Multimedia Đọc Báo in

Hội LHPN tỉnh hỗ trợ phụ nữ nghèo vươn lên

09:17, 07/03/2012

Chiếm 52% lực lượng lao động của tỉnh, phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển mọi mặt đời sống,  xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế số hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ vẫn còn cao, chiếm khoảng 16% hộ nghèo toàn tỉnh. Vì vậy, Hội LHPN các cấp trong tỉnh đã có nhiều biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ thiết thực, hướng về hội viên nghèo.

Phong trào hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giúp nhau xóa đói giảm nghèo những năm qua được đổi mới thiết thực, trên cơ sở phát huy nội lực, tinh thần hợp tác, tương thân tương ái, coi trọng hiệu quả, tính bền vững, tập trung ưu tiên hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ. Hằng năm, các cấp Hội khảo sát, phân loại hộ nghèo, xây dựng kế hoạch, phân công cán bộ, hội viên giúp nhau thoát nghèo bằng nhiều hình thức, biện pháp như hỗ trợ vốn, kiến thức, kinh nghiệm. Từ đó, nhiều hội viên đã có cơ hội vươn lên thoát nghèo.

Từ nguồn vốn vay do Hội Phụ nữ xã Ea Bar tín chấp, gia đình chị Võ Thị Liên ở thôn 8 đã phát triển hiệu quả mô hình chăn nuôi - trồng trọt.

Năm 2009 trở về trước, gia đình chị Hoàng Thị Duyên, dân tộc Nùng ở thôn 17B (xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) luôn nằm trong danh sách hộ nghèo của xã. Vào lập nghiệp ở Dak Lak từ năm 1990 nhưng do thiếu vốn, không có đất đai nên anh chị phải đi làm thuê kiếm ăn qua ngày. Qua nhiều năm, gia đình chị cũng dành dụm mua được 6 sào ruộng trồng lúa, tuy nhiên cũng chỉ đủ nuôi 6 miệng ăn trong nhà. Trước tình cảnh đó, năm 2006, Hội Phụ nữ xã đã tín chấp cho gia đình chị vay 6 triệu đồng đầu tư chăn nuôi heo. Tằn tiện, tính toán hợp lý và tận dụng nguồn cám gạo để chăn nuôi nên đàn heo của gia đình chị phát triển nhanh chóng, mỗi năm xuất bán hơn 20 con. Số tiền tích lũy được chị đầu tư trồng lúa, chăn nuôi bò và đã phát triển đàn lên 13 con. Sau 4 năm, gia đình chị không chỉ trả đủ vốn và lãi cho ngân hàng, thoát khỏi danh sách hộ nghèo mà còn trở thành “mạnh thường quân” thường xuyên giúp các hội viên phụ nữ nghèo trong thôn heo giống, lúa… Trường hợp của gia đình chị Võ Thị Liên ở thôn 8 (xã Ea Bar) cũng tương tự. Gia đình nghèo lại đông con (9 người) nên tuy mua được 7 sào đất trắng nhưng phải vài năm anh chị mới trồng xong cà phê, xen canh tiêu. Do khó khăn về vốn đầu tư nên vườn cây chậm phát triển, năng suất thấp. Năm 2009, gia đình chị được vay 10 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội thông qua sự tín chấp của Hội Phụ nữ xã. Có vốn, chị tính ngay đến chuyện chăn nuôi trâu vừa hỗ trợ việc canh tác lúa, đồng thời lại tận dụng được nguồn phân ủ với vỏ cà phê thành phân vi sinh bón cho cây trồng. Chị cho biết, nhờ nguồn phân vi sinh này mà mỗi năm gia đình chị tiết kiệm được 10 triệu đồng tiền bón phân hóa học và năng suất cây trồng nâng lên rõ rệt, giúp gia đình cải thiện cuộc sống hơn trước…

Theo số liệu chưa đầy đủ, trong giai đoạn 2006-2011, thông qua các mô hình vay vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguồn vốn Quốc gia giải quyết việc làm, các nguồn vốn quốc tế, vốn tự huy động trong cán bộ, hội viên phụ nữ, các cấp hội quản lý hơn 2.456 tỷ đồng, hỗ trợ trên 184.700 lượt hộ phụ nữ vay phát triển kinh tế với tỷ lệ hoàn trả 99,2%. Bên cạnh đó, hội phụ nữ các cấp đã thành lập và quản lý 5.889 nhóm tín dụng tiết kiệm và tổ hùn vốn có trên 97.300 thành viên tham gia; vận động 2-3 phụ nữ khá giúp 1 phụ nữ thoát nghèo có địa chỉ; phối hợp với ngành chức năng tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học – kỹ thuật, dạy nghề và giới thiệu việc làm cho hơn 1.000 lao động nữ nông thôn. Nhờ vậy,  5 năm qua, các cấp hội đã giúp 18.785 hộ phụ nữ thoát nghèo.

Cán bộ Hội Phụ nữ xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn) kiểm tra việc sử dụng vốn vay của gia đình chị Hoàng Thị Duyên ở thôn 17B.

Trong thời kỳ mới, đặc biệt sau Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2011-2016 với mục tiêu tạo chuyển biến rõ rệt về chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, các cấp Hội thực hiện đồng bộ 3 giải pháp: nâng cao hiệu quả hoạt động hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo; vận động, khuyến khích phụ nữ vươn lên làm giàu; hỗ trợ phụ nữ giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng nguồn lao động nữ. Để thực hiện các mục tiêu trên, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo các cấp xây dựng kế hoạch phối hợp với các ngành chức năng hỗ trợ phụ nữ phát triển sản xuất, kinh doanh theo mô hình tổ hợp tác, phát triển các mô hình liên doanh, liên kết giữa nhà sản xuất, nhà cung cấp sản phẩm và người tiêu dùng, thực hiện cơ chế chính sách nhằm tạo điều kiện phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo dựng uy tín các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Ngoài ra, các cấp Hội tiếp tục nhân rộng và nâng cao chất lượng mô hình “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, “Tổ, nhóm phụ nữ tín dụng tiết kiệm”. Bên cạnh đó, nhằm nâng cao chất lượng nguồn lao động nữ, Hội LHPN tỉnh phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đẩy mạnh công tác dạy nghề cho lao động nữ nông thôn theo Đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010-2015”. Đồng thời, các cấp Hội khuyến khích hội viên chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đa cây, đa con, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, tập trung phát triển kinh tế trang trại, tận dụng tối đa nguồn nhân lực địa phương.

Yến Ngọc

 


Ý kiến bạn đọc