Multimedia Đọc Báo in

Những cựu chiến binh có tấm lòng nhân ái

09:10, 09/05/2011

Mặc dù ở nhiều vùng quê khác nhau nhưng họ đều có điểm chung: góp sức bảo vệ đất nước, hăng hái tham gia lao động sản xuất, xây dựng quê hương. Và điều đáng quý nhất ở họ chính là tấm lòng nhân ái, cùng chăm lo cho cộng đồng, xã hội. Những người lính, cựu chiến binh ấy đã góp phần tô thắm phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, trở thành tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo.

Người tiên phong xây cầu qua suối
Là người dân tộc Tày, quê gốc ở Cao Bằng từng tham gia chiến đấu tại mặt trận Tây Nguyên, trực tiếp đánh tiêu diệt sân bay Hòa Bình (Buôn Ma Thuột) năm 1975, góp phần giải phóng miền Nam, tham gia truy quét Fulrô, rồi làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới phía Bắc… ông Nông Đức Tài (thôn Cao Bằng, xã Ea Knuếc, huyện Krông Pak) cũng không thể ngờ mình có duyên gắn bó với mảnh đất Dak Lak đến thế. Sau 10 năm phục vụ trong quân ngũ, ông trở về công tác tại địa phương, vận động bà con tăng gia sản xuất xây dựng quê hương. Do cuộc sống ở quê quá chật vật, phụ cấp của cán bộ xã không đủ nuôi sống gia đình, ông suy tính, bàn bạc và quyết định đưa vợ con vào Dak Lak lập nghiệp. Với bản tính cần cù, chịu khó, vợ chồng ông ra sức khai hoang, vỡ đất trồng lúa, hoa màu, dành dụm được ít tiền lại mua trâu, bò về chăn thả. Nhờ vậy, cuộc sống gia đình ông dần no đủ. Thời điểm những năm 1990, người dân trong thôn Cao Bằng bị sốt rét nhiều, được cha mẹ truyền dạy cho nghề thuốc nam và kinh nghiệm chữa bệnh sốt rét khi còn là lính Trường Sơn, ông Tài lại lặn lội vào rừng hái thuốc về chữa cho bà con. Cũng từ lúc ấy, ông gắn bó với nghề thầy thuốc. Tin lành về việc ông chữa trị được bệnh sốt rét, các chứng bệnh thần kinh, tê buốt, đau nhức xương khớp, sái gân cốt, đau xoang, rắn độc cắn… ngày càng lan xa, người dân ở các địa bàn lân cận và nhiều tỉnh khác đã tìm đến nhờ ông chữa trị. Những hộ nghèo, khó khăn ông chỉ lấy nửa tiền, nhiều lúc còn cho thiếu. Khi cuộc sống đã ổn định, với trách nhiệm của một chi hội trưởng chi hội CCB, ông nhiệt tình giúp đỡ các hội viên và người dân trong thôn như cho mượn hàng chục triệu đồng mua vật liệu làm nhà, cây, con giống, lo cho con cái ăn học, ốm đau… không lấy lãi. Điều đáng nói, ông Tài còn tự nguyện đầu tư 22 triệu đồng và vận động hội viên, người dân trong thôn đóng góp ngày công xây dựng cây cầu qua suối Chư Quynh tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại, sản xuất. Cũng từ đó, bà con trong thôn không còn trông chờ, ỉ lại mà tự nguyện đóng góp tiền, ngày công xây dựng thêm 2 cây cầu bắc qua suối.

Cầu qua suối Chư Quynh xã Ea Knuếc do CCB Nông Đức Tài hỗ trợ xây dựng.
Cầu qua suối Chư Quynh xã Ea Knuếc do CCB Nông Đức Tài hỗ trợ xây dựng.

“Điểm tựa” của phong trào phòng, chống ma túy ở địa phương
Số người nghiện ma túy ở xã Ea Tam (huyện Krông Năng) từ con số 24 giảm xuống còn 10 và đang được tổ chức cai nghiện tại cộng đồng, người dân từ chỗ sợ sệt, e ngại đã mạnh dạn tố giác tội phạm ma túy và sẵn sàng giúp đỡ, tạo điều kiện cho người nghiện hòa nhập cộng đồng… Kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của Phó Chủ tịch Hội CCB xã Mã Huy Ưu.

Xã Ea Tam có trên 2.000 hộ sinh sống ở 15 thôn, buôn nhưng có tới 97% là người dân tộc thiểu số phía bắc. Cùng với việc di cư vào làm kinh tế, họ cũng mang theo tập quán hút thuốc phiện. Nhận thức được tác hại của ma túy và cả thói quen của người dân, ông Ưu và Ban Chấp hành Hội CCB xã, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng các phương án đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy, xây dựng các mô hình nhân dân tự quản phòng chống tội phạm ma túy. Để tổ chức thực hiện có hiệu quả, Ban Chấp hành Hội CCB xã vận động, quán triệt 100% cán bộ, hội viên làm bản cam kết bản thân và gia đình không có người mắc tệ nạn xã hội, các chi hội CCB đăng ký thi đua xây dựng địa bàn thôn không có người nghiện ma túy. Đồng thời, Hội cũng giao trách nhiệm cho mỗi cán bộ kèm cặp, giúp đỡ một đối tượng cai nghiện. Bằng uy tín và trách nhiệm của mình, ông Ưu thường xuyên lui tới các địa bàn trọng điểm, phối hợp với ban tự quản thôn, buôn nhắc nhở những hội viên có con em nghiệm hút, thăm hỏi, động viên, khuyến khích, chia sẻ kinh nghiệm với các gia đình tự cai nghiệm cho con em tại nhà. Nhờ vậy, nhiều người đã cai nghiện thành công. Tuy nhiên, để giúp họ hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống lâu dài, ông Ưu đã tham mưu cho Ban Chấp hành Hội CCB xã, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể khác tín chấp cho gia đình có người đã cai nghiện xong được vay vốn của Ngân hàng Chính sách - Xã hội để phát triển sản xuất, chăn nuôi. Hà Văn Vấn, người đã cai nghiện thành công tại nhà nhờ sự giúp đỡ của ông Ưu thổ lộ: “Trước đây, do nghiện ngập, cơ thể tôi ngày càng gầy yếu, bỏ bê hết công việc làm ăn. Nhưng hội viên CCB, bà con hàng xóm, anh em không xa lánh mà còn thường xuyên hỏi han sức khỏe, động viên từ bỏ ma túy. Thêm vào đó, chính chú Ưu đã nhận kèm cặp, gần gũi, phân tích điều hay lẽ phải nên tôi dần nhận thấy sai lầm của mình và quyết tâm từ bỏ ma túy”. Ngoài ra còn có nhiều trường hợp đã cai nghiện được nhờ sự giúp đỡ của gia đình và cộng đồng như: Hoàng Văn Diễm, Hoàng Văn Tài, Đoàn Văn Đức…

 

Nguyễn Xuân

 


Ý kiến bạn đọc