Multimedia Đọc Báo in

Người chủ tịch hội CCB năng nổ, làm kinh tế giỏi

14:52, 29/04/2012

13 năm liên tiếp trên cương vị chủ tịch hội cựu chiến binh (CCB) phường, không chỉ được các hội viên trong hội tín nhiệm bởi sự năng nổ, nhiệt tình, hay giúp đỡ đồng đội, ông còn là tấm gương điển hình về làm kinh tế giỏi, có đầu óc nhạy bén trong kinh doanh. Ông là Trần Xuân Thắng (SN 1948), chủ tịch hội CCB phường Tân Tiến.

Năm 1966, chàng trai trẻ quê lúa Thái Bình lên đường nhập ngũ, được biên chế vào Sư đoàn 308 – Sư đoàn bảo vệ thủ đô. Sau một thời gian huấn luyện, ông được điều vào tham gia chiến đấu tại chiến trường Tây Nam Bộ (Cục hậu cần Quân khu 9) với nhiệm vụ vận chuyển vũ khí đạn dược, hàng hóa, xăng dầu, đưa đón bộ đội… Sau hơn 10 năm trải bước chân khắp chiến trường, tháng 10-1977, ông chuyển ngành về công tác tại Ban cải tạo nông nghiệp, rồi Công ty vật tư tổng hợp tỉnh Dak Lak cho đến khi về hưu năm 1993. Khởi đầu cho sự nghiệp làm kinh tế của mình, ông Thắng đã tích cóp và vay mượn tiền mua hơn 1 ha đất rẫy để phát triển trang trại chăn nuôi. Những năm cuối thập niên 80, khi Nhà nước có cơ chế mở cửa, với bản chất ham mê làm kinh tế, cộng với sự nhanh nhạy của người lính hậu cần, ông chuyển sang lĩnh vực kinh doanh thương mại. Ban đầu, ông đứng ra làm đại lý bán lẻ xăng dầu cho Công ty vật tư tổng hợp. Ông suy nghĩ: muốn phát triển lớn mạnh đòi hỏi phải có vốn đầu tư lớn. Làm kinh doanh cũng như một trận đánh lớn, phải biết chớp thời cơ và quyết đoán! Nghĩ là làm, ông đứng ra vay mượn tiền mở rộng đầu tư kinh doanh và ông đã thành công. Từ vị trí một cửa hàng bán lẻ cho công ty, ông tiến lên thành lập doanh nghiệp tư nhân thương mại Thế Mỹ, chuyên kinh doanh xăng dầu. Đến năm 1989, ông đã là chủ của nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu ở 2 tỉnh Dak Lak và Dak Nông.

Dù bận rộn nhiều với công việc kinh doanh, ông Thắng vẫn hăng hái tham gia các hoạt động công tác hội tại địa phương; được tín nhiệm bầu giữ chức vụ Bí thư Chi bộ tổ dân phố 4 và Chủ tịch hội CCB phường Tân Tiến từ năm 2000 đến nay.

Trên cương vị Chủ tịch hội CCB phường, ông Thắng đã có sáng kiến tập hợp những hội viên là doanh nghiệp để thành lập Câu lạc bộ (CLB) doanh nghiệp CCB phường, thu hút 15 hội viên làm kinh tế giỏi tham gia. Các hội viên cùng góp vốn, hỗ trợ nhau trong hoạt động kinh doanh, thường xuyên giao lưu học tập giúp đỡ các hội viên khó khăn khác làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Ngoài ra, các thành viên trong CLB còn ưu tiên tuyển nhân viên là con em các CCB có hoàn cảnh khó khăn trong hội vào làm việc tại đơn vị mình, có chế độ đãi ngộ thích hợp. Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu của ông Thắng có 12 nhân viên thì một nửa trong đó là con em các CCB; nhiều em được trả lương ổn định từ 2,5-3 triệu đồng/tháng và bao cấp ăn uống miễn phí.

Ông Thắng cho biết: hiện Hội CCB phường Tân Tiến đã xây dựng được 3 loại quỹ: quỹ giúp nhau xóa đói giảm nghèo, quỹ chi phí thường xuyên và quỹ nghĩa tình đồng đội, để thăm hỏi các hội viên trong hội khi ốm đau, bệnh tật cũng như việc hiếu, hoặc hỗ trợ cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay để phát triển kinh tế. Đặc biệt, từ các quỹ này, năm 2011 hội đã xây dựng được 2 nhà nghĩa tình đồng đội tặng 2 hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Với các thành tích trên, Hội CCB phường Tân Tiến, cũng như cá nhân ông Thắng đã được tặng nhiều giấy khen, bằng khen của thành hội, tỉnh hội.

L.V


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.