Multimedia Đọc Báo in

Cựu chiến binh thị trấn Buôn Trấp: “Đầu tàu” trong phong trào hiến đất làm đường

08:42, 31/07/2012

Thời gian qua, nhiều hộ dân trên địa bàn thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana) đã tự nguyện hiến hàng trăm mét vuông đất làm đường, giúp chính quyền cơ sở mở rộng, nâng cấp nhiều tuyến giao thông với chi phí thấp, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. Kết quả này có vai trò không nhỏ của Hội Cựu chiến binh (CCB) thị trấn.

Ông Đỗ Đức Khoát, Chủ tịch Hội CCB thị trấn Buôn Trấp bên phần đất  gia đình tự nguyện hiến cho dự án làm đường giao thông.
Ông Đỗ Đức Khoát, Chủ tịch Hội CCB thị trấn Buôn Trấp bên phần đất gia đình tự nguyện hiến cho dự án làm đường giao thông.

Giao thông nông thôn là một trong những tiêu chí khó thực hiện trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Để thực hiện tiêu chí này ngoài sự đầu tư của Nhà nước thì sự tham gia của quần chúng nhân dân là một yếu tố rất quan trọng. Nằm ở khu vực trung tâm huyện, nơi có thể xem “tấc đất tấc vàng”, nhưng thị trấn Buôn Trấp lại là địa phương tích cực nhất của huyện Krông Ana trong phong trào hiến đất làm đường giao thông. Trước đây khi Nhà nước có chủ trương thu hồi đất để mở rộng đường dân sinh, nhiều hộ dân đều ngóng chờ vào tiền bồi thường, bởi giá mỗi mét vuông đất ở đây không dưới 1 triệu đồng, chưa kể các công trình trên đất, nên những tuyến đường của các tổ dân phố trên địa bàn thị trấn thường nhỏ hẹp, không có cống, rãnh thoát nước khiến cho việc đi lại của bà con gặp nhiều khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Trước những vướng mắc đó, Hội CCB thị trấn đã tích cực vận động thuyết phục người dân đồng thời gương mẫu đi đầu trong thực hiện. Ông Đỗ Đức Khoát, Chủ tịch Hội CCB thị trấn cho biết: “Gia đình tôi đã thống nhất dỡ bỏ tường rào, lùi vào 3m, hiến tổng cộng 45 m2 đất cho chương trình làm đường giao thông nông thôn”. Thấy ông tự tay đập tường rào, các hộ dân nằm trên trục đường cũng lần lượt chặt bỏ cây cối, phá dỡ công trình trên đất mà không đòi bồi thường. Để công tác tuyên truyền có hiệu quả, Hội CCB thị trấn đã thành lập Ban vận động trực tiếp xuống các khu dân cư thông báo chủ trương làm đường và tiến hành khảo sát, thống kê số diện tích, hoa màu mà người dân sẽ bị mất khi con đường được mở rộng, đồng thời giải thích cho các hộ dân hiểu và tự nguyện hiến đất. Hội CCB còn phối hợp với Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên huy động bà con cùng tham gia góp ngày công dọn dẹp, giải phóng mặt bằng. 

Nằm trên trục đường chính từ Cầu Phà tới cầu Lương Thực, nơi có địa thế đất đẹp nhưng gia đình CCB Ama Nguyên (tổ dân phố Buôn Trấp) đã tự nguyện hiến trên 100m2 đất để làm đường. Ama Nguyên tâm sự: “Nghe đài, báo tuyên truyền vận động người dân chung tay xây dựng nông thôn mới, rồi trực tiếp thấy bác Chủ tịch Hội CCB thị trấn hiến đất nên tôi cũng đăng ký thực hiện. Gia đình tôi ai cũng vui vẻ ủng hộ vì đã góp một phần nhỏ bé để xây dựng quê hương”. Ông Tạ Quang Thuân, tổ dân phố Buôn Trấp chia sẻ: “Được Hội CCB đến giải thích ý nghĩa của chương trình nông thôn mới, gia đình tôi liền phá dỡ tường rào vừa xây trị giá hơn 15 triệu đồng và hiến hơn 45m2 đất”. Tính đến nay cả thị trấn có trên 400 hộ CCB tham gia dỡ bỏ tường rào, cổng sắt trị giá hàng trăm triệu đồng với chiều dài hơn 5km để thực hiện dự án làm đường. Noi gương CCB, hàng trăm hộ dân trong diện giải tỏa đã lần lượt hiến đất, nhà ít cũng 45m2, nhà nhiều trên 100m2. Nhờ vậy những con đường trước chỉ rộng 4m nay đã được người dân tình nguyện mở rộng lên 8m, có nơi 10m.

Về thị trấn Buôn Trấp nhìn những con đường thông thoáng, thẳng tắp  mới cảm nhận rõ sự đồng thuận của người dân. Đây là tiền đề rất thuận lợi để lãnh đạo thị trấn Buôn Trấp tiếp tục vận động nhân dân đóng góp sức người, sức của thực hiện thành công các tiêu chí khác nhằm đưa huyện Krông Ana sớm về đích trong Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Tuấn Anh

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.