Multimedia Đọc Báo in

Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam

11:09, 26/08/2011

Hàng trăm ngàn người đã chết, hàng trăm ngàn trẻ em ra đời bị dị dạng bẩm sinh, hàng trăm ngàn gia đình đang sống trong nỗi khổ tột cùng…, đó là hậu quả mà chất độc da cam của quân đội Mỹ đã để lại ở Việt Nam suốt 50 năm qua. Để chia sẻ những đau đớn ấy, các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và những tấm lòng hảo tâm vẫn đang nỗ lực tiếp sức để mỗi nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) và gia đình họ vơi bớt khó khăn, vươn lên hòa nhập cộng đồng. Những nghĩa cử cao đẹp ấy đã và đang được nhân rộng trong xã hội và trở thành điểm tựa vững chắc cho những con người, những số phận éo le...

Giờ đây, mỗi khi mưa đến, gió về, gia đình anh Nguyễn Bình Trung (thôn 14, xã Ea Păl, huyện Ea Kar) không còn nơm nớp nỗi lo căn nhà gỗ, vách đất xiêu vẹo sẽ sập đổ bất cứ lúc nào. Cũng qua rồi cái cảnh vợ chồng anh thay nhau thức giấc mỗi đêm để che cho mưa khỏi tạt vào giường làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của mấy đứa con bệnh tật. Đến tận bây giờ, dù đã sở hữu căn nhà kiên cố, khang trang, song vẫn có lúc anh không tin đó là sự thật. Nhớ lại cảm xúc của 3 năm về trước, khi cả gia đình được chuyển vào ở trong căn nhà mới, anh Trung bồi hồi: “Cả gia đình 5 người thì có đến 3 người tật nguyền. Ngay cả bản thân tôi là trụ cột gia đình lại bị dị tật bẩm sinh do ảnh hưởng của chất độc da cam nên gánh nặng cơm áo gạo tiền của gia đình đặt hết lên vai mẹ bọn nhỏ. Một mình vợ tôi vừa nhận làm khoán 4 sào lúa cho Hợp tác xã 714 (huyện Ea Kar), rồi vay vốn xóa đói giảm nghèo về chăn nuôi thêm heo, gà. Dù bận bịu suốt ngày nhưng cái ăn của gia đình vẫn thiếu trước hụt sau nên chẳng khi nào gia đình tôi giám nghĩ đến chuyện sẽ được ở trong căn nhà kiên cố, khang trang như thế này. Và rồi điều may mắn cũng đã đến khi gia đình tôi được Hội Chữ thập đỏ hỗ trợ 20 triệu đồng xây dựng căn nhà này. Rời khỏi căn nhà gỗ xiêu vẹo, vách đất bước vào căn nhà mới, cả nhà tôi ai cũng vui mừng khôn xiết…”. Rồi niềm hạnh phúc lớn hơn tiếp tục tìm đến với gia đình anh Trung khi cô con gái út Nguyễn Thị Khang (sinh năm 2001) được Hội Chữ thập đỏ tỉnh hỗ trợ phẫu thuật dị tật. Tuy sinh ra trong thời bình nhưng Khang cùng chị là Nguyễn Thị Hạnh lại hứng chịu hậu quả của chiến tranh. Di chứng của chất độc dioxin đã khiến cho Khang và Hạnh bị khoèo chân, khoèo tay, mỗi khi đi lại đều phải nhờ đến sự giúp đỡ của người trong gia đình. Qua 2 lần phẫu thuật, dị tật của Khang đã thuyên giảm bội phần, đến nay, em đã có thể tự đi lại bình thường. Nhìn con tự tin bước đi bằng chính đôi chân của mình, anh Trung xúc động: “Vợ chồng tôi sinh ra cháu nhưng nhờ có sự đùm bọc của mọi người, cháu mới có được cuộc sống như hôm nay. Suốt đời gia đình tôi cũng không quên được cái ơn này!”. Giấc mơ có được ngôi nhà kiên cố và những đứa con khỏe mạnh của vợ chồng anh Trung đang dần trở thành hiện thực. Ở trong căn nhà ấy, gia đình anh không chỉ cảm nhận được sự ấm áp mỗi lúc gió, mưa, mà tận sâu trong đáy lòng họ còn cảm nhận được sự ấm áp của tình người.

Căn nhà của gia đình anh Nguyễn Bình Trung được hỗ trợ xây dựng năm 2009.
Căn nhà của gia đình anh Nguyễn Bình Trung được hỗ trợ xây dựng năm 2009.

Trường hợp của gia đình anh Trung chỉ là một trong số những NNCĐDC có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Ea Kar đã được Hội Chữ thập đỏ và Hội NNCĐDC/dioxin huyện Ea Kar giúp đỡ. Vật chất tuy không nhiều, nhưng tấm lòng nhân ái của những tổ chức, cá nhân đã giúp cho những gia đình kém may mắn ấy có thêm nghị lực để đối mặt với thực tế và vượt qua khó khăn. Hằng năm, bằng nhiều phương thức vận động phong phú và thiết thực, các tổ chức Hội nơi đây đã kêu gọi được hàng trăm tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện góp tay giúp đỡ cho những nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn. Trao đổi với ông Vũ Mạnh Thu, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin huyện Ea Kar, được biết: “Huyện Ea Kar hiện có 125 NNCĐDC, trong đó có trên 30% gia đình nạn nhân thuộc diện hộ nghèo, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Để giúp các gia đình NNCĐDC/dioxin vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống và hòa nhập cộng đồng, những năm qua, Hội thường xuyên đi vận động các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh ủng hộ hàng trăm triệu đồng để hỗ trợ sửa chữa, làm mới nhà ở và tặng quà cho các NNCĐDC trên địa bàn. Chỉ tính riêng về nhà ở, từ năm 2005 đến nay, toàn huyện đã có 8 gia đình NNCĐDC có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà với tổng số tiền gần 200 triệu đồng…

Không chỉ dừng lại ở các hoạt động hỗ trợ đột xuất, khám chữa bệnh, phẫu thuật phục hồi chức năng, hỗ trợ dụng cụ tập luyện, xe lăn, tặng học bổng…  những năm qua, Hội NNCĐDC/dioxin và Hội Chữ thập đỏ tỉnh còn đồng hành cùng các NNCĐDC trong phát triển kinh tế gia đình. Thông qua Dự án hỗ trợ NNCĐDC các tỉnh Tây Nguyên và Tây Ninh giai đoạn 2006-2010, trong 5 năm qua đã có 232 gia đình NNCĐDC tại 84 xã, phường thuộc 15 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh được cấp vốn chăn nuôi bò, phát triển kinh tế. Nhằm bảo đảm tính hiệu quả, Dự án cho phép các hộ được tự chọn bò giống ngay tại địa phương (mức vốn hỗ trợ tối đa 5.000.000 đồng/con/hộ); đồng thời tổ chức tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi và tiêm phòng gia súc cho tất cả các hộ gia đình được cấp vốn chăn nuôi. Nhờ vậy, hầu hết số bò được cấp đều phát triển tốt, đến thời điểm kết thúc Dự án, số bê con được sinh ra từ bò mẹ nói trên lên đến 270 con. Bên cạnh đó, Dự án còn hỗ trợ vốn chăn nuôi dê (mức hỗ trợ từ 2.000.000 – 5.000.000 đồng) cho 36 gia đình NNCĐDC khác trên địa bàn. Qua 5 năm, từ 96 con dê ban đầu, đàn dê đã phát triển thành 228 con. Theo đánh giá của Dự án, qua 5 năm triển khai thực hiện, các gia đình NNCĐDC được hỗ trợ kinh tế nói trên đã có thêm nguồn thu nhập cải thiện đời sống lâu dài, đồng thời, có thêm điều kiện chăm sóc về tinh thần, vật chất cho các NNCĐDC, đặc biệt đã có 53 hộ vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2006-2010, Hội Chữ thập đỏ tỉnh còn vận động Báo Tuổi trẻ TP. Hồ Chí Minh, Công ty cao su Dầu Tiếng và một số tổ chức khác tài trợ cho 169 gia đình NNCĐDC nghèo mua bò sinh sản nuôi (mức hỗ trợ mỗi con bò là 5.000.000 đồng) để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Thông qua các chương trình, dự án của Hội Chữ thập đỏ, nhiều gia đình NNCĐDC trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ xây dựng nhà ở.
Thông qua các chương trình, dự án của Hội Chữ thập đỏ, nhiều gia đình NNCĐDC trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ xây dựng nhà ở.

