Hội Phụ nữ thị trấn Ea Kar: Nhiều biện pháp giúp hội viên dân tộc thiểu số ổn định cuộc sống
Bằng cách giúp vốn, ngày công lao động, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình tiết kiệm, tương trợ nhau lúc khó khăn, những năm qua, Hội Phụ nữ (HPN) thị trấn Ea Kar (huyện Ea Kar) đã giúp hội viên 6 buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ổn định cuộc sống.
Hội Phụ nữ thị trấn Ea Kar hiện có 2.518 hội viên, trong đó có 826 hội viên dân tộc thiểu số tại chỗ tập trung ở 6 chi hội buôn. Đời sống của đa số hội viên dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, một số chị em nặng tâm lý tự ti, ngại tham gia vào các tổ chức đoàn thể. Chị Nguyễn Thị Luyến, Chủ tịch HPN thị trấn cho biết: “Để phát triển tổ chức hội, Ban Chấp hành HPN thị trấn đã phối hợp với các chi hội phụ nữ dân tộc thiểu số “đến từng nhà, tìm từng đối tượng” nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, trên cơ sở đó có cách tuyên truyền, vận động phù hợp như tổ chức mạn đàm, giao lưu văn hóa - văn nghệ… Đồng thời, phối hợp với Ban xóa đói giảm nghèo và chính quyền địa phương khảo sát hộ nghèo, đặc biệt những hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ, tìm hiểu nguyên nhân để có biện pháp giúp đỡ hiệu quả”. HPN thị trấn đã chỉ đạo 6 chi hội buôn phát động phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”. Nhờ vậy, các hội viên đã giúp nhau cây, con giống, vật tư sản xuất và công lao động trị giá trên 190 triệu đồng; xây dựng 7 nhóm phụ nữ tín dụng tiết kiệm với 214 thành viên tham gia, huy động được 182 triệu đồng cho chị em vay xoay vòng, lãi suất thấp. Bên cạnh đó, Hội đã ký ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội hơn 1,5 tỷ đồng cho 195 hộ hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số vay đầu tư sản xuất, chăn nuôi, hướng dẫn số hộ vay vốn sử dụng đúng mục đích và hoàn trả đúng thời gian quy định.
Mô hình tận dụng đất xung quanh nhà để trồng rau sạch đã giúp gia đình chị H’Vong M’lô ở buôn Ea Kó cải thiện đời sống. |
Không chỉ giúp hội viên dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, HPN thị trấn đã chú trọng xây dựng tình đoàn kết, gắn bó giữa các chi hội phụ nữ. Hội đã phân công 12 chi hội phụ nữ người Kinh kết nghĩa với 6 chi hội phụ nữ dân tộc thiểu số. Nhiều hội viên có kinh tế khá đã giúp đỡ phụ nữ dân tộc thiểu số học nghề, tạo việc làm. Điển hình như chị Nguyễn Thị Cẩm, chủ doanh nghiệp ô tô – xe máy Ngọc Vũ đã mở 1 lớp dệt thổ cẩm cho 25 phụ nữ dân tộc thiểu số và nhận 30 chị làm công nhân sản xuất mũ bảo hiểm; Cơ sở chế biến nhựa của chị Nguyễn Thị Quý, Trần Thị Nhị tạo việc làm cho 32 lao động nữ. Điều đáng nói, hoạt động kết nghĩa đã giúp hội viên phụ nữ người Kinh và hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số tại chỗ gần gũi, cảm thông, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Thông qua hoạt động kết nghĩa, HPN thị trấn đã nhận đỡ đầu, hỗ trợ cháu Y Tếch Niê – trẻ mồ côi 300.000 đồng/quý; vận động đóng góp, hỗ trợ xây dựng nhà cho gia đình chị H’Brễnh M’lô (buôn M’rông B). Gia đình chị H’Brễnh là hộ nghèo của buôn. Trước đây, 10 khẩu của gia đình chị cùng sinh sống trong căn nhà gỗ, xiêu vẹo, nền đất chỉ rộng khoảng 24m2. Mọi sinh hoạt, chi tiêu trông chờ vào 2 sào lúa và 2 sào cà phê nhưng do không có vốn đầu tư nên năng suất thấp, việc lo cái ăn rất chật vật. Đã vậy, chồng chị lại thường xuyên đau ốm, tiền lo thuốc men cho anh chưa đủ nói chi đến chuyện sửa nhà. Trước tình cảnh đó, năm 2010, HPN và Mặt trận quyết định hỗ trợ gia đình chị 12 triệu đồng, cộng thêm sự giúp đỡ ngày công và tiền của anh em dòng họ để xây dựng căn nhà khang trang, rộng hơn 50m2. “Từ ngày có nhà mới, gia đình mình vui lắm, không còn lo dột, chật chội như trước nữa. Không chỉ giúp làm nhà, Hội còn tín chấp cho gia đình mình vay 12 triệu đồng để đầu tư trồng lúa, chăm sóc cà phê và nuôi bò. Nhờ sự giúp đỡ của Hội, cuộc sống của gia đình đã đỡ túng thiếu hơn trước, có thêm điều kiện chăm lo sức khỏe cho chồng”, chị H’Brễnh thổ lộ.
Có thể nói, thông qua các hoạt động trên đã giúp hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số mạnh dạn tham gia các phong trào hoạt động của địa phương, biết áp dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, đoàn kết, gắn bó, tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Đến cuối năm 2010, tỷ lệ hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia sinh hoạt hội tăng 31,6% so với năm 2006. Thông qua các hình thức giúp đỡ của Hội và chính quyền địa phương, trong 5 năm (2006-2010), đã có 45 hộ hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số ở các buôn được giúp thoát nghèo, đời sống của đại đa số hội viên ổn định và phát triển hơn trước.
Ý kiến bạn đọc