Multimedia Đọc Báo in

Để tuổi già được an nhàn, thanh thản

09:46, 30/09/2011

Lưng còng vẫn nặng gánh mưu sinh
Hằng ngày, người dân ở xã Cư Bao (thị xã Buôn Hồ) vẫn thường thấy một cụ bà còng lưng gùi đầy những thứ “cây nhà lá vườn” khi thì mớ rau, quả bí, khi lại bó củi, mấy quả mít, quả sầu riêng…rồi lang thang khắp nẻo thôn gần, buôn xa để bán. Nói tiếng Kinh không sõi lắm, nhưng lõm bõm nghe được qua những lời tâm sự của bà, được biết: bà là H’ Bliư Ayun, năm nay đã hơn 80 tuổi, mặc dù có đến 7 người con, nhưng các con đều ra ở riêng, mà ai cũng khó khăn về kinh tế nên giờ ông bà vẫn sống với nhau trong ngôi nhà nhỏ với hơn một sào vườn trồng ít cây ăn quả. Ông cụ bệnh nặng nằm một chỗ, vì thế, hằng ngày bà phải bươn bả thu hoạch những thứ trong vườn hoặc vào tận vườn của các gia đình trong buôn mua rau, trái rồi gùi đi bán rong để kiếm tiền mua gạo, thức ăn và thuốc thang cho ông cụ…

Cũng ở độ tuổi trên 80, nhưng cụ bà Phạm Thị Tèo ở xã Ea Sô (huyện Ea Kar) lại thui thủi một mình vì không con, không cháu, không người nương tựa. Sống nhờ trong một căn lều nhỏ của một gia đình tốt bụng, hằng ngày bà đi mót lúa, mót khoai, ngô, đậu tùy theo mùa rồi câu cá, kiếm rau để sống qua ngày. Bà ngậm ngùi kể: Quê ở tận Thái Bình, vào Dak Lak năm 2000 theo một người bà con, nhưng do không quen với cảnh rừng núi nơi xã vùng 3 Ea Sô nên gia đình người bà con chuyển đi nơi khác. Bà ở lại. Tuổi cao, sức yếu, không vốn liếng, đất đai nên lúc đầu bà nhận chăn bò thuê, giữ trẻ thuê để có nơi ăn, ở. Tuổi càng cao, sức khỏe càng yếu nên không còn ai thuê nữa, bà tự tìm cách xoay xở kiếm sống bằng tất cả những việc gì có thể. Bà ước ao làm sao có được một món tiền đủ mua vé về thăm quê một lần mà mãi vẫn chưa thể thực hiện được…

Khoản trợ cấp hằng tháng của người trên 80 tuổi mà cụ bà H’Bliư Ayun vừa được nhận đã giúp cụ vợi đi gánh nặng mưu sinh.
Khoản trợ cấp hằng tháng của người trên 80 tuổi mà cụ bà H’Bliư Ayun vừa được nhận đã giúp cụ vợi đi gánh nặng mưu sinh.
Quan tâm, chăm sóc người cao tuổi
Trên thực tế, đa số người già chỉ cho phép mình được nghỉ ngơi khi đã thật sự chân chậm mắt mờ. Nhiều người già ở nông thôn nghèo, không có lương hưu, con cái khó khăn nên vẫn có nhu cầu việc làm để kiếm sống, nhưng với tuổi của họ thì quả là khó khăn. Vì vậy, họ thường chọn gánh hàng rong, quét dọn vệ sinh hay coi sóc vườn tược, đi mót, lượm lúa, ngô ... để mưu sinh.

Bà Hồ Thị Quý Do, Phó Ban đại diện Hội Người cao tuổi (NCT) tỉnh cho biết: toàn tỉnh hiện có gần 109.000 NCT (hơn 94.000 hội viên), trong đó có khoảng hơn một nửa số cụ còn tham gia lao động sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực: nông nghiệp, thương mại và buôn bán nhỏ lẻ. Nhiều năm gắn bó với NCT, bà Do nhận thấy, những NCT là cán bộ, công chức, viên chức, lao động về già mới có lương hưu, còn lại đa số NCT ở nông thôn đều phải phụ thuộc vào con cái. Ngoài ăn ở, mỗi NCT cũng có nhu cầu chi tiêu riêng như: giao lưu, kết bạn, đau ốm, tiêu vặt... Khi muốn chi tiêu cho bản thân lại phải xin con, thấy phiền, vả lại con cháu cũng khó khăn nên nhiều người đã chọn cho mình cách mưu sinh, là buôn gánh bán bưng để được tự do, không phụ thuộc. Và những cuộc mưu sinh ở tuổi xế chiều bao giờ cũng nhọc nhằn, cơ cực hơn cả về thể xác lẫn tinh thần…

