Multimedia Đọc Báo in

Tuổi trẻ cùng hành động vì nạn nhân da cam

11:12, 26/08/2011

Có công giúp công, có của giúp của… đó là cách mà các đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) trong tỉnh đã và đang nỗ lực thực hiện với mong muốn chia sẻ bớt khó khăn, xoa dịu một phần nỗi đau cho những nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn.

Những ngày này, các thành viên Câu lạc bộ (CLB) Ước mơ xanh (Đoàn trường ĐH Tây Nguyên) đang tất bật chuẩn bị chương trình vui chơi, biểu diễn văn nghệ… để phục vụ trẻ em khuyết tật, bị nhiễm chất độc da cam ở Trung Tâm hỗ trợ trẻ em khuyết tật và hòa nhập cộng đồng tỉnh. Một mùa Trung thu với các em nhỏ nữa lại về, họ càng rộn ràng hơn, chung tay góp sức như họ vẫn thường làm trong suốt thời gian qua. Mỗi người một việc, người lo cắt dán bảng hiệu người lên lại các chương trình, kế hoạch tổ chức “Vui đêm trăng rằm”, bên này một nhóm đang tỉ mỉ xếp từng chiếc lồng đèn trung thu, cách đó không xa, nhóm khác đang tập dược lại thật kỹ các tiết mục văn nghệ, kịch. Đó là một trong những hoạt động thường xuyên mà các thành viên CLB vẫn tình nguyện làm cho trẻ em khuyết tật, trẻ em nghèo, bị nhiễm chất độc da cam trên địa bàn tỉnh. Không chỉ vậy, tranh thủ những kỳ dài ngày, nhất là dịp nghỉ hè… các thành viên lại đến các trung tâm: Trường tình thương Vinh Sơn, Cơ sở nuôi dạy trẻ khuyết tật Vi Nhân để dạy kèm kiến thức văn hóa từ lớp 1 đến lớp 6, dạy tin học căn bản và sinh hoạt văn nghệ, tập những bài hát về đội, tổ chức các trò chơi tập thể cho các em. Mai Thuận Hiếu, một thành viên trong CLB cho hay, với các em- những đứa trẻ bị thiệt thòi và bất hạnh nhất - CLB luôn cố gắng có những việc làm thiết thực, gần gũi, tạo không khí vui tươi, truyền cho các em sự ấm áp tình người để cảm nhận được sự yêu thương, quan tâm của cộng đồng dành cho mình. Ngoài CLB Ước mơ xanh, thì CLB Văn học của trường, bên cạnh vai trò là sân chơi nghệ thuật dành cho những bạn yêu thích văn chương thì các thành viên trong CLB còn sáng tác những tác phẩm thơ, văn, truyện ngắn… chia sẻ, đồng cảm với nỗi đau của nạn nhân nhiễm chất độc da cam. Ngoài “giúp đỡ” về tinh thần, từ năm 2005 đến nay, đoàn viên thanh niên là cán bộ, giảng viên trong trường cũng đã quyên góp được 40 triệu đồng ủng hộ nạn nhân chất độc da cam trong tỉnh. 

ĐVTN Thành đoàn Buôn Ma Thuột thăm, tặng quà cho gia đình chị Nguyễn Thị Bình (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột).
ĐVTN Thành đoàn Buôn Ma Thuột thăm, tặng quà cho gia đình chị Nguyễn Thị Bình (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột).
Khác với mọi ngày, trong ngôi nhà nhỏ của Cựu Thanh niên xung phong Nguyễn Thị Bình, buôn Kao, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột hôm nay trở nên đông vui, nhộn nhịp hơn bởi tiếng cười nói của ĐVTN Thành đoàn Buôn Ma Thuột. Mỗi người một tay, người quét nhà, lau dọn ấm chén; nhóm khác chăm sóc Y Hải Knul (sinh năm 1995) - người con trai út của bà Bình bị nhiễm chất độc da cam. Không khí làm việc của các bạn trẻ đã làm ngôi nhà của người phụ nữ neo đơn này trở nên ấm cúng, góp phần xoa dịu nỗi đau, mất mát quá lớn với bà. Tham gia TNXP công tác ở chiến trường Lào từ năm 1974, khi hoàn thành nghĩa vụ trở về, Bình lập gia đình, sinh được 3 người con nhưng cả 3 đều bị di chứng của chất dộc da cam. Riêng Y Hải bị nặng nhất, mắc phải chứng thiểu năng trí tuệ. Một mình bà vừa gồng gánh lo cái ăn, vừa nuôi người con bệnh tật nên rất khó khăn. Chia sẻ với hoàn cảnh của bà, từ năm 2011, cán bộ, nhân viên Văn phòng Thành đoàn Buôn Ma Thuột đã nhận đỡ đầu cho em Y Hải Nul. Hằng tháng, từ số tiền lương của mình, anh em quyên góp hỗ trợ 25 kg gạo, giúp gia đình bà bớt khó khăn trong cuộc sống. Ngoài ra, ĐVTN xã Ea Kao (Thành đoàn Buôn Ma Thuột) còn thường xuyên thay phiên nhau đến thăm hỏi, phụ giúp bà chăm nom Y Hải và dọn dẹp nhà cửa. Bà Bình tâm sự, chính những lời hỏi thăm ân cần, việc làm chu đáo, thắm đượm ân tình đã làm bà bớt hiu quạnh, là niềm an ủi lớn với những gì bà đã cống hiến trong chiến tranh.

Dốc sức vì nạn nhân da cam, đó là tình cảm luôn được mỗi đoàn viên thanh niên, tổ chức cơ sở đoàn trong toàn tỉnh đặt lên hàng đầu trong nhiều năm qua. Dù bằng cách này hay cách khác, trực tiếp hay gián tiếp đều cùng chung điểm đến là hướng về các nạn nhân da cam, mong góp một phần công sức để xoa dịu, chia sẻ cho họ một phần nỗi đau. Chỉ tính riêng trong năm 2011 này, đã có rất nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ nạn nhân da cam được các đoàn viên thanh niên trong tỉnh tổ chức. Điển hình như đoàn viên thanh niên huyện Cư M’gar phối hợp với UBND, Hội Chữ thập đỏ và Phòng Lao động thương binh xã hội huyện xây dựng 6 căn nhà tình thương, tặng 84 xe lăn và 26 xe đạp cho các nạn nhân da cam và con em họ; huyện đoàn Ea Kar vận động các doanh nghiệp tăng 200 suất quà, mỗi suất trị giá 500.000 đồng cho các gia đình nạn nhân da cam; Đoàn khối Doanh nghiệp tỉnh thăm và tặng quà cho 25 gia đình nạn nhân da cam với tổng giá trị 12,5 triệu đồng; Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Công an tỉnh phối hợp với các phòng, ban tổ chức chương trình giao lưu giữa cán bộ, chiến sĩ với thân nhân cán bộ, chiến sĩ nhiễm chất độc da cam và tặng 11 suất quà, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng; huyện Đoàn Krông Năng phối hợp với các đoàn thể tổ chức chương trình văn nghệ truyền thống, tuyên truyền ủng hộ nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam và tặng 17 gia đình nạn nhân da cam, mỗi gia đình một suất quà trị giá 300.000 đồng… Đặc biệt, Huyện đoàn Krông Pak còn phối hợp với các ban, ngành tổ chức cả một chương trình riêng biệt mang tên “Khát vọng sống” nhằm gây quỹ ủng hộ nạn nhân da cam.

Đồng chí Trần Hồng Tiến, Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết, trong những năm qua, việc giúp đỡ, hỗ trợ vật chất, tinh thần cho những gia đình chính sách, khó khăn nói chung, nạn nhân chất độc da cam nói riêng luôn được các tổ chức cơ sở đoàn đặt lên hàng đầu nên đã thu được nhiều kết quả quan trọng. Tỉnh đoàn đang tập trung chỉ đạo, vận động các tổ chức cơ sở đoàn, đoàn viên thanh niên nâng cao hơn nữa chất lượng phong trào này. Hiện nay, Tỉnh đoàn đang xem xét, tiến tới thành lập một tổ chức riêng cho thanh niên khuyết tật (có thể là Hội hoặc Câu lạc bộ Thanh niên khuyết tật) để tập hợp, giúp họ hòa nhập, cống hiến.

Đỗ Lan-Lê Ngọc

Ý kiến bạn đọc