Multimedia Đọc Báo in

Thanh niên tình nguyện vì cộng đồng

Cầu thanh niên Ea Rôk

09:22, 21/03/2011

Thiếu kinh phí hoạt động luôn là câu chuyện “nóng” ở mọi diễn đàn thanh niên. Thế nhưng, ở nhiều nơi cuộc sống còn khó khăn, vất vả, song với tinh thần xung kích của tuổi trẻ, hoạt động vì cộng đồng vẫn xuất hiện những tập thể, cá nhân với cách làm hay, hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân. Điển hình như phong trào làm cầu dân sinh của Đoàn xã Ea Rôk (huyện Ea Súp).

Ea Rôk là một xã vùng sâu, vùng xa, đời sống của bà con chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó, nhiều cánh đồng sản xuất bị chia cắt bởi các con suối, nên việc vận chuyển nông sản, đi lại gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt vào mùa mưa khi mực nước dâng lên, các con suối trở nên hung dữ, nhiều bà con nông dân không dám băng suối thu hoạch nông sản. Trước tình hình trên, những năm qua, tuổi trẻ xã Ea Rôk đã chung tay, chung sức tổ chức gây quỹ, huy động thanh niên đóng góp hàng nghìn ngày công làm đường liên thôn, đường nội đồng, cầu dân sinh phục vụ bà con với kinh phí hàng trăm triệu đồng. Tính đến nay, Đoàn xã Ea Rôk đã tham gia làm mới 5 cây cầu với số tiền trị giá 150 triệu đồng, tu sửa nhiều cây cầu khác giúp người dân đi lại thuận tiện, an toàn. Để những cây cầu sớm đưa vào sử dụng phát huy giá trị, là nhờ sự đồng thuận, nhất trí cao giữa chính quyền và người dân. Trong đó, đoàn viên thanh niên là lực lượng chính đảm nhận phần thi công, hoàn thiện các công trình. Anh Ngô Minh Khoa, Phó Bí thư Đoàn xã cho biết: “Để những cây cầu nhanh chóng hoàn thành, chúng tôi đã tổ chức đoàn viên thành nhiều nhóm và giao các công việc cụ thể. Mỗi đợt làm cầu, có hàng trăm thanh niên hăng hái tham gia”. Tới thăm cây cầu gỗ ở thôn 18, dài hơn 20 mét, vững chãi bắc qua con suối Cụt nối xóm làng với cánh đồng hàng chục héc-ta trồng lúa, bắp, dưa hấu… nguồn thu chính của nhiều hộ dân nơi đây.

Cây cầu thanh niên, bắc qua suối Cụt.
Cây cầu thanh niên, bắc qua suối Cụt.
Thôn 18 hiện có 120 hộ với hơn 500 khẩu, đời sống của bà con chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Những năm trước đây khi chưa có các cây cầu, việc sản xuất nông nghiệp của bà con gặp không ít khó khăn. Đến mùa thu hoạch để đưa một bao lúa, bao bắp qua con suối Cụt, suối Ea Súp về nhà mỗi gia đình phải trả 10.000 đồng tiền thuê nhân công cho một chuyến lội suối. Có khi gặp mùa nước lớn cả làng chỉ biết đứng nhìn lúa, bắp ngập trong nước vì không có cầu để đi qua. Ngồi bên hiên nhà nhìn những đoàn xe máy cày, xe trâu của người dân đang chở dưa hấu nhộn nhịp qua cây cầu gỗ vững chãi về làng, ông Cao Ngọc Định, Bí thư thôn 18 chia sẻ: “Nhờ có cây cầu mới, mà việc đi lại của người dân trong và ngoài thôn đã được thuận lợi hơn. Bà con gọi đó là cầu thanh niên. Có cầu rồi đi làm đồng không phải lội suối, gửi lại xe cộ… như trước kia. Bất kể mùa nắng hay mùa mưa cứ trẻ con trong thôn tới trường là người lớn lại đánh xe trâu, xe cày đi làm đồng chẳng phải lo lắng nước lớn hay nước nhỏ”. Không chỉ giải quyết nhu cầu đi lại trước mắt cho người dân mà những cây cầu thanh niên còn góp phần không nhỏ vào tình hình sản xuất, phát triển kinh tế của địa phương. Nếu như trước năm 2008, tỷ lệ hộ nghèo của thôn 18 trên 30%, từ khi có cầu đời sống của người dân thay đổi hẳn, hàng chục gia đình đã ổn định được cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Tính đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của thôn giảm xuống chỉ còn 10%. Ngoài chuyện làm cầu của thanh niên mang nhiều ý nghĩa thì câu chuyện về việc bảo dưỡng những cây cầu gỗ này cũng là một điều thú vị và rất đáng quan tâm. Bởi hiện nay, tất cả người dân ở các thôn, buôn đều đã họp bàn và quyết định giao những cây cầu này cho thanh niên bảo vệ, tu sửa. Vì vậy hằng tuần, các đoàn viên trong thôn đều thay phiên nhau kiểm tra để kịp thời tu sửa nếu cầu có dấu hiệu hư hỏng.

Trong những năm qua, không chỉ tích cực làm cầu phục vụ nhân dân, Đoàn xã Ea Rôk còn ra quân tu sửa hàng chục ki-lô-mét đường liên thôn và đường nội đồng giúp người dân thuận tiện trong việc đi lại, sản xuất phát triển kinh tế. Với những gì đã làm được, thời gian tới Đoàn xã sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức đoàn thể ở địa phương tích cực vận động đoàn viên thanh niên tham gia ủng hộ tiền, ngày công để cùng bà con trong xã xây dựng và sửa chữa cầu ở các thôn, buôn khó khăn.

 

Tuấn Anh

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.