Với vai trò là tổ chức đại diện của NCT, những năm qua, Hội NCT tỉnh đã không ngừng đẩy mạnh phong trào quan tâm chăm sóc phụng dưỡng NCT bằng các hoạt động thiết thực như thăm hỏi, tặng quà, khám sức khỏe, sửa chữa nhà cửa hư hỏng, dột nát... cho NCT. Hầu hết các xã phường đều đã thành lập Quỹ chăm sóc NCT. Hiện toàn tỉnh có 130 cơ sở hội xây dựng được hơn 3,5 tỷ đồng Quỹ chăm sóc NCT, hơn 11,5 tỷ đồng Quỹ hội và 8,5 tỷ đồng Quỹ phụng dưỡng ông bà, cha mẹ. Trong đó, các địa phương như TP. Buôn Ma Thuột, huyện M’Drak, Lak, Cư M’gar đã rất quan tâm và thực hiện tốt các nguồn quỹ này. Thực hiện Nghị định 13 (ban hành ngày 21-2-2010) của Thủ tướng Chính phủ, từ đầu năm đến nay, Hội NCT phối hợp cùng chính quyền các cấp và ngành LĐTB&XH thực hiện chế độ trợ cấp xã hội cho 494 cụ tuổi từ 60 đến 79 bị tàn tật, cô đơn không nơi nương tựa thuộc hộ nghèo; 15.580 cụ trên 80 tuổi không có lương hưu. Bên cạnh đó, hằng năm, các cơ quan, doanh nghiệp, những nhà hảo tâm cũng tổ chức nhiều đợt tặng quà, thăm hỏi người cao tuổi nhân dịp lễ, tết… Từ đầu năm 2011 các cụ như H’Bliư Ayun, Phạm Thị Tèo (trên 80 tuổi) đều đã được hưởng mức trợ cấp 180.000 đồng/tháng. Số tiền tuy không lớn nhưng cũng góp phần giúp các cụ bớt đi gánh nặng mưu sinh. Cụ Phạm Thị Tèo không còn đơn độc khi đón cái tuổi lần thứ 80 của mình, vì được chính quyền và Hội Người cao tuổi của xã tổ chức mừng thọ tập thể cùng gần 10 cụ khác có tuổi thọ chẵn trong xã. Ngoài ra, cụ còn được các tổ chức đoàn thể như Hội Phụ nữ, Hội Chữ thập đỏ, một số doanh nghiệp, nhà từ thiện đến thăm và tặng quà… Nhân dịp Ngày Quốc tế NCT 1-10 năm nay, Ban đại diện Hội NCT cùng Sở LĐTB&XH  tổ chức mừng thọ và tặng quà 466 cụ tròn 90 tuổi và 53 cụ tròn 100 tuổi. Các xã, phường, thị trấn tổ chức thăm và tặng quà  5.889 cụ tuổi 70 và 75; 3.130 cụ tuổi 80 và 85; 409 cụ 95 tuổi và 146 cụ trên 101 tuổi…

Ngoài ra, Hội cũng quan tâm đến đời sống tinh thần NCT. Toàn tỉnh hiện có 202 Câu lạc bộ (CLB) tăng 30 CLB so với năm 2010. Trong đó  có 97 CLB sức khỏe, 61 CLB văn hóa văn nghệ, giải trí, 21 CLB thể dục thể thao, 23 CLB khác, thu hút hơn 15.000 hội viên tham gia luyện tập thường xuyên. Đồng thời, từ đầu năm đến nay Hội NCT cũng đã tổ chức khám bệnh định kỳ và cấp thuốc miễn phí cho trên 13.249 lượt NCT, truyền thông về sức khỏe cho 3.724 cụ… Nhiều CLB dưỡng sinh được thành lập đã thực sự giúp các cụ sống vui, sống khỏe, sống có ích; tạo điều kiện cho NCT nghỉ ngơi, tịnh dưỡng, bớt đi gánh nặng mưu sinh.

Minh Quân

Ý kiến bạn đọc