Ghi nhận qua công tác chỉnh trang hệ thống nhà chờ xe buýt
Xuống cấp, thiếu thống nhất và sử dụng không đúng mục đích – đó là thực trạng chung của hệ thống nhà chờ xe buýt trên địa bàn tỉnh ta trong thời gian qua. Trước tình hình đó, các ban ngành liên quan đã và đang nỗ lực trong công tác chỉnh trang hệ thống nhà chờ xe buýt.
Hiện tỉnh ta có đến 55 doanh nghiệp và HTX kinh doanh vận tải hành khách, trong đó có 5 doanh nghiệp vận tải xe buýt, với gần 200 đầu xe. Đây là phương tiện giao thông công cộng thông dụng nhất trên địa bàn, 100% hoạt động theo phương thức xã hội hóa, không phải trợ giá, trợ cước, hằng năm phục vụ trên 16 triệu lượt người, góp phần giảm đáng kể lượng xe cá nhân tham gia giao thông trên các tuyến đường.
Do số lượng xe lớn nên hệ thống nhà chờ cũng được lắp đặt khá nhiều dọc các tuyến đường chính từ huyện đến trung tâm thành phố, với đủ kích cỡ, màu sắc khác nhau. Điều đáng nói ở đây là hầu hết nhà chờ xe buýt đều ở trong tình trạng “có như không”, chưa phát huy hiệu quả khiến hành khách rất bức xúc vì một số nhà chờ bị chiếm dụng để buôn bán, cây che khuất, thiếu bảng thông tin, không ghi rõ lộ trình tuyến, đầy thông tin quảng cáo, rao vặt dán chồng lên nhau, chưa kể có nhà chờ còn là nơi phóng uế, xả rác bừa bãi… Anh Nguyễn Văn Phước, người dân Krông Pak chia sẻ: mỗi lần chờ xe buýt, anh thà chịu mưa, nắng đứng ngoài còn hơn ngồi trong nhà chờ quá hôi hám, bẩn thỉu. Một phần do ý thức người dân, phần thì xuất phát từ sự nhếch nhác của hệ thống nhà chờ dẫn đến tình trạng nhà chờ thì trống không mà hành lang đường bộ lại đông nghịt người đón xe, tạo nên một cảnh tượng hết sức lộn xộn, nhất là ở các tuyến đường nội thành, làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông.
Mẫu nhà chờ xe buýt mới theo quy định của Bộ GTVT. |
Để từng bước khắc phục tình trạng trên, từ đầu tháng 1-2011 đến nay, cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành lắp đặt 12 nhà chờ xe buýt theo mẫu mới do Bộ GTVT quy định (chiều dài mái vòm 4 mét, rộng 2 mét, thân chính chia làm 2 phần ghi rõ lộ trình các tuyến xe buýt và thông tin quảng cáo của chủ đầu tư) trên các tuyến đường chính: Nguyễn Tất Thành, Hùng Vương, Lê Hồng Phong và Lê Duẩn. Toàn bộ công trình do HTX Quyết Thắng thi công, Trường Trung cấp nghề VinaSme Tây Nguyên làm chủ đầu tư với kinh phí gần 90 triệu đồng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thành Đức, Chủ nhiệm HTX vận tải Quyết Thắng cho biết: lắp đặt lại hệ thống nhà chờ xe buýt là việc làm cần thiết, vì không chỉ tạo sự thống nhất về mẫu mã giữa các nhà chờ, mà còn góp phần tạo tính thẩm mỹ trên các tuyến đường, đồng thời tạo điều kiện cho hành khách dễ dàng hơn trong việc quan sát lộ trình các tuyến xe đi, đến. Anh Nguyễn Văn Ngọc (huyện Ea Súp) chia sẻ: trước đây mỗi lần lên xe buýt anh thường sợ đi nhầm tuyến vì ở hệ thống nhà chờ ghi không rõ lộ trình, bị mờ… giờ đây, chỉ cần nhìn vào biển nhà chờ là biết được lộ trình các tuyến đi nên rất dễ dàng cho anh cũng như nhiều hành khách khác. Để hệ thống nhà chờ xe buýt ngày càng hoàn thiện, phục vụ hành khách tốt hơn, cần tăng cường công tác kiểm tra, duy tu và bảo dưỡng bên cạnh việc đề ra các chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, chiếm dụng hệ thống nhà chờ sử dụng vào mục đích khác.
Tại Thông tư số 14/2010/TT-BGTVT nêu rõ: trong nhà chờ xe buýt phải niêm yết tối thiểu các thông tin: số hiệu, tên, lộ trình tuyến, tần suất chạy xe, thời gian hoạt động trong ngày của tuyến, số điện thoại cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý, bản đồ hoặc sơ đồ mạng lưới tuyến. Đối với những nhà chờ phục vụ người khuyết tật phải xây dựng lối lên xuống và các hạng mục, công trình phụ trợ thuận tiện cho đối tượng này… |
Ý kiến bạn đọc