Multimedia Đọc Báo in

Xã Cư Kbang (Ea Súp): Những bất cập trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản

10:20, 10/10/2011

Cư Kbang là một trong những xã nghèo của huyện Ea Súp, với số dân 7.392 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số từ phía bắc di cư chiếm gần 96,9%. Tỷ lệ hộ nghèo của xã rất cao, chiếm tới 81,9%. Đa số phụ nữ người dân tộc thiểu số ở đây không biết tiếng phổ thông, còn xa lạ với những kiến thức  về chăm sóc sức khỏe sinh sản; tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng trên địa bàn xã rất cao: suy dinh dưỡng thể nhẹ cân chiếm  31,5%, suy dinh dưỡng thể thấp còi chiếm hơn 44,3 %.

Chị Thào Thị Pề ở thôn 13, xã Cư Kbang kể: “Nhà mình không có điều kiện nên khi mang thai dù có thích ăn món gì thì cũng chỉ lâu lâu mới mua được một lần. Mình vẫn phải đi làm nương, làm ruộng giúp chồng đến khi nào đau bụng mới nghỉ, nếu đẻ dễ thì đẻ luôn ở nhà, còn đẻ khó mới chở lên Trạm Y tế xã…”. Tại thôn 13, có không ít trường hợp phụ nữ mới 17, 18 tuổi nhưng đã lấy chồng và sinh con, người có trình độ học vấn cao nhất cũng chỉ mới học hết lớp 4. Trên địa bàn xã, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn còn tồn tại ở đa số người dân, không ít phụ nữ cũng nhận thức được rằng sinh nhiều con là khổ nhưng vẫn buộc phải sinh bằng được con trai để nối dõi tông đường. Ở hầu hết các gia đình nghèo lại sinh con đông nên việc học hành của con em không được quan tâm, cứ 10 đứa trẻ trong độ tuổi đến trường thì chỉ có 3 đứa được đi học và cũng chỉ có 3 trẻ này mới được tiêm vắc-xin sởi.

Vợ chồng chị Nông Thị Phương (thôn 11, xã Cư Kbang) với 2 đứa con “trứng gà, trứng vịt”.
Vợ chồng chị Nông Thị Phương (thôn 11, xã Cư Kbang) với 2 đứa con “trứng gà, trứng vịt”.
Theo thống kê của Trạm Y tế xã Cư Kbang, tổng số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ trên địa bàn xã là 1.652 người. Từ đầu năm đến nay, tỷ lệ  phụ nữ có thai trên địa bàn xã được chăm sóc, khám định kỳ 3 lần và sinh tại cơ sở y tế chiếm khoảng 76,5%, còn lại là những trường hợp không được sự chăm sóc, hỗ trợ của cán bộ y tế, tự sinh đẻ tại nhà; tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên chiếm 25%. Khó khăn lớn nhất của cán bộ y tế trong quá trình khám chữa bệnh là sự bất đồng ngôn ngữ vì hầu hết phụ nữ người dân tộc thiểu số không biết tiếng phổ thông, cán bộ y tế phải nhờ người phiên dịch hoặc tự học tiếng H’Mông khiến mất nhiều thời gian, hiệu quả chữa bệnh không đạt được như mong muốn. Mặt khác, do phong tục tập quán, người dân ở đây thường xuyên thay đổi tên nên gây không ít khó khăn, phức tạp cho việc khám chữa bệnh bằng thẻ Bảo hiểm y tế như: không được khám chữa bệnh vì không khớp tên hoặc đã được khám chữa bệnh nhưng sau đổi tên nên không theo dõi, quản lý được. Càng khó khăn hơn khi tại các thôn 13, 14, 15, 16 chưa có cộng tác viên y tế, tỷ lệ người biết tiếng phổ thông trong thôn chỉ đếm trên đầu ngón tay nên hầu như xã không thể quản lý được sự biến động về dân số, tình hình sức khỏe phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 5 tuổi trên địa bàn. Chính vì vậy, chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số còn rất thấp, người dân chưa có ý thức phòng và trị bệnh, chỉ khi bệnh nặng mới đưa đến cơ sở y tế.

Bác sĩ Lê Thị Châu, Giám đốc Trung tâm  Y tế huyện Ea Súp cho biết: Trước những bất cập trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ở xã Cư Kbang, Trung tâm Y tế huyện đã chỉ đạo Trạm Y tế xã tiến hành rà soát và thống kê đầy đủ về các đối tượng trên địa bàn xã để Trung tâm Y tế huyện xây dựng kế hoạch, tham mưu Sở Y tế có chương trình giúp người dân ở xã Cư Kbang được tiếp nhận các dịch vụ y tế, tìm nguồn tài trợ từ các dự án để người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở đây được chăm sóc sức khỏe, nhất là phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 5 tuổi.

Xuân Châu

Ý kiến bạn đọc