Multimedia Đọc Báo in

Cần đẩy mạnh tuyên truyền về dân số - kế hoạch hóa gia đình ở các thôn người Mông, xã Cư Pui (Krông Bông)

08:18, 02/07/2012

Xã Cư Pui (Krông Bông) có 13 thôn, buôn với 12.786 khẩu, trong đó có 7 thôn người Mông với gần 8 nghìn khẩu. Trong những năm qua, các thôn người Mông có tốc độ gia tăng dân số tự nhiên rất cao, đặc biệt là các thôn Ea Uôl, Ea Bar, Ea Rớt.

Gia đình anh Sùng Văn Khải ở thôn Ea Lang (Cư Pui)  vì sinh nhiều con nên cuộc sống vô cùng vất vả.
Gia đình anh Sùng Văn Khải ở thôn Ea Lang (Cư Pui) vì sinh nhiều con nên cuộc sống vô cùng vất vả.

 

Tại các thôn người Mông khá phổ biến tình trạng nhiều gia đình ít đất sản xuất, nhà cửa tạm bợ, thiếu ăn, thiếu mặc nhưng lại đông con, rất nhiều hộ có từ 7-10 khẩu; có những cặp vợ chồng mới ngoài 30 tuổi nhưng đã có đến 7-8 đứa con. Anh Thào Văn Thề ở thôn Ea Rớt mới ngoài 30 tuổi nhưng có đến 8 đứa con. Cả 8 đứa đều không được đi học vì gia đình rất nghèo.  Anh Sùng Văn Khải ở thôn Ea Lang, 32 tuổi  có 6 đứa con. Vì không có đất sản xuất, sức khỏe yếu lại đông con nên kinh tế gia đình vô cùng khó khăn, nhà cửa tuềnh toàng, đồ đạc trong nhà chẳng có gì, hằng năm thiếu ăn đến 6 - 7 tháng. Khi được hỏi tại sao vợ chồng không kế hoạch, đẻ ít con để nuôi dạy cho tốt và có thời gian lao động phát triển kinh tế, anh Khải gãi đầu trả lời: “Mình cũng muốn vậy nhưng khó quá. Mình không dùng biện pháp tránh thai nào cả vì vợ mình không muốn”. Ông Lò Tiến Dũng, Trưởng thôn Ea Rớt cho biết: “Đa số những cặp vợ chồng đông con đều không biết chữ, mặc dù Ban tự quản  và cộng tác viên dân số đã đến tuyên truyền, vận động thực hiện kế hoạch hóa gia đình nhưng ít người làm theo”.

Có thể thấy, công tác DS-KHHGĐ tại các thôn người Mông của xã Cư Pui vẫn còn mang tính hình thức, việc xử lý những trường hợp vi phạm sinh con thứ 3 trở lên chưa được địa phương áp dụng. Ông Hùng Xuân Thành, Trưởng thôn Cư Tê cho biết: “Ở đây nhiều trường hợp sinh con thứ 3 nhưng địa phương chưa có hình thức xử phạt. Vì vậy, nhiều gia đình sinh đến 7-8 đứa con song vẫn làm giấy khai sinh bình thường mà không ai bị phạt”. Với địa bàn rộng, đường sá đi lại gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, nhận thức về công tác DS-KHHGĐ của nhiều gia đình còn hạn chế, đội ngũ cộng tác viên DS-KHHGĐ ở các thôn chưa thực sự tâm huyết nên công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục về DS-KHHGĐ gặp rất nhiều khó khăn. Bà Lê Thị Thúy, cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ xã Cư Pui cho bộc bạch: “Cả 7 thôn người Mông trong xã đều chưa thành lập được Câu lạc bộ không sinh con thứ 3. Khó khăn lớn nhất trong việc tuyên truyền, vận động, triển khai và thực hiện chương trình truyền thông DS-KHHGĐ là một số cộng tác viên chưa thực sự nhiệt tình, tâm huyết. Có nhiều cộng tác viên sau khi làm một thời gian thì xin nghỉ vì trình độ hạn chế, không có lòng kiên trì, đi lại nhiều nhưng chế độ phụ cấp ít (200.000 đồng/1 tháng), trong khi công việc này đòi hỏi người cộng tác viên phải có lòng nhiệt tình, tâm huyết, sự khéo léo, kiên nhẫn và cống hiến”. Bên cạnh đó, nhiều gia đình vẫn còn quan niệm cổ hủ về việc sinh đẻ. Chị Hà Thị Hồng, cộng tác viên DS-KHHGĐ thôn Ea Bar kể: “Khi đến các gia đình vận động dùng các biện pháp tránh thai, nhiều người chồng vẫn nói rằng: “ Mình bỏ tiền ra mua vợ thì phải đẻ chứ, đẻ nhiều sau này có nhiều anh em, nếu đẻ ít con thì dòng họ sẽ xem thường; triệt sản sẽ yếu không đi làm rẫy được…”. Vì thế, ở thôn Ea Bar vẫn còn không ít trường hợp như vợ chồng anh Lý Seo Giàng và Ma Thị Thào sinh năm 1975 nhưng có đến 11 đứa con trong khi hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn”.

Thực trạng trên đây rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành, các đoàn thể  để công tác DS-KHHGĐ thực sự có hiệu quả, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho bà con người Mông.

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc