Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả thiết thực từ mô hình “Hũ gạo tiết kiệm” ở thôn Đoàn Kết 1, xã Buôn Triết (Lak)

09:38, 21/03/2011

Thiết thực hưởng ứng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Hội Phụ nữ xã Buôn Triết (Lak) đã triển khai đến từng chi hội trong thôn, buôn nhiều mô hình như: con heo tiết kiệm, ống tiền tiết kiệm, Hũ gạo tiết kiệm tại nhà… Tiêu biểu trong phong trào này là mô hình “Hũ gạo tiết kiệm tập trung” của Chi hội phụ nữ thôn Đoàn Kết 1.

Được Chi hội phụ nữ thôn Đoàn kết 1, xã Buôn Triết phát động từ tháng 9-2007, mô hình “Hũ gạo tiết kiệm tập trung” đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các chị em hội viên phụ nữ. Chi hội hiện có 105 hội viên thì 100% hội viên đều tham gia mô hình này. Hằng tháng, các chị em hội viên mang lúa đến xát gạo tại nhà máy xát của chị Tăng Thị Hạnh, đây cũng chính là nơi để “hũ gạo tiết kiệm tập trung” của Chi hội thôn. Chẳng ai bảo ai, các chị  đều bớt lại một hoặc hai nắm gạo để bỏ vào “hũ gạo tiết kiệm”. Định kỳ 6 tháng, hay vào dịp tết, số gạo “tình nghĩa” này sẽ được trao tận tay cho những hội viên nghèo, những hội viên có hoàn cảnh không may trong cuộc sống.

(Ảnh mang tính minh họa)
(Ảnh mang tính minh họa)
Đến nay, các chị em trong Chi hội phụ nữ thôn Đoàn kết 1 đã tiết kiệm được hơn 300 kg gạo, từ đó giúp đỡ được nhiều hộ nghèo trong thôn. Gia đình chị Phạm Thị Nhiệm là một trong những hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Chị Nhiệm một mình nuôi 3 con nhỏ, thu nhập chủ yếu chỉ dựa vào 5 sào ruộng, sau đó đứa con út của chị bị ung thư máu, chị phải bán hết đất ruộng lấy tiền chạy chữa cho con. Hiện nay nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình chỉ  trông vào số tiền đi làm thuê ít ỏi của chị. Trước hoàn cảnh đó, Chi hội Phụ nữ thôn đã hỗ trợ cho gia đình chị Nhiệm 5 kg gạo từ “Hũ gạo tiết kiệm tập trung” của Chi hội. Số gạo này tuy không nhiều nhưng đối với hoàn cảnh gia đình chị Nhiệm hiện nay là cả một niềm động viên lớn. Gia đình bà Nguyễn Thị Kim Ánh cũng thuộc diện khó khăn nhất nhì trong thôn. Hai chị em bà Ánh là lao động chính trong nhà, phải nuôi 4 miệng ăn và một người mẹ già đã 83 tuổi, gia đình bà lại không có đất sản xuất nên cuộc sống thường xuyên gặp phải khó khăn. Chi hội phụ nữ thôn Đoàn kết 1 đã ưu tiên hỗ trợ hơn 5 kg gạo cho gia đình bà Ánh, phần nào giúp gia đình thoát khỏi cảnh chạy gạo ăn từng bữa.

Không chỉ gia đình chị Nhiệm, bà Ánh, còn có rất nhiều người già cả, neo đơn, khốn khó trong thôn cũng đã được Chi hội phụ nữ thôn Đoàn Kết 1 hỗ trợ gạo. Nói về việc phát động xây dựng mô hình hũ gạo tiết kiệm cũng như hiệu quả đem lại từ mô hình này, bà Phạm Thị Lệ Phúc, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Đoàn kết 1 cho biết: “Khi Hội phụ nữ xã phát động xây dựng mô hình “Hũ gạo tiết kiệm tập trung” thì mô hình này nhanh chóng được triển khai đến các chi hội, các chị em rất nhiệt tình hưởng ứng, đến nay mô hình đã thật sự mang lại hiệu quả thiết thực để giúp các chị em hội viên nghèo trong những lúc không may, khốn khó. Số gạo mà chúng tôi tiết kiệm được đã giúp cho nhiều hội viên không phải sống trong cảnh đói kém vì không có gạo để ăn. Mỗi suất gạo hỗ trợ đều được chọn đúng trường hợp, hoàn cảnh. Mỗi gia đình có người già cả, neo đơn, khốn khó trong thôn đều được Chi hội phụ nữ thôn Đoàn kết 1 hỗ trợ gạo. Không chỉ vậy, số gạo này còn được sử dụng vào việc nuôi quân đóng trên địa bàn xã”.

 

Vi Thủy

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.