Multimedia Đọc Báo in

Xung quanh việc một công an viên hy sinh không được công nhận liệt sĩ

09:44, 23/03/2012

Năm 2008, anh Nguyễn Đình Long, Công an xã phụ trách địa bàn thôn 6, xã Vụ Bổn (huyện Krông Pak) đã anh dũng hy sinh trong khi ngăn chặn một băng nhóm côn đồ gây rối ANTT, gây thương tích cho người dân. Tuy nhiên, đã gần 4 năm trôi qua, anh Long vẫn chưa được công nhận là liệt sĩ. Điều này đã làm thiệt thòi về quyền lợi cho gia đình anh Long, gây bức xúc trong cán bộ, nhân dân huyện Krông Pak.

Đồng chí Nguyễn Đình Long, công an viên xã Vụ Bổn, hy sinh khi mới 26 tuổi.

Tấm gương hy sinh anh dũng của công an viên Nguyễn Đình Long

Trở lại vụ án giết người, cố ý gây thương tích xảy ra tại thôn 6, xã Vụ Bổn (huyện Krông Pak), vào ngày 26 - 5 - 2008, do có mâu thuẫn với anh Nguyễn Công Thống, trú tại thôn 6, xã Vụ Bổn nên Nguyễn Duy Tuấn (SN 1985), trú tại thôn 6, xã Vụ Bổn đã lôi kéo 35 đối tượng khác ở xã Ea K’ly mang theo dao, mã tấu, tuýp sắt đi trả thù. Khi đến quán bida của chị Nguyễn Thị Huệ, mặc dù không tìm thấy anh Thống nhưng gặp bất cứ ai nhóm côn đồ này cũng đánh, chém, đập phá xe máy. Hậu quả, chúng đã gây thương tật cho anh Nguyễn Đào Tiên 27%, anh Nguyễn Đình Quang 15%, Nguyễn Quốc Đại 7%, anh Nguyễn Văn Hữu 4%. Trước sự hung hãn của nhóm côn đồ, không một người nào dám đến gần can ngăn vì sợ nguy hiểm đến tính mạng, anh Nguyễn Đình Long, công an viên phụ trách địa bàn thôn 6 đã đến ngay hiện trường ngăn chặn, và gọi điện thoại di động báo cho công an xã. Trong lúc anh Long đang gọi điện thoại thì tên Lê Viết Hùng (SN 1989), trú tại thôn 10, xã Ea K’ly đã dùng một con dao thái chuối chém liên tiếp 4 nhát vào đầu, mặt, ngực, lưng khiến anh Long gục xuống chết tại chỗ. Theo kết quả giám định pháp y, anh Nguyễn Đình Long tử vong do tổn thương sọ, mắt trái, tim, phổi, cơ, xương sườn, cột sống... gây choáng, mất máu, suy tuần hoàn cấp.

Anh Long hy sinh để lại cha mẹ già, người vợ thường xuyên đau ốm và hai đứa con thơ dại. Ngoài việc canh tác trên 1 sào lúa nước, chị Nguyễn Thị Liên, vợ anh Long, phải đi làm thuê mới đủ nuôi cả gia đình. Nói đến con trai, ông Nguyễn Trọng Quỳnh, cha anh Long rớm nước mắt: “Con tôi làm công an viên, phụ cấp mỗi tháng chỉ có 210.000 đồng mà nó chưa bao giờ kêu ca, vẫn hết lòng vì nhiệm vụ. Bây giờ không may nó hy sinh, tôi chỉ mong Đảng, Nhà nước quan tâm giải quyết chế độ, bảo đảm sự công bằng để con tôi được yên lòng nhắm mắt”. Còn chị Liên thì nghẹn ngào: “Gia đình tôi rất tự hào về anh. Chỉ mong các cấp xem xét quyền lợi cho hai con tôi, vì bố chúng đã hy sinh để bảo vệ tính mạng, tài sản cho nhân dân”. Được biết, ngoài làm công an viên, anh Nguyễn Đình Long còn là Bí thư Chi đoàn nhiệt tình, gương mẫu của thôn 6, xã Vụ Bổn.

