Multimedia Đọc Báo in

Quyết liệt ra quân phòng chống dịch cúm gia cầm

05:33, 02/03/2012

Cùng với nỗ lực chung của cả nước, Dak Lak đang quyết liệt ra quân phòng chống dịch cúm gia cầm, đặc biệt là tại các địa bàn có nguy cơ cao như TP. Buôn Ma Thuột, các huyện: Cư Kuin, Krông  Pak, Cư M’gar, Krông Bông và Buôn Đôn.

Với đặc điểm là địa bàn rộng, chăn nuôi nhỏ lẻ, lại có nhiều tuyến giao thông huyết mạch đi qua nên thường xuyên diễn ra hoạt động vận chuyển gia súc gia cầm từ tỉnh này sang tỉnh khác, trong khi đó lực lượng thú y lại mỏng nên Dak Lak tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra dịch cúm gia cầm. Trước tình hình đó, ngành thú y tỉnh đã có nhiều hoạt động kịp thời để nhằm giảm thiểu thiệt hại, khống chế dịch lây lan trên diện rộng. Với phương châm phát hiện sớm, xử lý triệt để, Chi cục Thú y tỉnh đã áp dụng biện pháp được xem khả thi nhất trong phòng chống, bao vây dịch cúm gia cầm là tăng cường công tác giám sát dịch bệnh, dập tắt kịp thời các ổ dịch mới phát hiện. Biện pháp này đã chứng minh hiệu quả trong thực tế. Điển hình như vào ngày 7-2 vừa qua, tại Tiểu đoàn 303, thuộc tiểu khu 1266 đóng tại xã Hòa Xuân (TP. Buôn Ma Thuột) phát hiện một số gia cầm có biểu hiện bị bệnh, Ban chỉ đạo Phòng chống Dịch bệnh gia súc gia cầm đã tiến hành các biện pháp chống dịch như: tiêu hủy toàn bộ số gia cầm bị chết, nuôi nhốt số gia cầm còn lại, đồng thời thực hiện vệ sinh toàn bộ khu vực, phun thuốc tiêu độc…Và ngay trong tối 11-2, khi có kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của Cơ quan Thú y vùng V khẳng định mẫu bệnh phẩm dương tính với vi-rút cúm gia cầm chủng H5, các đơn vị liên quan đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ số gia cầm còn lại (với tổng đàn 1.629 con). Nhờ dập tắt các ổ dịch kịp thời, đến nay trên địa bàn tỉnh chưa xuất hiện ổ dịch mới. Chi cục Trưởng Chi cục Thú y tỉnh Nguyễn Khắc Chuyên cho biết, bên cạnh việc áp dụng các biện pháp chuyên môn một cách triệt để, Chi cục đã chủ động tham mưu với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh có công văn đề nghị Trung ương hỗ trợ hóa chất phòng chống dịch. Đến nay, Dak Lak nhận được sự hỗ trợ 15 nghìn lít hóa chất để sử dụng trong tháng 3 - Tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng.

Thường xuyên vệ sinh tiêu độc khử trùng để giữ sức khỏe cho gia cầm

Tại các địa phương, thực hiện Công điện ngày 21-2 của Chủ tịch UBND tỉnh Dak Lak về việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm, Phòng Nông nghiệp các huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống dịch của địa phương mình bao gồm cả kế hoạch về nhân lực và vật lực để chủ động ứng phó khi dịch xảy ra, không để dịch lây lan rộng. Mạng lưới thú y cơ sở phối hợp với chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị, đoàn thể tăng cường giám sát đến tận trang trại, hộ chăn nuôi, tổ chức quản lý vịt chạy đồng, lò ấp trứng, việc buôn bán, giết mổ gia cầm nhằm phát hiện nhanh các trường hợp gia cầm bệnh chết nghi do cúm gia cầm để xử lý. Có dịp khảo sát tại huyện Cư Kuin, chúng tôi nhận thấy biện pháp tuyên truyền được chính quyền địa phương đặc biệt chú trọng. Hiện tổng đàn gia cầm của Cư Kuin là hơn 180 nghìn con, chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ (chỉ có 4 trang trại chăn nuôi). Còn nhớ mùa dịch 2008, cán bộ thú y phải rải khắp địa bàn và vất vả đi thu gom hơn 1 nghìn gia cầm chết dọc các hồ, ao, suối trên địa bàn. Rút kinh nghiệm những mùa dịch trước, Phòng Nông nghiệp huyện tăng cường tuyên truyền đến người dân ngay từ đầu mùa dịch thông qua các phương tiện truyền thông; lồng ghép trong các buổi tập huấn khoa học kỹ thuật. Ông Nguyễn Văn Khôi, quyền Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện cho hay, ngoài các biện pháp tuyên truyền, Phòng Nông nghiệp huyện còn cử cán bộ thú y túc trực, bám sát địa bàn 24/24 để kịp thời giúp đỡ người dân và nắm bắt tình hình dịch bệnh.

Với các trang trại chăn nuôi tập trung, biện pháp an toàn sinh học vốn được thường xuyên coi trọng, trong thời điểm này lại càng thực hiện nghiêm ngặt. Trang trại của bà Dương Thị Mỹ Trà (xã Hòa Thuận, TP. Buôn Ma Thuột) thuộc Chi nhánh Công ty Cổ phần CP Việt Nam tại Dak Lak, hơn 19 nghìn con gà siêu trứng đã được tiêm vắc-xin H5N1, nguồn vắc-xin do Công ty cung cấp. Một nguyên tắc nữa được trang trại tuân thủ nghiêm ngặt là hạn chế người ra vào trang trại, người và phương tiện khi vào trang trại đều được phun thuốc sát trùng; trong giờ làm việc, công nhân không được ra khỏi trang trại…

Ngành chức năng, các địa phương đang vào cuộc một cách quyết liệt để phòng chống dịch cúm gia cầm một cách hiệu quả. Tuy nhiên đây không là chuyện riêng của ngành nào, địa phương nào mà cộng đồng trách nhiệm, trong đó gốc của phòng chống dịch chính là nhận thức và ý thức người chăn nuôi.

Giang Việt


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.