Multimedia Đọc Báo in

Quản lý, vận hành các công trình cấp nước tập trung: Thiếu và yếu

08:50, 18/05/2012

Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS-VSMTNT) là một trong những tiêu chí quan trọng của Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Chiến lược Chương trình mục tiêu quốc gia NS-VSMTNT đến năm 2020 xác định: 100% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc gia; phần lớn dân cư nông thôn thực hành tốt vệ sinh cá nhân và giữ sạch vệ sinh môi trường nhờ các hoạt động thông tin - giáo dục - truyền thông. Tuy nhiên, tại tỉnh ta công tác quản lý, vận hành các công trình cấp nước tập trung (CNTT) còn nhiều bất cập, nhiều công trình không phát huy hiệu quả sử dụng.

Niềm vui  của người dân buôn Bu Yuk (xã Dak Phơi, huyện Lak)  khi được sử dụng nước sạch  từ  năm 2011.
Niềm vui của người dân buôn Bu Yuk (xã Dak Phơi, huyện Lak) khi được sử dụng nước sạch từ năm 2011.

Tính đến cuối năm 2011, toàn tỉnh mới chỉ có gần 73% dân cư nông thôn được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh, trong khi tỷ lệ trung bình của cả nước đã đạt trên 85%. Từ năm 2007 đến nay, tỉnh thực hiện chủ trương phân cấp cho các huyện, các ngành làm chủ đầu tư xây dựng công trình CNTT và cấp nước, vệ sinh môi trường trường học, trạm y tế. Việc phân cấp như vậy đã tạo điều kiện cho các địa phương, các ngành liên quan chủ động trong việc đầu tư xây dựng công trình sát với nguyện vọng chính đáng của người dân. Nhờ vậy, toàn tỉnh đã xây dựng được 158.683 công trình cấp nước hợp vệ sinh, trong đó có 79 công trình CNTT với tổng nguồn vốn huy động trên 235 tỷ đồng. Tuy nhiên trong tổng số 79 công trình CNTT chỉ có 26 công trình hoạt động tốt, chiếm 33%; 18 công trình hoạt động trung bình, chiếm gần 23%; số còn lại hoạt động yếu kém, ngưng hoạt động và thậm chí chưa thể đưa vào vận hành, gây lãng phí hàng trăm tỷ đồng của Nhà nước và làm cho nhiều hộ dân lại đành phải dùng nguồn nước không hợp vệ sinh từ sông, suối. Các công trình CNTT hư hỏng, không hoạt động chủ yếu tập trung ở các huyện: Ea Súp, Krông Năng, Buôn Đôn, Cư M’gar, Krông Pak, Krông Bông. Điều đáng lo ngại hơn là chất lượng nước của các công trình không đạt yêu cầu, trong tổng số 40 mẫu nước của 40 công trình mà ngành Y tế đã xét nghiệm, chỉ có 25 mẫu đạt tiêu chuẩn hợp vệ sinh theo quy định của Bộ Y tế, thậm chí ở một số công trình chỉ cần nhìn bằng mắt thường cũng đã thấy nước không đạt tiêu chuẩn vì có màu vàng, lắng cặn hoặc rong rêu. Còn theo một kết quả xét nghiệm mẫu nước của Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường tỉnh, thì có đến gần 40% mẫu không đạt tiêu chuẩn cho phép theo Quyết định số 09/2005/QĐ-BYT ngày 11-3-2005 của Bộ Y tế.

Theo Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường tỉnh, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do đầu tư tràn lan, thiếu đồng bộ, yếu từ khâu khảo sát, thiết kế, thi công đến việc thiếu đội ngũ cán bộ quản lý và vận hành. Do đó, nhiều công trình đã hoàn thành nhưng chưa thể đưa vào sử dụng vì thiếu điện, thiếu nước, chất lượng nước không bảo đảm hoặc phải chờ đợi vì chưa có ban quản lý, vận hành công trình. Việc thi công kéo dài theo kiểu mạnh ai nấy làm của các công trình như đường giao thông, cáp quang, đường điện, bưu chính viễn thông cũng đã gây hư hỏng khá nhiều đường ống dẫn nước sạch, van điều tiết nước về khu dân cư. Thêm vào đó, do nhận thức của một số người dân về vấn đề NS-VSMTNT còn hạn chế nên không đóng góp xây dựng, duy tu bảo dưỡng công trình mà trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước hoặc tự ý cắt ống lấy nước sử dụng không qua đồng hồ, dùng nước nhưng không trả tiền. Tại một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn tồn tại tập quán lạc hậu như đi lấy nước sông, suối về dùng, mặc dù đã có công trình cấp nước sinh hoạt ngay trong buôn.

Theo kế hoạch từ nay đến năm 2015 tỉnh sẽ đầu tư xây dựng mới thêm 142 công trình CNTT ở địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số với kinh phí trên 1.336 tỷ đồng, góp phần đưa tỷ lệ dân cư vùng nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh lên 95% vào năm 2015 và đạt 100% vào năm 2020. Để đạt được mục tiêu này, ngoài việc thực hiện tốt công tác xã hội hóa lĩnh vực cấp NS-VSMTNT, tỉnh nên vận động, tạo cơ sở pháp lý để huy động sự đóng góp của mọi thành phần kinh tế và cộng đồng dân cư tham gia đầu tư vốn, thi công xây lắp, cung cấp dịch vụ sửa chữa và quản lý vận hành công trình cấp nước sinh hoạt. Bên cạnh đó, các địa phương được đầu tư xây dựng công trình nên phối hợp với đơn vị chuyên môn trong khảo sát, thiết kế, xây dựng công trình, chú trọng công tác tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, vận hành. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức người dân về sử dụng nước sạch cũng như bảo vệ công trình, có biện pháp răn đe, xử lý kịp thời những hành vi vi phạm việc cấp nước theo quy định.

Nguyễn Xuân

 


Ý kiến bạn đọc