Multimedia Đọc Báo in

Hiến máu tình nguyện: Những nghĩa cử cao đẹp

11:17, 26/08/2011

Những năm qua đã có hàng chục nghìn lượt cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lao động trên địa bàn tỉnh tình nguyện hiến những giọt máu của mình để cứu sống người bệnh. Những nghĩa cử cao đẹp đó đã tạo ra một phong trào mang tính nhân văn sâu sắc: “Hiến máu – Cứu người”.

Những cá nhân sẵn sàng hiến máu
Năm nay mới 31 tuổi nhưng anh Khiếu Đình Dũng, Bí thư Đoàn xã Ea Sar (huyện Ea Kar) đã có 11 lần tham gia hiến máu nhân đạo. Anh “bén duyên” với phong trào hiến máu tình nguyện từ năm 2003 khi bắt đầu tham gia công tác đoàn của xã. Và từ đó đến nay, năm nào anh cũng đăng ký hiến máu nhân đạo. “Lần đầu tiên tôi tham gia hiến máu khi mới 23 tuổi và chủ yếu là hưởng ứng lời kêu gọi, vận động của Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) chứ thực sự chưa hiểu biết gì nhiều về công tác hiến máu nên cũng hơi lo lắng. Sau lần đó, tôi chủ động tìm hiểu nhiều hơn về hiến máu tình nguyện và nhận thấy việc làm này không ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn mang ý nghĩa hết sức cao đẹp nên tích cực tham gia”, anh Dũng chia sẻ. Không chỉ tham gia nhiệt tình trong phong trào hiến máu nhân đạo, anh còn là một tuyên truyền viên tích cực trong công tác này. Với kinh nghiệm của một người nhiều lần hiến máu, anh không chỉ vận động, tư vấn kiến thức, sức khỏe… mà còn luôn sẵn sàng lắng nghe và tư vấn về vấn đề tâm lý. Đến nay, anh đã trở thành “thủ lĩnh” của 40 tình nguyện viên trong phong trào hiến máu nhân đạo của xã, nhiều đoàn viên, thanh niên trong số đó đã tham gia hiến máu từ 4-5 lần. Không chỉ có đoàn viên, thanh niên, lực lượng vũ trang tham gia phong trào hiến máu nhân đạo mà ngay cả người dân ở các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh cũng nhiệt tình tham gia. Anh Trương Văn Hà, người dân thôn 3 (xã Ea Kmút, huyện Ea Kar) là một ví dụ điển hình. Biết đến hoạt động hiến máu nhân đạo qua sự tuyên truyền các cơ quan thông tin đại chúng nên khi được chi hội CTĐ thôn vận động anh không ngần ngại đăng ký tham gia. “Ban đầu, vợ con tôi sợ hiến máu sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe khiến không làm nương rẫy được nên rất lo lắng. Sau khi hiến máu vài lần thấy tôi tăng thêm 13 kg, mọi công việc đều làm bình thường nên nhiệt tình động viên, ủng hộ”. Với suy nghĩ hiến máu là một nghĩa cử cao đẹp, chia sẻ nguồn sống cho mọi người nên từ năm 2004 đến nay, anh đã có 8 lần tình nguyện tham gia hiến máu nhân đạo. Cùng chung tâm nguyện được chia sẻ những giọt máu của mình để cứu người, bạn H’Mađơla Niê, sinh viên năm 3, lớp Quản trị mạng máy tính, Trường Cao đẳng Nghề Thanh niên dân tộc Tây Nguyên cũng đã có 4 lần ghi tên vào danh sách hiến máu tình nguyện. Khi Đoàn trường phát động hưởng ứng hoạt động này, nhận thấy đây là một việc làm ý nghĩa nên đã tình nguyện đăng ký tham gia. Nói về việc làm của mình, H’Mađơla thổ lộ: “Lần đầu tiên em cũng cảm thấy hơi run và hồi hộp, nhưng nhìn thấy các cô chú, anh chị lớn tuổi hơn mình đã hiến rất nhiều lần mà sức khỏe vẫn bình thường nên em mạnh dạn “thử”. Và em nhận thấy hiến máu nhân đạo là việc làm bình thường, mang ý nghĩa nhân văn cao cả bởi khi gửi một đơn vị máu vào ngân hàng máu, bạn không chỉ chia sẻ sự sống của mình cho mọi người mà còn được nhận lại đúng lượng máu đã cho khi cần”.

Một buổi hiến máu nhân đạo tại huyện Ea Kar.
Một buổi hiến máu nhân đạo tại huyện Ea Kar.
Phong trào mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc
Theo số liệu của Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh, từ năm 2003 đến năm 2010, toàn tỉnh có hơn 32.000 lượt người tham gia hiến máu và 26.465 đơn vị máu đã được tiếp nhận để kịp thời cứu sống hàng trăm bệnh nhân. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2011, toàn tỉnh đã tổ chức được 41 đợt hiến máu tình nguyện với sự tham gia của 7.500 người, thu được 5.852 đơn vị máu. Ngoài ra, tỉnh cũng đã thành lập được 1 Câu lạc bộ (CLB) sinh viên vận động hiến máu tình nguyện Trường Đại học Tây Nguyên với 50 thành viên tham gia; “Ngân hàng máu sống” gồm 1.024 thành viên là những người có đủ sức khỏe sẵn sàng hiến máu theo nhu cầu của bệnh viện. Các đối tượng tham gia hiến máu cũng đã được mở rộng từ đoàn viên, thanh niên trong các cơ quan, đơn vị, trường học… đến cán bộ, công nhân viên thuộc các cơ quan, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang. Để đạt được kết quả trên, Ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện các cấp đã tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền phù hợp với từng địa bàn dân cư, trình độ dân trí như xây dựng chuyên trang, chuyên mục trên báo, đài; phát tờ rơi, treo băng rôn, pa nô, áp phích ở những nơi công cộng; nói chuyện lồng ghép trong các cuộc họp của địa phương; tổ chức mít tinh, gặp mặt, biểu dương những cá nhân điển hình trong công tác hiến máu nhân đạo. Ngoài ra, Ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện các cấp đã giải quyết kịp thời chế độ cho người hiến máu, cấp giấy chứng nhận, khen thưởng, làm tốt công tác chăm sóc trước, trong và sau khi hiến máu…
Ông Lê Xuân Hồng, Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh cho biết, thông qua hoạt động hiến máu tình nguyện đã đáp ứng được 85-90% nhu cầu máu phục vụ công tác khám chữa bệnh. Tuy nhiên, do nhu cầu máu cho cấp cứu và điều trị bệnh ngày một tăng, trong khi sự tham gia phối hợp của các cấp, ngành chưa nhiều, đối tượng hiến máu tình nguyện chưa đa dạng, việc tổ chức hiến máu lưu động tốn kém nhiều thời gian và kinh phí đang là những khó khăn chủ yếu trong hoạt động hiến máu tình nguyện của tỉnh. Vì vậy, để hoạt động hiến máu tình nguyện phát triển sâu rộng, duy trì bền vững và trở thành phong trào mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, ngoài nỗ lực của Hội CTĐ, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện các cấp trong công tác tuyên truyền, vận động, rất cần sự vào cuộc của tất cả các ban, ngành và toàn xã hội.

Nguyễn Xuân

Ý kiến bạn đọc