Multimedia Đọc Báo in

Sân chơi cho trẻ em ngày hè: “Bức tranh” tương phản

08:30, 25/06/2012

Sau một năm học tập vất vả, mùa hè đến các em nhỏ luôn mong muốn được nghỉ ngơi, vui chơi. Nếu như ở các thành phố có rất nhiều hoạt động hè thì ở nông thôn, nhất là vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn các em hầu như không có khái niệm nghỉ ngơi hay vui chơi.

Nơi vui chơi không hết

Thót tim với những pha nhào lộn tắm suối của trẻ em xã Cư Pui, huyện Krông Bông.
Thót tim với những pha nhào lộn tắm suối của trẻ em xã Cư Pui, huyện Krông Bông.

Hè năm 2012, với chủ điểm sinh hoạt là "Lập thành tích chào mừng Đại hội Đoàn cấp tỉnh tiến tới Đại hội Đoàn toàn quốc" và "Nâng cao chất lượng hoạt động phong trào thiếu nhi". Hội đồng Đội tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động: Tổ chức các sân chơi lưu động, trò chơi dân gian, trò chơi lớn, trò chơi vận động; tham quan, dã ngoại đến các khu di tích lịch sử, văn hóa; thể dục thể thao; tăng cường sự tham gia của trẻ em thông qua các Câu lạc bộ (CLB) như : bạn yêu nhạc, bạn yêu thơ, tin học, quyền trẻ em, “Phóng viên nhỏ”; nhân rộng các mô hình giáo dục kỹ năng cho thiếu nhi như "Học từ thiên nhiên", tham gia bảo vệ môi trường, phòng chống đuối nước… Hội đồng Đội tỉnh còn kết hợp với Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh và các địa phương, trường học tổ chức hoạt động xã hội như phong trào "Khăn hồng tình nguyện", cùng hành động giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Mở đầu cho các hoạt động khai mạc hè 2012, Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh tổ chức dạy nhiều bộ môn cho thiếu nhi: võ thuật, cờ vua, bóng đá, bóng bàn, cầu lông, thể dục nhịp điệu, thanh nhạc, organ, guitar, piano, múa, mỹ thuật... Đồng thời giới thiệu các chương trình đào tạo kỹ năng khám phá, thể hiện cảm xúc, giao tiếp, ứng xử, kỹ năng thuyết trình được các bậc phụ huynh quan tâm đăng ký cho con em tham gia… Chị Phan Thị Như Thủy, Giám đốc Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi cho biết: "Hè năm nay, Nhà Văn hóa tiếp tục mở các khóa “Học làm người có ích”, “Học kỳ trong quân đội”, bổ sung hàng trăm đầu sách thiếu nhi với các thể loại truyện, sách tìm hiểu thế giới động vật, khoa học thường thức, văn học - nghệ thuật... để các bạn nhỏ tự chọn thuận tiện”.  Bên cạnh đó, một số điểm vui chơi, giải trí khác như: bể bơi, nhà thi đấu, … cũng thu hút đông trẻ em tham gia. Tuy nhiên, những hoạt động này chủ yếu diễn ra ở khu vực thành thị.

         Nhóm trẻ em  thôn Ko Nek  (xã Cuôr Đăng,  huyện  Cư M’gar)  tự tạo sân chơi  bóng đá  cho mình.
Nhóm trẻ em thôn Ko Nek (xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar) tự tạo sân chơi bóng đá cho mình.

