Phòng cháy, chữa cháy rừng ở huyện Krông Năng: Tuyên truyền nâng cao ý thức của mỗi người dân là biện pháp trọng tâm
Từ tháng 2 đến tháng 4 hằng năm là thời gian người dân tập trung phát dọn nương rẫy chuẩn bị cho vụ gieo trỉa mới, đây cũng là những tháng cao điểm của mùa hanh khô nên nguy cơ cháy rừng luôn tiềm ẩn. Trước tình hình đó, các ngành chức năng của huyện Krông Năng đã tập trung triển khai nhiều biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR).
Tuần tra bảo vệ rừng tại Tiểu khu 314A xã Cư Klông (huyện Krông Năng). |
Huyện Krông Năng có tổng diện tích rừng trên 6.000 ha, trong đó Ban Quản lý dự án rừng phòng hộ đầu nguồn quản lý gần 4.600 ha, Công ty Cổ phần trồng rừng Trường Thành 848 ha, Công ty TNHH Tín Phát 451 ha và Hợp tác xã nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Trường Sơn 200 ha. Ngoài tác dụng phòng hộ, hằng năm rừng còn mang về nguồn thu đáng kể. Nhưng do đời sống của người dân còn khó khăn, tình trạng phát, đốt rừng làm nương rẫy vẫn tái diễn làm gia tăng nguy cơ xảy ra cháy rừng, nên công tác PCCCR luôn được huyện quan tâm. Huyện đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện các biện pháp cấp bách bảo vệ, phát triển rừng và PCCCR; đồng thời yêu cầu các ban, ngành, đoàn thể ở các xã, thị trấn và các chủ rừng chủ động xây dựng kế hoạch, phương án, tổ chức kiện toàn ban chỉ huy PCCCR. Bên cạnh đó, để hạn chế đến mức thấp nhất cháy rừng có thể xảy ra trong mùa khô, Hạt Kiểm lâm huyện đã phối hợp với Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR số 3 tiến hành kiểm tra các đơn vị quản lý, bảo vệ, tổ chức sản xuất kinh doanh rừng trên địa bàn. Kết quả kiểm tra cho thấy, các chủ rừng đã xây dựng được phương án PCCCR, cách thức phối hợp, huy động lực lượng chữa cháy rừng; đầu tư trang thiết bị, máy móc, công cụ phục vụ công tác PCCCR; phát dọn, thu gom, xử lý vật liệu dễ cháy; phát mới, tạo đường băng cản lửa tại những khu vực xung yếu; đóng bảng cấm lửa ở những vùng rừng trọng điểm dễ cháy, khu vực người dân hay qua lại; bố trí lực lượng canh gác lửa khu vực gần rừng 24/24 giờ.
Những ngày này lực lượng bảo vệ rừng của Công ty Cổ phần trồng rừng Trường Thành như tất bật hơn với công việc canh gác, tuần tra bảo vệ trên 848 ha rừng thông, keo lá tràm ở các Tiểu khu 311, 316, 314A, 314B (xã Cư K’lông) có tuổi đời từ 5 đến 10 năm. Vào những tháng cao điểm của mùa khô, ngoài 4 bảo vệ trong biên chế, Công ty tuyển thêm 4 bảo vệ hợp đồng ngắn hạn. Tất cả chia thành 4 đội luân phiên trực vùng cao quan sát toàn khu vực, tuần tra ở 4 tiểu khu từ 7 giờ sáng đến 17 giờ chiều hằng ngày. Anh Hoàng Văn Nhất, nhân viên bảo vệ của Công ty cho biết: “bên cạnh nhiệm vụ tuần tra, canh gác, chúng tôi còn đốt băng cản lửa, tranh thủ các buổi họp thôn, buôn phát tờ rơi, tuyên truyền nhắc nhở người dân không mang lửa vào rừng thông. Trong trường hợp xảy ra cháy rừng, lực lượng bảo vệ sẽ báo cáo ngay với lãnh đạo Công ty, chính quyền địa phương nhằm huy động mọi lực lượng và người dân hỗ trợ chữa cháy”.
Là lực lượng nòng cốt trong công tác quản lý, bảo vệ, PCCCR, Hạt Kiểm lâm huyện đã chủ động bố trí cán bộ thường xuyên xuống thôn, buôn tổ chức tuần tra, canh gác, thống kê toàn bộ nương rẫy của người dân đang sản xuất nhằm tuyên truyền, hướng dẫn cách phát dọn, đốt theo đúng qui trình kỹ thuật; tăng cường cán bộ kiểm lâm địa bàn bám cơ sở trong thời gian cao điểm dễ xảy ra cháy rừng, phân công trực PCCCR 24/24 giờ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về Luật Bảo vệ và Phát triển rừng qua nhiều hình thức: phổ biến các văn bản liên quan đến công tác quản lý bảo vệ và PCCCR bằng tiếng Êđê và tiếng phổ thông, tổ chức cho người dân ký cam kết PCCCR, lồng ghép tuyên truyền tại các cuộc họp ở cơ sở. Ngoài ra, Hạt Kiểm lâm huyện còn thành lập 16 tổ, đội PCCCR ở 9 xã có diện tích rừng trọng điểm dễ cháy với 240 người tham gia; tổ chức tuyên truyền lưu động bằng xe, loa, khẩu hiệu, kết hợp phát trên 2.000 tờ rơi về PCCCR. Ông Nguyễn Văn Kiểm, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Krông Năng nói: “Để chủ động trong công tác quản lý, bảo vệ, PCCCR mùa khô niên vụ 2011 - 2012, huyện đã xây dựng kế hoạch tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức bảo vệ rừng và PCCCR trong cộng đồng dân cư; xây dựng, củng cố 14 hương ước bảo vệ rừng; huy động sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, ban, ngành, đoàn thể và người dân thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ" gồm lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ; cập nhật dự báo cháy rừng, theo dõi diễn biến tình hình thời tiết để thông báo kịp thời và chính xác về nguy cơ cháy rừng nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra”.
Có thể nói, nhờ triển khai đồng bộ các biện pháp PCCCR trên nên những năm gần đây, trên địa bàn huyện Krông Năng không xảy ra cháy rừng lớn. Tuy nhiên, trước tình hình thời tiết nắng nóng còn kéo dài, ý thức của một bộ phận người dân về PCCCR chưa cao, còn tình trạng cố tình lén lút đốt rừng để lấy than, làm nương rẫy nguy cơ cháy rừng vẫn tiềm ẩn. Vì vậy, ngoài nỗ lực của các cấp, ngành trong việc tuần tra, trực gác phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng cũng như các nội quy PCCCR, còn đòi hỏi sự tham gia của cả hệ thống chính trị và quan trọng hơn cả là đề cao ý thức của mỗi người dân trong công tác PCCCR.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc