Multimedia Đọc Báo in

Những người “giữ lửa” buôn làng

10:39, 09/02/2011

Trong những năm qua, cùng với các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các già làng, những người già có uy tín ở các buôn làng trên địa bàn tỉnh luôn phát huy vai trò đầu tàu gương mẫu trong các phong trào, cuộc vận động ở cơ sở; góp phần quan trọng vào củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, vận động nhân dân đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín, dị đoan, xây dựng đời sống văn hóa. Họ như những người “giữ lửa” ở các buôn làng…

Già làng đảng viên

Già làng Y Dum Niê (bìa phải)
Già làng Y Dum Niê (bìa phải)
Đó là già làng Y Dum Niê (Ama Nhi) ở buôn Kuanh, xã Yang Mao (Krông Bông). Thoát ly theo cách mạng từ năm 1964, già trở thành chiến sĩ Tiểu đoàn 301, 303 chinh chiến đánh địch khắp chiến trường Dak Lak. Với những thành tích trong chiến đấu, năm 1974, già Y Dum Niê vinh dự được kết nạp Đảng tại đơn vị. Sau giải phóng năm 1975, già trở về Krông Bông, từng giữ nhiều trọng trách như Phó Chủ tịch UBND xã Krông Bông (trước khi tách xã), Chủ tịch UBND xã Yang Mao, Phó Bí thư Đảng ủy xã… cho đến khi nghỉ công tác vào năm 1996. Sau đó, già Y Dum Niê trở thành già làng buôn Kuanh kiêm Bí thư chi bộ buôn và Chi hội trưởng cựu chiến binh của buôn. Bây giờ già làng Y Dum không còn giữ chức Bí thư chi bộ buôn nữa nhưng vẫn là một trong những đảng viên nòng cốt, hăng hái và tích cực nhất. Đặc biệt, gia đình già có đến 4 đảng viên, trong đó con rể Y Dhơn Byă đồng thời cũng là buôn trưởng.

Với vai trò già làng lại là đảng viên, để giải quyết các công việc trong buôn như vận động bà con thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đoàn kết chăm lo phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; đứng ra hòa giải các xích mích…, không chỉ tuyên truyền miệng, già làng Y Dum còn gương mẫu, đi đầu trong các hoạt động, phong trào. Già Y Dum bộc bạch: “Từ chuyện vận động bà con định canh định cư, không phá rừng làm rẫy cho đến việc thuyết phục bà con xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, mình phải nói đi nói lại nhiều lần và phải làm trước thì bà con mới làm theo. Mình là già làng nhưng cũng là đảng viên, đảng viên đi trước, làng nước theo sau mà”. Mấy năm trước, Nhà nước có chủ trương xây dựng nhà mẫu giáo trong buôn theo nguồn vốn chương trình 135 nhưng ngặt nỗi thiếu đất, buôn trưởng Y Dhơn, con rể của già Y Dum đã tự nguyện hiến 50m2 để xây trường, từ đó thuyết phục được thêm 2 hộ khác cũng hiến đất để buôn có phòng học mẫu giáo khang trang. Sau đó, bà con buôn Kuanh còn hiến đất để xây dựng Nhà văn hóa cộng đồng.

Cuộc sống của đồng bào M’Nông ở buôn Kuanh hiện nay đã khấm khá, tiến bộ hơn trước đây rất nhiều. Cả buôn không ai còn phá rừng làm rẫy mà đã biết làm ruộng nước, biết áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, có 22 hộ đã nhận giao khoán chăm sóc và bảo vệ rừng; 100% trẻ em trong buôn đều được đi học, trong đó đã có 3 người vào đại học; đồng bào trong buôn đều có ý thức sinh đẻ có kế hoạch, hộ nhiều nhất cũng chỉ có 3 con. Đồng bào trong buôn vẫn còn duy trì những sinh hoạt văn hóa truyền thống như: các lễ hội (cúng bến nước, cúng lúa mới, mừng nhà mới…); đánh cồng chiêng; dệt thổ cẩm… Đặc biệt, công tác phát triển đảng viên trong buôn luôn được quan tâm, hiện Chi bộ buôn Kuanh có 8 đảng viên là người dân tộc thiểu số tại chỗ, trong đó có một đảng viên nữ (chị H’Păn hiện là Bí thư chi bộ).