Cùng với việc triển khai các dự án một cách hiệu quả, những năm qua, Hội Chữ thập đỏ tỉnh còn đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Mỗi tỗ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” để ngày càng có nhiều những hoàn cảnh khó khăn, trong đó có gia đình NNCĐDC được cộng đồng giúp đỡ. Mới gần 3 năm kể từ khi Cuộc vận động được phát động, đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có gần 3.000 địa chỉ nhân đạo là các gia đình hoàn cảnh khó khăn, gia đình NNCĐDC nghèo, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa… được các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh nhận giúp đỡ. Thông qua Cuộc vận động đã làm dấy lên tinh thần tương thân, tương ái “lá lành đùm lá rách” trong cộng đồng, tạo sự gắn kết, sẻ chia của xã hội dành cho những hoàn cảnh khó khăn.

Có thể thấy, bằng những hoạt động tích cực của mình, Hội NNCĐDC và Hội Chữ thập đỏ tỉnh không chỉ giúp các gia đình NNCĐDC có thêm điều kiện về vật chất để cải thiện đời sống khó khăn mà còn giúp họ có thêm thứ tài sản tinh thần quý giá để vượt lên số phận và vươn lên trong cuộc sống.

Ông Huỳnh Văn Cần, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Dak Lak: Chia sẻ nỗi đau da cam là lương tâm và trách nhiệm của mỗi người

 

Tôi tham gia kháng chiến từ năm 1945 ở những chiến trường bị tàn phá ác liệt bởi bom đạn và cuộc chiến tranh hóa học của đế quốc Mỹ như chiến trường Tây Nguyên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định… Ở những vùng bị rải thảm, hầu như các loại động, thực vật đều bị nhiễm chất độc hóa học. Và dù biết hay không biết điều đó, nhưng với lòng yêu nước nồng nàn, tất cả bộ đội vẫn ăn để có sức chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Đến hôm nay, dù cuộc chiến tranh ấy đã lùi xa nửa thế kỷ nhưng những hậu quả nó để lại thật nặng nề, hủy hoại cả thể xác lẫn tinh thần của biết bao thế hệ người Việt Nam. Khi xem những thước phim, hình ảnh hoặc tiếp xúc trực tiếp với những đứa trẻ bị di chứng của CĐDC, lòng tôi cứ quặn thắt. Vì vậy, mặc dù bản thân cũng là NNCĐDC nhưng tôi tự nhận thấy so với những gia đình nạn nhân khác, mình vẫn còn may mắn hơn nhiều. Bằng lương tâm, trách nhiệm và tình cảm với đồng chí, đồng đội của mình, ngoài việc hỗ trợ trực tiếp 20 triệu đồng, tôi còn dành toàn bộ số tiền trợ cấp da cam hằng tháng (hơn 1,2 triệu đồng) đến suốt đời để ủng hộ cho Quỹ NNCĐDC/dioxin tỉnh. Tôi hy vọng với việc làm nhỏ bé của mình sẽ giúp đỡ, chia sẻ phần nào những nỗi đau da cam.

Ông Nguyễn Huynh, Giám đốc Công ty Xăng dầu Nam Tây Nguyên: Giúp đỡ NNCĐDC là trách nhiệm
xã hội của các doanh nghiệp

 

Là một trong những doanh nghiệp lớn của tỉnh, bên cạnh việc cung cấp các sản phẩm dịch vụ đủ số lượng, đúng chất lượng với cung cách phục vụ chuyên nghiệp, Đảng ủy, Ban lãnh đạo và các đoàn thể của Công ty luôn coi việc giúp đỡ NNCĐDC là trách nhiệm xã hội của mình. Chúng tôi luôn ý thức, để có cuộc sống no ấm, bình yên như hôm nay, các thế hệ cha anh phải hy sinh biết bao xương máu và nhiều con em của họ vẫn gánh chịu di chứng nặng nề của chiến tranh, của CĐDC. Vì vậy, những tập thể, cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp cần góp sức cùng chính quyền địa phương chăm lo tốt hơn cho các đối tượng. Với tình cảm dành cho NNCĐDC cũng như gia đình chính sách, hộ nghèo, trẻ em vượt khó học giỏi, hằng năm, cán bộ, công nhân viên Công ty đều đóng góp từ 4-5 ngày lương xây dựng quỹ phúc lợi xã hội, đồng thời huy động các nguồn lợi khác để thực hiện các hoạt động từ thiện với kinh phí trung bình 700 triệu đồng/năm, trong đó dành 50 triệu đồng/năm ủng hộ quỹ NNCĐDC/dioxin tỉnh. Nhờ vậy, trong 3 năm qua, Công ty đã hỗ trợ xây dựng 24 nhà tình nghĩa cho các đối tượng.

