Multimedia Đọc Báo in

Thiếu cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi: Xã nghèo Ea Hiu càng khó khăn hơn

09:22, 15/02/2012
Do điều kiện khí hậu khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi nên việc sản xuất nông nghiệp của người dân xã Ea Hiu (huyện Krông Pak) gặp nhiều bất lợi, bên cạnh đó, hạ tầng giao thông, thủy lợi chưa được đầu tư xây dựng kiên cố nên cuộc sống người dân nơi đây đã khó khăn lại càng thêm vất vả.
 
Nằm cách trung tâm huyện không xa (khoảng 7 km) nhưng Ea Hiu được đánh giá là một trong những xã nghèo nhất huyện Krông Pak. Toàn xã có diện tích tự nhiên 1.195 ha, trên 1.100 hộ dân với gần 6.000 nhân khẩu (trong đó người dân tộc thiểu số chiếm trên 60%) sinh sống tập trung tại 12 thôn, buôn. Đời sống của bà con chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, với các loại cây trồng lúa nước, cà phê và chăn nuôi gia súc, gia cầm nhỏ lẻ. Cơ sở hạ tầng đường giao thông nông thôn ở địa phương chưa được đầu tư thỏa đáng, toàn xã chỉ có 1 km đường rải nhựa nối từ tỉnh lộ 9 đến UBND xã, được xây dựng từ những năm 1990, đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng, xuất hiện nhiều ổ voi, ổ gà và bong tróc, còn lại đường liên xã, thôn, buôn đều là đường đất, khiến việc giao thương, đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn.
Đoạn dường nhựa dài khoảng 1 km tại xã Ea Hiu, huyện Krông Pak đã bị xuống cấp nghiêm trọng
Đoạn dường nhựa dài khoảng 1 km tại xã Ea Hiu, huyện Krông Pak đã bị xuống cấp nghiêm trọng
Vì là xã nghèo, người DTTS lại chiếm số đông nên việc vận động đóng góp tiền của từ người dân để làm đường rất khó. Hằng năm, địa phương đều phải trích từ ngân sách xã, cùng với vận động công sức của bà con tu sửa, dọn vệ sinh đường liên thôn, nhất là vào mùa mưa lũ, hầu hết các tuyến đường ở đây luôn xuất hiện những “ao nước” liên hoàn, khiến nhiều người đi xe đạp, xe máy bị ngã. Chưa kể, mỗi khi có xe trọng tải lớn, máy cày đi qua lại khoét sâu thêm các hố và làm nước bắn tung tóe vào nhà dân ven đường, nhiều hộ phải khắc phục bằng việc đổ đất, xà bần để lấp những ổ gà trên, song càng lấp, mặt đường càng trở nên lầy lội. Chị H’Win Byă ở buôn Jăt A than thở: khổ nhất là các em học sinh mỗi ngày đến trường, quần áo, giày dép lúc nào cũng lấm lem bùn đất, trời nắng thì bụi đường làm áo trắng thành màu vàng, đỏ.
 
Giao thông là vậy, với cánh đồng lúa rộng 250 ha của xã Ea Hiu cũng luôn thiếu nước tưới, nên hằng năm lúa hè thu được xem là vụ chính, còn vụ đông xuân chỉ gieo trồng được khoảng 150 ha. Anh Dương Văn Điều, thôn Nghĩa Tân cho biết: do điều kiện thiên nhiên không mấy thuận lợi, trong khi hệ thống kênh mương nội đồng của địa phương chưa được đầu tư kiên cố, chủ yếu do bà con tự đào, đắp nên lượng nước mất đi do thẩm thấu xuống đất nhiều, dòng chảy hạn chế, hằng năm, gia đình anh chỉ gieo trồng được 3/5 sào lúa hai vụ, chủ yếu dựa vào nước trời. Lượng nước cung cấp cho cánh đồng xã chỉ có 1 nguồn dẫn chính là suối Ea Quang, chảy qua địa bàn xã Ea Hiu chừng 9km, đưa nước từ đầu nguồn là đập Krông Buk hạ (xã Ea Phê, huyện Krông Pak) về, nhưng con đập này đang trong quá trình xây dựng nên lượng nước về không nhiều. Theo chân anh Vương Đình Hải, cán bộ địa chính, xây dựng kiêm thủy thợi xã Ea Hiu đi thăm cánh đồng lúa mới thấy hết sự yếu kém của hệ thống kênh mương thủy lợi nơi đây.
Đập nước Ea Nao, xã Ea Hiu (huyện Krông Pak) do người dân tự đào, đắp
Đập nước Ea Nao, xã Ea Hiu (huyện Krông Pak) do người dân tự đào, đắp
Toàn xã có trên 30 km kênh mương nội đồng, nhưng chưa có đoạn nào được làm bằng bê tông kiên cố. Các đập nước trong xã thì phần lớn là do người dân tự đào, đắp khá thô sơ, điển hình như đập Ea Nao (thực chất là bờ chắn nước của đoạn mương rộng chừng 1,5 m) được bà con kè đá 2 bên thành mương, rồi bắc ngang 2 cây gỗ song song cạnh nhau chỉ để hở một khe nhỏ, khi mùa mưa lũ về, bà con đóng cọc xuống mương và dùng bạt, bao tải cát xếp chồng lên để chặn dòng, hạn chế nước tràn vào đồng ruộng làm hư hại cây trồng. Tuy nhiên, việc làm này cũng chỉ ngăn được lượng mưa nhỏ, còn khi lũ lớn về thì mọi thứ đều bị cuốn phăng. Anh Hải cho biết: mùa mưa lũ năm 2011 vừa qua, tổng mức thiệt hại của địa phương khoảng trên 350 triệu đồng, trong đó có 25 ha cà phê bị ngập, 600 mét kênh mương nội đồng bị sạt lở, cuốn trôi… 
 
Mấy năm gần đây, các công trình thủy lợi bị cát, đất bồi lấp nên chính quyền địa phương thường xuyên huy động nhân dân phát dọn, khơi thông dòng chảy mỗi năm 4 - 5 lần, nhưng vẫn không hiệu quả. Với những khó khăn trên, lãnh đạo và nhân dân xã Ea Hiu đã nhiều lần kiến nghị huyện Krông Pak quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi ở đây, song vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Ông Nguyễn Hanh, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Hiu cho hay: do hạn chế về nguồn nước nên việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp tại địa phương rất khó khăn, có gieo trồng các giống lúa mới năng suất chất lượng cao thì hiệu quả cũng kém hơn so với nhiều địa phương khác… 
 
Đó là một trong những nguyên nhân đưa đến hệ lụy: kết thúc năm 2011, toàn xã vẫn còn 553 hộ nghèo và cận nghèo, chiếm khoảng 50% dân số toàn xã.
 
Lê Thành

Ý kiến bạn đọc