp nhân dân tham gia xây dựng đời sống văn hóa. Thôn 9 đông dân cư nhất của huyện Krông Buk, với hầu hết là cán bộ công nhân viên thuộc các lâm trường, xí nghiệp của Liên hiệp Ea Súp sau giai đoạn giải thể đời sống hết sức khó khăn, kéo theo đó là những phức tạp về tình hình an ninh trật tự. Ông cùng đội ngũ cán bộ thôn đã gắn kết người dân bằng hình thức vận động mỗi hộ gia đình tự nguyện đóng góp từ 5-10 nghìn đồng để phụng dưỡng người già cao tuổi cũng như tổ chức phúng viếng, ma chay cho người đã khuất. Việc làm nhân văn này càng tăng thêm tình làng nghĩa xóm và được nhiều người thán phục.  Để bảo đảm môi trường sống yên bình cho thôn quê, từ năm 1997, thôn đã thành lập một đội an ninh tự quản hoạt động tích cực, ngày đêm tuần tra. Nhờ vậy an ninh trật tự trên địa bàn được giữ vững, nhiều năm nay, thôn 9 không có người nghiện hút hoặc mua bán chất ma túy. Nhận thấy hiệu quả và vai trò thiết thực của đội an ninh tự quản, bà con trong thôn tự nguyện đóng góp mỗi hộ 30 nghìn đồng/năm để lực lượng này mua sắm công cụ phục vụ công tác tuần tra. Có lẽ cũng bằng chính những việc làm cụ thể, thiết thực đó nên ông Thắng và ban tự quản thôn gặp nhiều thuận lợi trong thuyết phục bà con từ việc chấp hành nghiêm các nghĩa vụ công dân đến tích cực tham gia đóng góp xây dựng các công trình khi cần huy động. Thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước, hằng năm thôn 9 đều vượt trên 100% chỉ tiêu được giao. Nhân dân tự nguyện đóng góp nâng cấp tu sửa 13 km đường ngang dọc trong thôn; nhựa hóa được 1.200 m đường trị giá hơn 800 triệu đồng; lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng 23 triệu đồng.

Quả là “cán bộ nào thì phong trào ấy”. Với suy nghĩ và cách làm hiệu quả như thế, dễ hiểu khi thôn 9 là một trong 4 thôn đầu tiên của xã Pơng Drang đạt danh hiệu Thôn Văn hoá.

 

Đàm Thuần

 


Ý kiến bạn đọc