Những người đánh thức ký ức
Cư M’gar là huyện có phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng khá sôi nổi, từ đó đã góp phần tích cực trong việc kế thừa, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cha ông. Trong đó, thế hệ trẻ ở đây đã đóng vai trò “hạt nhân” khơi dậy vốn văn hóa vô cùng độc đáo tưởng chừng như đã mất này…
Vòng xoay trong ngày hội mừng lúa mới ở buôn Kon H'ria - xã Ea Đing - huyện Cư M'gar. |
Chị H’Hoa-Phó trưởng phòng văn hóa huyện Cư M’gar tâm sự: đời sống kinh tế của bà con giờ đã khá hơn trước rất nhiều. Vì thế, nhiều lễ hội truyền thống của các cộng đồng dân tộc trên địa bàn cũng được tổ chức, phục dựng đầy đủ, quy mô, với số thành viên trong mỗi cộng đồng tham gia lễ hội ngày càng đông, càng thân thiết và sinh động hơn. Bên cạnh cồng chiêng, nhiều nhạc cụ khác được mọi người chăm chút, hồi sinh…, cùng những làn điệu dân ca, dân vũ - vốn đã trở thành ký ức trong sâu thẳm trí nhớ người già cũng đang được thế hệ trẻ có tâm huyết sưu tầm, biên soạn và phổ biến trở lại. Chẳng hạn như điệu múa cổ T’Lang Grư (chim Grư bay lên), Khớt Hgơr (hát múa trong nghi lễ bọc trống)… đã được H’Hoa và các chị H’Duôn, H’Nhé, H’Yang ở xã Ea Tul lĩnh hội từ những người già, hoặc lục lại trong ký ức thời thơ bé để truyền dạy cho nhiều thiếu nữ ở các buôn làng. Chính những thiếu nữ này là “hạt nhân” ươm mầm và nhân rộng ra cho bạn bè cùng trang lứa. Cô bé H’Lina (ở buôn Hra - Ea Tul) không giấu được niềm vui khi được các cô, bà mình truyền dạy cho những điệu múa tưởng chừng đã thất truyền trên. Cô bé thành thật: vòng xoang bình thường trong các dịp lễ hội thì ai cũng biết và múa được, nhưng điệu múa cổ như T’Lang Grư, hay Khớt Hgơr… thì gần đây em mới biết nhờ theo học những lớp dân ca, dân vũ do chị H’Hoa dạy cho. Còn cô bé H’Liên Ayun thì tự hào: không ngờ dân tộc mình có điệu múa đẹp và kiêu hãnh đến thế! Những cô gái trẻ trung, xinh đẹp trong tư thế vươn mình và xòe đôi bàn tay mềm mại như cánh chim Grư đang bay lên, chở đầy khát vọng và mơ ước của mình, của cộng đồng trên nền chinh T’Lang nhún nhảy, nhuốm chút mơ màng, khiến bất kỳ ai khi theo học lớp dân ca - dân vũ này cũng không khỏi đam mê. Ngược lại, vũ điệu Khớt Hgơr thì thành kính, dịu dàng trong từng bước chân, nét mặt… đều hướng về một tâm điểm như để chia sẻ, nhận lấy mối đồng cảm và tri ân với cộng đồng, càng thấy trong lòng như được yên vui, vỗ về...
Anh Trần Ngọc Trí - Trưởng phòng văn hóa huyện Cư M’gar nhận xét: “Rõ ràng, bằng cách khơi dậy ý thức cội nguồn dân tộc trong lòng mỗi người sẽ là nguồn lực nội sinh dồi dào giúp cho cộng đồng, xã hội phát triển và xây dựng cuộc sống tươi vui, hạnh phúc hơn. Trong hành trình này, sự nhìn nhận và tiếp sức của thế hệ trẻ là nỗ lực vô cùng ý nghĩa. Nỗ lực ấy, họ không chỉ học được từ những bài học của cha ông mình, mà còn được tích lũy, kế thừa bằng cả niềm đam mê và vốn hiểu biết sâu sắc đời sống văn hóa của mỗi cộng đồng. Chính vì thế, trong mỗi làng buôn ở đây, dòng chảy văn hóa bao giờ cũng được nối tiếp liền mạch từ xưa cho đến hôm nay”.
Phương Đình
Ý kiến bạn đọc