Vẫn tràn lan mũ bảo hiểm kém chất lượng
“Người đội mũ bảo hiểm (MBH) “nhái” sẽ bị xử phạt từ 100.000 - 200.000 đồng”, đó là nội dung trong dự thảo “Thông tư liên tịch quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng MBH cho người đi xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy” đang được các Bộ Khoa học – Công nghệ, Giao thông vân tải, Công an và Công thương phối hợp xây dựng. Nhiều người hy vọng thông tư trên sớm được ban hành qua đó loại bỏ MBH kém chất lượng trên thị trường.
Mũ bảo hiểm thời trang, mũ bảo hiểm kém chất lượng được bày bán khắp các ngả đường. |
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, những người sản xuất, kinh doanh MBH hầu như không quan tâm đến thông tin trên bởi một điều đơn giản “có người đội thì sẽ có hàng bán”. Thực tế hiện nay, các loại MBH nhái, giả, kém chất lượng đang được bán vô tư trên thị trường với đủ chủng loại, kiểu dáng, màu sắc. Hầu hết, các loại mũ này đều được nhập về từ TP. Hồ Chí Minh và không có nguồn gốc rõ ràng. Giá những chiếc mũ bảo hiểm này chỉ ở mức 20.000 – 35.000 đồng, còn chất lượng thì “nhìn qua đã biết”, mũ cầm lên cảm giác rất nhẹ, chỉ có một lớp xốp mỏng, dùng tay ép nhẹ đã vỡ. Do chạy theo lợi nhuận của các chủ cửa hàng nên những chiếc MBH kém chất lượng, MBH thời trang không chỉ được bán ở các điểm bán trên vỉa hè mà ở cả những cửa hàng lớn, có tiếng. Khi nghe thắc mắc về chất lượng mũ, chủ một cửa hàng chuyên kinh doanh MBH trên đường Lê Duẩn (TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, trước đây cửa hàng không bán những chiếc mũ thời trang, mũ kém chất lượng nhưng nhiều khách hàng vào hỏi nên nhập hàng về. Nếu hàng hóa không đa dạng, không bắt mắt, cửa hàng sẽ bị mất khách, không bán được các loại mũ khác. Qua quan sát, hầu hết các cửa hàng đều trưng bày mũ bảo hiểm kém chất lượng phía ngoài để thu hút khách hàng.
Trong khi đó, việc quản lý MBH không bảo đảm yêu cầu chất lượng trên thị trường còn nhiều hạn chế. Được biết, năm 2011, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đã tiến hành thanh tra, kiểm tra, tịch thu hơn 1.000 chiếc MBH không đạt chất lượng, trong đó tiêu hủy 570 mũ, còn 430 mũ sơn loại 2 (sau mũ có hình bản đồ Việt Nam) đang chờ giám định, phạt hành chính 15,4 triệu đồng, tạm giữ giấy phép kinh doanh 3 cơ sở bán MBH. Ông Nguyễn Công Nguyên, Phó trưởng Phòng Nghiệp vụ tổng hợp, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết, có những loại MBH muốn xác định có đạt chất lượng hay không phải gửi mẫu cho các trung tâm tiêu chuẩn chất lượng thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Chất lượng kiểm tra, đánh giá về độ đâm xuyên và hấp thu xung động… Khi các trung tâm này có kết quả mới biết MBH có đạt chất lượng hay không nên việc kiểm tra, xử lý MBH giả, mũ kém chất lượng thường mất nhiều thời gian và gặp rất nhiều khó khăn.
Về phía người tiêu dùng, nhiều người còn chủ quan, dễ dãi trong việc đội MBH. Với màu sắc đa dạng, kiểu dáng đẹp, cá tính, mũ bảo hiểm thời trang lưỡi trai là loại mũ được nhiều khách hàng, đặc biệt là các bạn trẻ ưa chuộng. Anh Bùi Đình Chuẩn ở đường Nguyễn Công Trứ cho biết, nhìn là biết mũ này đội không an toàn nhưng thấy bạn bè sử dụng nhiều, kiểu dáng đẹp, giá rẻ có mất cũng đỡ tiếc. Mũ này chủ yếu sử dụng khi đi lại trong phố chứ đi xa thì sử dụng mũ có chất lượng hơn. Anh Chuẩn cũng đã nghe nói về dự thảo thông tư trên nhưng cho rằng: “Đang dự thảo, khi nào chính thức thực hiện rồi tính, bao nhiêu người đội chứ riêng gì mình”. Còn bạn Bùi Thị H., lớp Ngữ văn K10, Trường ĐH Tây Nguyên thì chia sẻ: “Mũ thời trang được bày bán nhiều nhưng thấy lớp xốp mỏng, nhẹ nhìn không an toàn nên mình không dùng. Hy vọng, quy định đội MBH “dởm” sẽ bị phạt thì tình trạng kinh doanh MBH kém chất lượng trên các vỉa hè, chợ sẽ không còn”.
Rõ ràng, để loại bỏ được MBH giả, nhái, kém chất lượng ra khỏi thị trường thì điều quan trọng không chỉ trông chờ vào những chế tài xử lý mà còn có chữ tâm của nhà sản xuất, kinh doanh và ý thức sử dụng MBH của người tiêu dùng.
Nguyễn Hường
Ý kiến bạn đọc