Vì sao Cục Người có công không xác nhận anh Long là liệt sĩ?

Sau khi anh Nguyễn Đình Long hy sinh, Ban Thường vụ Huyện ủy Krông Pak đã giao cho Công an huyện tổ chức hội nghị tuyên dương, học tập tấm gương dũng cảm hy sinh trong khi làm nhiệm vụ của anh Long trong toàn huyện. Trong giấy báo tử số 01/UBND ngày 6 - 8 - 2008, UBND huyện Krông Pak đã thông báo nguyên nhân cái chết của anh Nguyễn Đình Long là “trong lúc thi hành nhiệm vụ đã dũng cảm trấn áp bọn tội phạm, côn đồ có hung khí gây rối trật tự trị an tại khu dân cư, bảo vệ tài sản cho nhân dân”. Thực hiện kết luận của Thường vụ Huyện ủy, cũng trong giấy báo tử này, UBND huyện đã đề nghị Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) trình Chính phủ công nhận và tặng Bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sĩ Nguyễn Đình Long. Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Công an đã truy tặng anh Long Bằng khen vì “đã dũng cảm hy sinh trong đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ tính mạng cho nhân dân”. Ngày 2 - 12 - 2009, ông Lữ Ngọc Cư, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã ký tờ trình số 94/TTr - UBND gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH và  đề nghị cấp Bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sĩ Nguyễn Đình Long với lý do nêu rõ là “đã anh dũng hy sinh trong trường hợp thi hành nhiệm vụ trấn áp tội phạm”.

Những tưởng với xác nhận của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và UBND tỉnh, việc trình Chính phủ công nhận liệt sĩ cho anh Long sẽ không có gì vướng mắc. Nhưng đã 3 năm sau ngày anh Long hy sinh, các chế độ, chính sách cho anh và gia đình vẫn chưa được giải quyết. Mãi đến ngày 21 - 3 - 2011, Cục Người có công thuộc Bộ LĐ-TB&XH mới có công văn số 181/NCC gửi Sở LĐ-TB&XH Dak Lak thông báo trường hợp chết của anh Nguyễn Đình Long chưa đủ điều kiện xác nhận liệt sĩ theo quy định tại Nghị định 54/2006/NĐ - CP của Chính phủ. Theo Cục Người có công,  sở dĩ anh Long chưa đủ điều kiện xác nhận liệt sĩ là tại bản án số 85/2009/HSST của TAND tỉnh Dak Lak chỉ thể hiện: “Anh Nguyễn Đình Long (là Công an viên thôn 6, xã Vụ Bổn, huyện Krông Pak) đang ngồi chơi ở nhà anh Nguyễn Thanh Dũng nghe ồn ào thì chạy sang chỗ bàn bida, thấy đánh nhau anh Long vừa đi ra đường vừa lấy điện thoại ra gọi. Khi anh Long đến chỗ cây trứng cá ở trước quán bida thì bị Lê Viết Hùng từ ngoài vào dùng dao chém 4 nhát vào ngực, lưng, đầu và mặt anh Long làm anh Long gục chết tại chỗ”. Vì vậy, Cục Người có công cho rằng anh Long chết không phải do thi hành công vụ.

Tuy nhiên, theo Bản Kết luận điều tra số 196/PC14 ngày 28 - 11 - 2008 của Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) - Công an tỉnh thì khi thấy có đánh nhau, anh Long đã “chạy sang can ngăn và vừa đi ra đường vừa lấy điện thoại gọi cho Công an xã Vụ Bổn...”. Ngoài ra, tại báo cáo số 1565/PC45(Đ4) ngày 2 - 11 - 2011, Đại tá Trần Thanh Chương, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh cũng khẳng định anh Long có mặt tại hiện trường để giải quyết can ngăn và đã hô “Công an đây, Công an đây”. Mặt khác, điều dễ thấy là trong khi xảy ra vụ án có rất nhiều người chứng kiến nhưng không ai dám đến gần, còn anh Long biết nguy hiểm nhưng vẫn đến ngăn chặn. Hành động này chỉ có thể được giải thích là vì đồng chí Long là công an viên, không thể đứng ngoài cuộc khi tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân bị đe dọa. Bên cạnh đó, chị Nguyễn Thị Huệ, chủ quán bida nơi xảy ra vụ án đã có bản tường trình với tư cách là nhân chứng trong đó khẳng định trước khi hy sinh, anh Long đã hô to “Công an đây, Công an đây...” và chị cũng nghe rõ một đối tượng nói “Công an cũng chém...”. Theo logic diễn biến vụ việc cũng như kết luận điều tra, lời khai của nhân chứng, kết luận của Ban Thường vụ Huyện ủy Krông Pak thì rõ ràng anh Nguyễn Đình Long đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ của một công an viên. Cục Người có công chỉ mới căn cứ vào bản án của tòa mà chưa xem xét toàn diện các tài liệu quan trọng khác có trong hồ sơ vụ án cũng như hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ cho anh Nguyễn Đình Long.

