Khi Đoàn thanh niên cơ sở có nhiều đổi mới, sáng tạo
Nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để tạo ra các hoạt động phong phú, hấp dẫn, thiết thực là cách làm của Đoàn xã Cư Ni (huyện Ea Kar) nhằm đoàn kết, tập hợp thanh niên; đồng thời giúp thanh niên có thêm cơ hội khẳng định mình trên con đường lập nghiệp.
Giải pháp táo bạo được Ban Chấp hành (BCH) Đoàn xã Cư Ni đưa ra nhằm nâng cao chất lượng hoạt động là rà soát số lượng; đồng thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên thanh niên (ĐVTN) ở tất cả các thôn, buôn để xây dựng kế hoạch cho từng nhóm riêng biệt. Theo đó, các nhóm ĐVTN có cùng sở thích làm kinh tế, tham gia các hoạt động xã hội, văn hóa-văn nghệ, thể thao… được thành lập. Mỗi nhóm do cán bộ đoàn năng động, nhiệt tình và có chung niềm đam mê phụ trách.
Nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của ĐVTN nông thôn mong muốn có vốn để phát triển kinh tế gia đình, Đoàn xã đã lập danh sách nhu cầu vay vốn và hướng dẫn lập các dự án khả thi. Nhờ vậy, tạo được lòng tin với chính quyền địa phương và thuyết phục Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ea Kar giao vốn với tổng dư nợ năm 2010 trên 1 tỷ đồng. Trong tháng 8-2011 sẽ tiếp tục giải ngân 200 triệu đồng để giúp ĐVTN phát triển kinh tế gia đình. Anh Nguyễn Đức Ba, Bí thư Đoàn xã Cư Ni hồ hởi nói: “Lâu nay, ĐVTN rất khó tiếp cận với các nguồn vốn vay, do đó nhiều dự định, ấp ủ làm giàu đành gác lại. Nhưng nay, đã có ngân hàng cùng đồng hành với ĐVTN trên con đường lập nghiệp”. Để phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống ĐVTN, Đoàn xã đã phối hợp Hội Nông dân, Hội Phụ nữ thành lập các câu lạc bộ trồng ca cao, khuyến nông, mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động ĐVTN ở 23 thôn, buôn thành lập tổ đổi công, hùn vốn để giúp nhau phát triển kinh tế. Đặc biệt, năm 2011, Đoàn xã Cư Ni đã mạnh dạn thành lập tổ làm nghề mỹ nghệ ở thôn 1a do Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn xã phụ trách. Khát vọng làm giàu của thanh niên nông thôn Cư Ni như được tiếp thêm sức mạnh khi Trung tâm Khuyến công tỉnh (Sở Công nghiệp) mở lớp truyền nghề cho 30 thanh niên; trong đó, có 10 thanh niên dân tộc thiểu số tại chỗ. Nhiều thanh niên sau khi hoàn thành khóa học tạo được việc làm ổn định với thu nhập từ 5-10 triệu đồng/tháng.
ĐVTN xã Cư Ni (huyện Ea Kar) cùng sinh viên tình nguyện Trường Đại học Tây Nguyên làm đường giao thông tại thôn 23. |
Việc được định hướng, hướng dẫn cách thức phát triển kinh tế, đặc biệt là tiếp cận các nguồn vốn vay đã làm thay đổi nhận thức của nhiều thanh niên trong phát triển kinh tế. Chính vì vậy, nhiều thanh niên rời làng quê với hy vọng thoát nghèo đã quay trở lại và quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Bạn Nguyễn Thị Phương, Chi đoàn thôn 23 tâm sự: “Năm 2003, thi rớt đại học, em đã cùng 8 thanh niên trong thôn về Bình Dương làm công nhân may. 9 năm xa quê, lúc này em mới chợt nhận ra, đồng lương công nhân ít ỏi, chỉ vừa đủ trang trải cho cuộc sống. Nếu lập gia đình, có con sẽ rất khó khăn và năm 2009 em quyết định quay về sau khi hoàn thành khóa học trang điểm cô dâu. Mới đây, được sự hỗ trợ của Đoàn xã, em tham gia lớp truyền nghề mỹ nghệ, với hy vọng có thêm việc làm, thu nhập để ổn định cuộc sống. Đất đai quê mình tuy cằn cỗi nhưng nếu có ý chí, quyết tâm thì cơ hội làm giàu không khó”.
Anh Nguyễn Văn Hải, Phó Bí thư Huyện Đoàn Ea Kar nhận xét, điểm mạnh của Đoàn xã Cư Ni là có đội ngũ cán bộ đoàn nồng cốt tâm huyết, năng động, dám nghĩ, dám làm ở tất cả các lĩnh vực. Đây là hạt nhân phong trào để đoàn kết, tập hợp thanh niên và xây dựng hoạt động đoàn và phong trào thanh niên đi vào nền nếp, có chiều sâu. Với những cách làm sáng tạo, đổi mới, tổ chức đoàn thực sự là chỗ dựa của ĐVTN. Tiềm lực, niềm tin và sức trẻ chính là chìa khóa để ĐVTN xã Cư Ni tìm ra phương pháp, cách thức phát triển kinh tế ổn định và phù hợp với tình hình hình tế-xã hội tại địa phương.
Ý kiến bạn đọc