Dù vậy, già làng Y Dum vẫn còn nhiều trăn trở. Già tâm sự: “Mấy năm trước, xã có đề nghị xét buôn Kuanh trở thành buôn văn hóa nhưng mình thấy buôn chưa xứng đáng vì còn nhiều hộ nghèo quá (28 hộ nghèo trong tổng số 58 hộ, chiếm hơn 48%). Bà con trong buôn chủ yếu sống nhờ vào ruộng nước nhưng trong buôn hiện chưa có đập thủy lợi, sản xuất vẫn còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên kinh tế phát triển chưa bền vững. Vì vậy, mình rất mong Nhà nước sẽ đầu tư xây dựng đập thủy lợi cho buôn, hỗ trợ bà con có một công trình nước sạch và làm đường giao thông nội buôn để không còn lầy lội nữa”.

Hạt nhân tích cực trong công tác phát động quần chúng

Già làng Y Siêng Niê.
Già làng Y Siêng Niê.
Giọng nói rổn rảng và tác phong rất nhanh nhẹn, già làng Y Siêng Niê (thường gọi là Ama H’Ngách), buôn Yang Reh, xã Yang Reh (Krông Bông) luôn toát lên dáng vẻ của một người từng công tác nhiều năm trong quân ngũ. Theo cách mạng từ năm 1968 cho đến khi về nghỉ hưu với quân hàm Thượng tá vào năm 2000, già làng Y Siêng đã có hơn 30 năm phục vụ trong quân đội, từng tham gia đánh Mỹ, tiễu trừ Fulrô trên khắp các địa bàn ở Dak Lak. Già cũng đã vinh dự được kết nạp Đảng vào năm 1972. Với bề dày công tác như vậy, sau khi nghỉ hưu và trở thành già làng buôn Yang Reh từ năm 2006, Ama H’Ngách luôn là một hạt nhân tích cực trong công tác vận động quần chúng. Không chỉ tuyên truyền trong các buổi họp buôn, già thường xuyên đến tận nhà vận động bà con thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đoàn kết, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, cảnh giác với những âm mưu gây chia rẽ của kẻ xấu. Cách vận động của già là nói thẳng, nói thật, phân tích cho bà con bằng những hình ảnh gần gũi nhất trong cuộc sống bởi “nói theo sách vở, dùng từ ngữ chuyên môn, khó hiểu và giáo điều thì bà con không hiểu được”. Chẳng hạn trong đợt điều tra hộ nghèo vừa qua, để bảo đảm công bằng, Ama H’Ngách đến từng nhà để nắm rõ hơn hoàn cảnh, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của họ, diễn giải cho bà con hiểu cặn kẽ những tiêu chí mới để xếp loại hộ nghèo; vì thế, các hộ được xếp vào diện nghèo hay thoát nghèo đều thấy thỏa đáng. Năm ngoái, buôn Yang Reh có 10 học sinh bỏ học. Sau khi nghe các thầy cô giáo báo lại, già Ama H’Ngách lập tức cùng các thầy cô đến tận nhà từng em để tìm hiểu nguyên nhân, rồi cũng chính già kiên trì thuyết phục cha mẹ chúng cho con đi học lại. Cũng vì thế mà năm nay, cả buôn chưa có trường hợp học sinh bỏ học nào, các gia đình trong buôn cũng không còn bắt con nghỉ học để chăn bò nữa. Đặc biệt, già làng Ama H’Ngách rất chú trọng đến việc vận động bà con không nghe, không tin và không làm theo lời bọn xấu, cảnh giác trước những âm mưu gây chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; già luôn giáo dục, động viên lũ thanh niên chăm lo học hành, lên nương rẫy, không tụ tập trộm cắp, đánh nhau và nhất là sống hòa thuận với thanh niên người Kinh, người M’Nông… Năm 2004, ở buôn Yang Reh có Y Kcol Êban và Y Pot Bdăp nghe lời kẻ xấu tham gia gây rối trật tự công cộng và bỏ trốn vào rừng hai năm sau mới về. Già làng Ama H’Ngách phối hợp với chính quyền và công an xã đã đưa hai đối tượng này ra kiểm điểm trước buôn. Già làng còn đến nhà tỉ tê, thuyết phục họ chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế, không mắc lừa âm mưu của kẻ xấu. Y Kcol và Y Pot đã nghe theo, chí thú làm ăn và còn tham gia công tác trong buôn.

Hiện nay, đời sống của bà con buôn Yang Reh có nhiều đổi thay so với trước đây. Cả buôn không còn hộ đói, tỷ lệ hộ khá cũng cao, phần lớn các hộ đều có xe máy, nhiều nhà có cả 2 xe máy và xe công nông trị giá hàng chục triệu đồng. Nhưng già làng Ama H’Ngách vẫn trăn trở: “Trình độ dân trí của bà con còn thấp, rất dễ bị người ta lừa phỉnh, dụ dỗ. Mình chỉ mong bà con trong buôn đoàn kết, thương yêu, hỗ trợ nhau trong cuộc sống, làm ăn, phát huy truyền thống cách mạng, xây dựng buôn làng giàu đẹp”.

Già A Wit vận động giáo dân buôn Kon H’Ring sống tốt đời đẹp đạo
Buôn Kon H’Ring, xã Ea H’Ding (Cư M’gar) có 278 hộ với 1.778 khẩu đều là người dân tộc Xê Đăng di cư từ Kon Tum sang từ những năm 1970; 100% đồng bào trong buôn là giáo dân Công giáo.

Là con chiên ngoan đạo, lại rất có uy tín trong buôn, già A Wit (72 tuổi) được tín nhiệm làm Trưởng ban điều hành giáo họ Kô Ring từ năm 2008. Hiểu rằng sống tốt với đời, tuân thủ pháp luật cũng chính là kính Chúa, làm theo lời dạy của Chúa, trong các buổi hành lễ, giảng đạo, dạy giáo lý, già A Wit luôn vận động giáo dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đoàn kết yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau, hưởng ứng cá

Già A Wit
Già A Wit
c phong trào thi đua yêu nước, xây dựng đời sống văn hóa. Già A Wit cũng thường xuyên nhắc nhở bà con cảnh giác để không bị lừa phỉnh trước lời dụ dỗ của kẻ xấu gây mất an ninh trật tự trong buôn, trong xã; sống hòa thuận với đồng bào các dân tộc khác.

Vừa qua, gần 30 giáo dân trong buôn đã bị lôi kéo, dụ dỗ tham gia tà đạo “Hà Mòn” với những lời mê hoặc hết sức nhảm nhí. Những giáo dân này có khi bỏ việc ruộng rẫy, tụ tập cầu nguyện hàng tháng trời, gây ảnh hưởng đến cuộc sống bà con trong buôn và phức tạp về an ninh trật tự ở địa phương. Già A Wit và chính quyền địa phương đã nhiều lần vạch trần bản chất của tà đạo này, thuyết phục người dân không nên tin những lời truyền đạo nhảm nhí. Nhờ vậy, nhiều người đã tự giác từ bỏ tà đạo “Hà Mòn” để quay về sinh hoạt bình thường trong giáo họ và lo làm ăn.

Cuộc sống của người dân buôn Kon H’Ring hiện nay đã thay đổi nhiều. Cả buôn chỉ còn lại 29 hộ nghèo (theo tiêu chí cũ), đường giao thông trong buôn đã được xây dựng, trẻ em đều được đến trường, buôn Kon H’Ring đã được công nhận là buôn văn hóa. Với những việc làm của mình, năm 2009, già A Wit đã được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì đã có nhiều thành tích trong phong trào thi đua yêu nước, góp phần phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng.

Hải Như

 


Ý kiến bạn đọc