Ông Trần Thành Nam, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Xổ số kiến thiết Dak Lak: Doanh nghiệp cần kề vai sát cánh cùng Đảng và Nhà nước chăm lo tốt hơn cho NNCĐDC

 

Mặc dù Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, triển khai thực hiện nhiều chương trình, hoạt động giúp đỡ NNCĐDC, nhưng nhìn chung cuộc sống của đa số gia đình nạn nhân vẫn gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Vì vậy, bằng tình cảm, tấm lòng và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa”, những năm qua Công ty chúng tôi luôn đồng hành cùng Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh chăm lo cho các nạn nhân. Từ năm 2009 đến nay, trung bình mỗi năm Công ty đã đóng góp cho Quỹ Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh 400 triệu đồng. Số tiền trên tuy chưa phải là nhiều song đã góp phần cùng động viên, thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa, giúp các gia đình nạn nhân vơi bớt nỗi đau, vươn lên trong cuộc sống. Để thực hiện các hoạt động nhân đạo, từ thiện, ngay từ đầu năm, Công ty đã phát động việc thực hành tiết kiệm theo tấm gương đạo đức của Bác trong toàn thể cán bộ, nhân viên Công ty và trích một phần lợi nhuận trong kinh doanh. Nhờ vậy, Công ty không chỉ góp phần chia sẻ nỗi đau với NNCĐDC mà còn hỗ trợ, giúp đỡ cho nhiều đối tượng khác với kinh phí hàng chục tỷ đồng. Với phương châm “Sản xuất kinh doanh gắn liền với hoạt động từ thiện xã hội” nên trong thời gian tới, Công ty vẫn tiếp tục duy trì, nhân rộng các hoạt động trên để giúp đỡ, hỗ trợ cho ngày càng nhiều nạn nhân hơn.

Anh Phạm Trọng Lượng, Bí thư Đoàn Trường Đại học Tây Nguyên: Thế hệ trẻ luôn đồng cảm, chia sẻ với nỗi đau da cam

 

Ngoài nhiệm vụ học tập, hơn 10.000 đoàn viên, thanh niên Trường Đại học Tây Nguyên luôn tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện như Tiếp sức mùa thi, Mùa hè xanh để giúp đỡ người dân các xã vùng sâu, vùng xa, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Điều đáng nói, với việc thành lập Câu lạc bộ (CLB) Ước mơ xanh, CLB Văn học đã tạo ra nhịp cầu “nối” những tấm lòng nhân ái của các bạn sinh viên với những mảnh đời bất hạnh, những NNCĐDC. Thành viên trong các CLB đã sáng tác những tác phẩm thơ, văn, truyện ngắn… với nội dung đồng cảm, chia sẻ với nỗi đau da cam. Đồng thời, các bạn còn thường xuyên đến Trung Tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật, Trường Tình thương Vinh Sơn, Cơ sở nuôi dạy trẻ khuyết tật Vi Nhân để tổ chức các trò chơi tập thể, sinh hoạt văn nghệ, dạy kèm kiến thức từ lớp 1 đến lớp 6, dạy tin học căn bản… mang lại niềm vui cho trẻ em khuyết tật, trẻ bị nhiễm CĐDC. Không chỉ có đoàn viên, thanh niên tham gia các hoạt động từ thiện xã hội mà cả những cán bộ, giảng viên trẻ trong trường cũng quyên góp, ủng hộ  NNCĐDC với số tiền 40 triệu đồng. Bên cạnh những hoạt động bề nổi kể trên, việc hiểu và chia sẻ với nỗi đau da cam của một số đoàn viên, thanh niên trong trường vẫn còn hạn chế. Vì vậy, thời gian tới, Ban Chấp hành Đoàn Trường sẽ hướng đến việc thành lập CLB chuyên về chất độc da cam để đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, tổ chức các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, đồng hành cùng nạn nhân da cam.

Kim Oanh – Nguyễn Xuân

 


Ý kiến bạn đọc