Multimedia Đọc Báo in

Bảo đảm an toàn công nghiệp trong quản lý vật liệu nổ

09:35, 23/12/2011

Để bảo đảm an toàn công nghiệp, những năm qua Sở Công Thương tăng cường quản lý các hoạt động kinh doanh cung ứng, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh đảm bảo đúng quy trình an toàn, không để xảy ra thất thoát, tai nạn hoặc sự cố đáng tiếc; phát hiện, nhắc nhở, chấn chỉnh kịp thời những sai phạm.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 2 đơn vị được cấp phép cung ứng vật liệu nổ, gồm: Chi nhánh Hóa chất mỏ Gia Lai tại Dak Lak (thuộc Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam) và Công ty Vật tư Công nghiệp Quốc phòng (Bộ Quốc phòng). Là địa phương có khá nhiều mỏ đá nằm ở hầu hết các huyện, thành phố, thị xã nên nhu cầu sử dụng vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN) của Dak Lak khá cao, bình quân mỗi năm  khoảng trên 1.000 tấn. Chính vì vậy, công tác bảo đảm an toàn trong sử dụng VLNCN được ngành công thương chú trọng. Đánh giá về công tác quản lý, bảo đảm an toàn trong sử dụng VLNCN, ông Dương Chí Dũng, Trưởng Phòng Kỹ thuật – An Toàn – Môi Trường (Sở Công Thương) cho biết: trong những năm qua, Sở làm tốt công tác tham mưu cho UBND tỉnh trong việc xây dựng, cụ thể hóa các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý VLNCN phù hợp với thực tế của địa phương; phối hợp các ngành chức năng liên quan thực hiện nghiêm túc việc thanh tra, kiểm tra.

Việc bảo đảm an toàn sử dụng VLNCN tại các mỏ đá cần được tăng cường giám sát, kiểm tra của cơ quan chức năng.                                                    Ảnh: Nhật Huyền
Việc bảo đảm an toàn sử dụng VLNCN tại các mỏ đá cần được tăng cường giám sát, kiểm tra của cơ quan chức năng. Ảnh: Nhật Huyền

Bên cạnh đó, để tăng cường công tác quản lý VLNCN, Sở còn tiến hành kiểm tra đột xuất việc thi công tại các công trường; kết hợp tuyên truyền giáo dục pháp luật về quản lý VLNCN, hướng dẫn quy trình an toàn và xử lý nghiêm khắc các trường hợp cố tình vi phạm. Qua kiểm tra, hầu hết các đơn vị đều thực hiện tương đối tốt công tác quản lý VLNCN; chấp hành đầy đủ các quy định, thủ tục hành chính về quản lý VLNCN; việc kinh doanh, sử dụng VLNCN ở hầu hết các doanh nghiệp đã đi vào quy củ, thực hiện đúng các quy trình, quy phạm kỹ thuật an toàn, phòng cháy chữa cháy trong công tác bảo quản, sử dụng; chống thất thoát ở các khâu vận chuyển, xuất, nhập VLNCN tại kho... Về nổ mìn khai thác đá, ngoài việc lập phương án cụ thể, kiểm định máy móc thiết bị theo yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, các doanh nghiệp còn không ngừng nâng cao công nghệ theo hướng giảm thiểu tác động tới môi trường. Chính vì vậy, trong những năm qua, việc sử dung VLNCN  trên địa bàn tỉnh luôn đảm bảo an toàn, chưa để xảy ra tình trạng thất thoát, tai nạn hay sự cố đáng tiếc.
Tuy nhiên, VLNCN là loại vật tư công nghiệp có yêu cầu an toàn nghiêm ngặt, liên quan trực tiếp đến các vấn đề như: cháy nổ, trật tự an toàn xã hội, tai nạn và sự cố môi trường, nên để quản lý chặt chẽ, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương các cấp cần tăng cường, phối hợp kiểm tra, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về công tác này. Các ngành chức năng cần chủ động và tích cực hơn nữa, làm tốt công tác kiểm tra, xử lý nghiêm minh đối với những trường hợp vi phạm. Về phía các doanh nghiệp được phép sử dụng VLNCN, cần thực hiện tốt các biện pháp quản lý sử dụng, nâng cao ý thức đảm bảo an toàn chống thất thoát VLNCN theo quy định của Pháp luật.

Yên Ninh


Ý kiến bạn đọc