Chỗ tìm không ra

Trái ngược với khu vực thành thị, đến nhiều vùng nông thôn trong dịp hè, dễ dàng gặp cảnh những đứa trẻ lê la trên bãi đất, trèo cây, bơi sông, suối hoặc lẽo đẽo theo cha, mẹ ra đồng, lên nương, rẫy trong cái nắng chói chang. Ở xã vùng 3 như Ea Dah (huyện Krông Năng), kỳ nghỉ hè cũng là lúc nhiều trẻ em “buông” sách vở để giúp gia đình. Hình ảnh những đứa trẻ đen nhẻm, mang trên lưng gùi củi, gùi ngô không có gì là lạ ở nơi đây. Kể từ khi nghỉ hè, ngày nào em Hờ Thị Y  (13 tuổi) ở thôn Giang Đông cũng theo bố mẹ lên rẫy chặt củi, trỉa hạt, làm cỏ… nên không được chơi nhiều, các bạn khác trong thôn cũng vậy. Ông Sùng Vảng Lao, trưởng thôn Giang đông cho biết: “Cả thôn có gần 100 trẻ em, mùa hè chúng đều dành thời gian phụ giúp cha mẹ việc nhà, đứa lớn thì chăn trâu, kiếm củi, hái rau lợn, đứa nhỏ nếu không trông nhà thì cũng theo cha mẹ, anh, chị ra đồng, nghịch đất nghịch cát”. Do điều kiện kinh tế còn khó khăn, hơn nửa số hộ dân trong trong thôn vẫn thuộc diện nghèo, lo cái ăn, cái mặc hàng ngày, lo học hành cho con trẻ đã là cả một sự cố gắng, còn sân chơi, thiết bị, đồ dùng vui chơi cho trẻ thì quả thực ngoài tầm tay của họ. Trong khi điểm vui chơi, giải trí không có thì việc tổ chức sinh hoạt hè được xem như một cứu cánh để tạo “sân chơi” cho trẻ em nông thôn. Anh Đinh Ánh Tuân, Bí thư Đoàn xã Ea Dah cho biết: “Hằng năm, Đoàn thanh niên xã đều phối hợp với nhà trường tổ chức sinh hoạt hè cho các em học sinh. Tuy nhiên, do khó khăn về địa điểm, dân cư lại phân tán nên chỉ tổ chức được 1 buổi/tháng, tỷ lệ trẻ tham gia sinh hoạt khoảng 60%”. Địa điểm sinh hoạt thiếu thốn (chủ yếu ở sân trường và nhà văn hóa thôn) không có thiết bị phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí nội dung, hình thức sinh hoạt còn đơn điệu, chỉ dừng lại ở việc học hát, chơi trò chơi, tập nghi thức đội… nên sinh hoạt hè chưa thực sự có sức hút, phần lớn các em thường rủ nhau lên rừng kiếm củi, chăn trâu hoặc bơi lội ở những khúc sông nguy hiểm. Đây cũng là thực trạng chung ở nhiều vùng nông thôn trong tỉnh.. Em Phạm Văn Minh (học sinh lớp 6A8, trường THCS Đinh Tiên Hoàng, xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar) cho hay: “Nghỉ hè xong bọn em chỉ biết quanh quẩn ở nhà và ra đồng chơi thả diều, đá bóng. Tháng trước, hơn 15 đứa rủ nhau đi tắm ở hồ, không may 1 bạn bị chết đuối, đến giờ nghĩ lại em vẫn còn rất sợ”.

Nếu có dịp gặp gỡ, tiếp xúc với những trẻ em vùng nông thôn và lắng nghe những mong ước giản dị của các em, có lẽ nhiều người phải suy nghĩ. Trong khi nhiều đứa trẻ ở thành phố, các khu đô thị được hưởng một mùa hè thú vị với những chuyến đi du lịch hoặc đến nhà văn hóa, công viên, các khu vui chơi với hàng trăm món đồ chơi, trò giải trí thì với nhiều trẻ em nông sân chơi ngày hè không có gì ngoài nắng, gió và khoảng trời cao… Do đó rất cần tổ chức những hoạt động hè tập thể không chỉ là dịp để các em được vui chơi thỏa thích mà còn là cơ hội để giao lưu học hỏi, rèn luyện kỹ năng giao tiếp và mạnh dạn hơn với hoạt động tập thể.

Tuấn Anh


Ý kiến bạn đọc


(Inforgraphic) Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu của tỉnh Đắk Lắk 9 tháng năm 2024
9 tháng của năm 2024, tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát triển, hầu hết các chỉ tiêu đều tăng so với cùng kỳ. Đáng kể trong đó nhiều lĩnh vực có mức tăng trưởng tích cực, vượt cao so cùng kỳ năm 2023.