Tiếp tục kiến nghị công nhận liệt sĩ cho anh Nguyễn Đình Long

Theo ông Nguyễn Duy Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Vụ Bổn (Krông Pak) cho biết, đã có hơn 20 người dân viết đơn gửi đến các cơ quan chức năng đề nghị công nhận liệt sĩ cho anh Long, những đơn này đều được Chi bộ, Ban Tự quản thôn, Đảng ủy, UBND xã xác nhận. Ngoài ra, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên cũng có tờ trình gửi đến nhiều cơ quan chức năng. Chính quyền, các cơ quan ban ngành và người dân địa phương đều mong anh Long sớm được công nhận liệt sĩ để gia đình anh không bị thiệt thòi quyền lợi.

Đại tá Nguyễn Văn Quang, Trưởng phòng Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ Công an tỉnh, khẳng định: “Căn cứ kết luận của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh, cáo trạng của Viện KSND tỉnh, bản án của TAND tỉnh thì hành động của đồng chí Nguyễn Đình Long là thực sự dũng cảm. Đồng chí đã không sợ nguy hiểm đến tính mạng của bản thân, đã trực tiếp đến hiện trường đối mặt với hàng chục tên côn đồ có hung khí nguy hiểm và đồng chí đã bị chém chết tại chỗ. Khi đồng chí Long hô to: “Công an đây, Công an đây” thì có một đối tượng nói “Công an cũng chém”; như vậy đồng chí Long đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của một công an viên, còn đối tượng chém chết đồng chí Long là nhằm vào người thi hành công vụ”. Cũng theo Đại tá Nguyễn Văn Quang, ngoài Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, Nghị định 54/2006/NĐ - CP thì Nghị định 40/1999/NĐ - CP của Chính phủ cũng quy định rất rõ: “Trưởng Công an xã, Phó trưởng Công an xã, Công an viên khi làm nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm hoặc dũng cảm làm công tác cấp bách, phục vụ quốc phòng, an ninh, dũng cảm cứu người và tài sản của Nhà nước, của nhân dân mà bị hy sinh thì được xem xét công nhận là liệt sĩ”. Như vậy, việc Cục Người có công chỉ căn cứ vào bản án số 85/2009/HSST để cho rằng trường hợp chết của anh Long chưa đủ điều kiện xác nhận liệt sĩ là chưa thỏa đáng. Điều này đã gây dư luận bất bình trong cán bộ, nhân dân địa phương và gia đình anh Long, làm giảm sút tinh thần chiến đấu và chất lượng công tác của lực lượng công an xã khi được giao nhiệm vụ giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Mới đây, Đại tá Trần Kỳ Rơi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh cũng đã ký tờ trình số 268/TTĐN - PV28 đề nghị Cục V28 thuộc Bộ Công an, Cục Người có công thuộc Bộ LĐ-TB&XH quan tâm xem xét, sớm công nhận liệt sĩ cho anh Nguyễn Đình Long. Với sự nhiệt tình, tích cực của các ban ngành, đoàn thể ở Dak Lak và Bộ Công an, hy vọng Cục Người có công sẽ sớm xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận anh Nguyễn Đình Long là liệt sĩ.

Nhã Bình


Ý kiến bạn đọc