Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 2012: Lần đầu thực hiện “3 trong 1” - nhiều khó khăn và thách thức
Theo Quyết định số 1271/QĐ-TTg, ngày 27-7-2011 của Thủ tướng Chính phủ, Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 2012 được thực hiện từ ngày 1-4-2012. Đây là cuộc tổng điều tra lần thứ 4 với nội dung và khối lượng lớn công việc lần đầu tiên được thực hiện theo kiểu “3 trong 1”…
Những điểm mới và khó...
Điểm mới và khó đầu tiên phải kể tới, đó là lần đầu tiên cuộc tổng điều tra năm 2012 kết hợp cuộc tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp và hai cuộc điều tra thường xuyên: điều tra doanh nghiệp và điều tra cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể. Chính vì vậy, cuộc tổng điều tra lần này có phạm vi rộng nhất, phức tạp nhất từ trước đến nay do liên quan đến nhiều đối tượng điều tra khác nhau thuộc khối doanh nghiệp, cơ quan hành chính, Đảng, đoàn thể, đơn vị sự nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng. Nội dung thông tin cần thu thập lại khá nhiều: thông tin chung về cơ sở; về lao động và thu nhập của người lao động; kết quả sản xuất, kinh doanh, tình hình hoạt động; tình hình ứng dụng công nghệ thông tin; tình hình tiếp cận các nguồn vốn của doanh nghiệp. Đó là chưa kể đến sự biến động về số lượng và tính chất của các đối tượng điều tra sau 5 năm kể từ tổng điều tra năm 2007.
Điều tra viên của Chi cục Thống kê TP. Buôn Ma Thuột đang thu nhập thông tin tại Công ty TNHH Tin học Quang Anh. |
Thêm vào đó, theo ông Đỗ Thức, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, tổng điều tra 2012 lại diễn ra vào đúng thời điểm nền kinh tế đang gặp khó khăn, doanh nghiệp chịu nhiều tác động nên quá trình tác nghiệp của điều tra viên cũng vất vả hơn. Hơn nữa, tổng điều tra trải dài trên phạm vi toàn quốc và đến tận các đơn vị hành chính nhỏ nhất là xã, phường trong khi mức độ tập trung các đối tượng điều tra lại không đồng đều nên đòi hỏi sự chỉ đạo, giám sát càng phải chặt chẽ, thường xuyên, liên tục hơn so với những cuộc điều tra khác.
Vất vả đi tìm... doanh nghiệp
Theo kế hoạch chung, Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 2012 được triển khai thành hai giai đoạn: giai đoạn 1 (từ ngày 1 đến ngày 30-4) thực hiện thu thập thông tin của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc doanh nghiệp, các chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài; giai đoạn 2 (từ ngày 1 đến ngày 30-7), sẽ tiến hành thu thập thông tin của các cơ sở hành chính, sự nghiệp, Đảng, đoàn thể, hiệp hội, tôn giáo và các cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể. Ngày 30-3-2012, căn cứ yêu cầu và chỉ đạo, điều hành nhanh của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp Trung ương có Công văn số 236/BCĐTW-TTT về vấn đề điều tra bổ sung thực trạng và khó khăn của doanh nghiệp, thời gian thực hiện trong tháng 4-2012.
Dựa trên kế hoạch này, ban chỉ đạo tổng điều tra của các địa phương trên địa bàn tỉnh đang tập trung điều tra, thu thập thông tin ở khối doanh nghiệp. Theo danh sách nền mà Cục Thống kê, Cục Thuế và Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp rà soát ban đầu, số doanh nghiệp Dak Lak điều tra là 4.371 doanh nghiệp. Còn thực hiện Công văn 236, Dak Lak có 144 doanh nghiệp thuộc diện được Trung ương chỉ định điều tra bổ sung thực trạng và khó khăn của doanh nghiệp, trong đó riêng TP. Buôn Ma Thuột là 79 doanh nghiệp. Hiện việc điều tra, thu thập thông tin của 144 doanh nghiệp trên đang vào giai đoạn nước rút và đến ngày 25-4, Dak Lak sẽ có tổng hợp báo cáo gửi Ban chỉ đạo của Trung ương. Qua gần 1 tháng ra quân triển khai tổng điều tra, ông Tôn Thất Khôi, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh nhận định: Một khó khăn lớn khi bắt tay vào điều tra, thu thập thông tin ở khối doanh nghiệp là tình trạng doanh nghiệp “khai sinh” nhưng chưa hoặc không “khai tử”. Có nghĩa là rất nhiều doanh nghiệp đã ngừng hoạt động hoặc giải thể nhưng lại không đến các cơ quan chức năng để chính thức làm thủ tục “khai tử”. Đây cũng chính là nguyên nhân lý giải vì sao con số thống kê về số lượng doanh nghiệp hiện nay rất khác nhau, tùy thuộc vào từng cơ quan cung cấp: cơ quan thuế thì tổng hợp số doanh nghiệp đang có mã số thuế, còn cơ quan kế hoạch đầu tư lại đang tổng hợp số doanh nghiệp được cấp giấy đăng ký.
Còn với TP.Buôn Ma Thuột, đơn vị có số doanh nghiệp chiếm gần 60% tổng số doanh nghiệp cần điều tra của tỉnh và 79/144 doanh nghiệp cần điều tra thực trạng và khó khăn theo Công văn 236, việc điều tra càng khó khăn hơn. Ông Trần Quang Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thống kê thành phố cho biết: Quá trình đi điều tra, thu thập thông tin khối doanh nghiệp của điều tra viên rất vất vả. Do tác động chung của nền kinh tế, lạm phát tăng cao trong vài năm trở lại đây, một số doanh nghiệp đã tạm ngưng hoạt động, sáp nhập hoặc chuyển đổi loại hình, thay đổi ngành nghề kinh doanh, chuyển địa chỉ… nhưng không khai báo với cơ quan quản lý. Vì vậy, số doanh nghiệp “ảo” chỉ tồn tại trên sổ sách, không tìm thấy trong thực tế không phải là ít. Điều này dẫn đến việc, có trường hợp điều tra viên phải lần tìm, đi lại nhiều lần mới thu thập được thông tin của doanh nghiệp. Một phức tạp khác là riêng việc điều tra doanh nghiệp có khoảng 28 loại biểu mẫu, được quy định đối với từng loại hình doanh nghiệp cụ thể. Thực tế trong quá trình điều tra, một doanh nghiệp phải thực hiện ít nhất từ 2 loại phiếu trở lên thậm chí có một số doanh nghiệp phải cần đến 16 phiếu điều tra.
Kết quả tổng điều tra 2012 sẽ là căn cứ quan trọng giúp Đảng và Nhà nước đề ra những quyết sách phù hợp cho tái cấu trúc doanh nghiệp, đầu tư công. Với nhiều điểm mới và khó trong đợt tổng điều tra này, theo ông Đỗ Thức, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê “chìa khóa” quan trọng để kết quả thu được bảo đảm “khách quan, chính xác, kịp thời” chính sự phối hợp chặt chẽ và chỉ đạo thống nhất xuyên suốt được triển khai quyết liệt từ Ban Chỉ đạo trung ương đến ban chỉ đạo các cấp, các ngành, từng địa phương, ban chỉ đạo xã, phường. Tất nhiên chất lượng thông tin cũng phụ thuộc nhiều và rất cần sự hợp tác của đối tượng thu thập thông tin.
Đàm Thuần
Ý kiến bạn đọc