Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới: Đổi thay trên vùng đất khó
Được thành lập vào tháng 5-1988, Cư Kbang là một trong những xã nghèo của huyện Ea Súp. Những năm đầu mới thành lập, dân cư trong xã chủ yếu là người dân tộc thiểu số phía Bắc di cư (chiếm 95%), sống rải rác trên khắp địa bàn rất khó quản lý; đường sá đi lại khó khăn, chủ yếu là đường do dân mở theo lối phát nương rẫy. Lúc bấy giờ, cả xã chỉ có phân hiệu trường tiểu học, nhiều học sinh không thể đến trường; trạm y tế tạm bợ; nhà cửa của người dân chủ yếu bằng tranh tre vách nứa, sản xuất chủ yếu phụ thuộc vào thời tiết, mất mùa đói kém thường xuyên xảy ra.
Trạm y tế xã Cư Kbang đạt chuẩn quốc gia. |
Từ năm 2000, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thông qua việc triển khai các chương trình trọng điểm như 135, 167… và sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân địa phương, bộ mặt nông thôn ở xã Cư Kbang đã có nhiều thay đổi rõ rệt. Hiện nay, hơn 70% số hộ trên địa bàn xã đã được sử dụng điện. Qua việc xem ti vi, nghe đài, bà con học tập được những kiến thức kinh nghiệm áp dụng vào sản xuất mang lại hiệu quả cao. Bên cạnh trồng các loại cây nông nghiệp truyền thống như lúa, ngô, đậu…, người dân còn mở rộng diện tích một số loại cây công nghiệp dài ngày mang lại hiệu quả cao như cao su, keo, điều… kết hợp với chăn nuôi. Đến nay, xã Cư Kbang đã có 3.180 ha đất trồng cây các loại; trong đó có 2.895 ha trồng cây hằng năm, 2.160 ha trồng cây lương thực; đàn gia súc, gia cầm tăng 6% so với kế hoạch năm 2010. Công tác y tế được chú trọng, bước đầu đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh và phòng dịch cấp cơ sở cho người dân, Trạm Y tế xã đã được công nhân đạt Chuẩn quốc gia (theo chuẩn cũ). Hệ thống giao thông không ngừng được nâng cấp, mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho người trong quá trình mua bán, trao đổi hàng hóa với địa phương khác. Mạng lưới trường lớp được phát triển đến tận các thôn, buôn, hiện nay xã Cư Kbang đã có đầy đủ các cấp học bao gồm 1 trường mầm non, 2 trường tiểu học và một trường trung học cơ sở, bảo đảm nhu cầu học tập của học sinh. Công tác xóa đói giảm nghèo được thực hiện hiện quả. Đời sống người dân ngày càng được cải thiện, mức thu nhập bình quân của người dân trong xã đạt 3,7 triệu đồng/người/năm; bình quân lương thực đạt 1.076kg/người/năm.
Chứng kiến những bước chuyển mình của xã gắn liền với cuộc sống của gia đình mình, ông Nguyễn Văn Phê ở thôn 8, xã Cư Kbang chia sẻ: “Hồi mới lập nghiệp, gia đình tôi rất khó khăn, cái ăn phải lo từng bữa, vợ chồng đầu tắt mặt tối vẫn không đủ ăn, con cái không có điều kiện đến trường. Nhưng đó là chuyện của những năm trước, hiện nay đời sống gia đình tôi đã ổn định hơn nhờ được vay vốn ngân hàng đầu tư vào sản xuất chăn nuôi. Gia đình đã có nước sạch để dùng, có điện thắp sáng”. Chị Đàm Thị Thiếm, người dân thôn 2, xã Cư Kbang cũng phấn khởi cho biết: “Nhờ được vay 40 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, gia đình tôi đã đầu tư mở cửa hàng tạp hóa, kết hợp với việc trồng 1 ha lúa, 2 ha điều và phát triển chăn nuôi heo. Hằng năm, trừ chi phí gia đình tôi thu lãi khoảng 100 triệu đồng, đời sống gia đình đã ổn định hơn trước rất nhiều”.
Vũ Thị Thu Trang
Ý kiến bạn đọc