Multimedia Đọc Báo in

Ngày giỗ liệt sĩ

08:42, 30/07/2012

Năm nào cũng vậy, cứ đến Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7 là nhà ông Trương Văn Sáng, Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh ở tổ dân phố 2, phường Tân An (TP.Buôn Ma Thuột) lại có “đám giỗ”. Đám giỗ vào ngày 27-7 luôn là đám giỗ lớn nhất, nhiều khách tới dự nhất trong năm của gia đình ông.  

Dịp 27-7 năm nay, đám giỗ tại nhà ông Trương Văn Sáng có đến gần 100 người đều cùng hoàn cảnh với vợ chồng ông đến dự. Họ là những người con liệt sĩ mồ côi cha mẹ được nuôi dưỡng tại Trung tâm nuôi dưỡng con liệt sĩ mồ côi tỉnh của 30 năm về trước.

 Quang cảnh buổi giỗ  liệt sĩ tại  nhà ông  Sáng.
Quang cảnh buổi giỗ liệt sĩ tại nhà ông Sáng.

Trong kháng chiến, đã có hàng nghìn người mẹ, người cha nằm xuống vì tự do, độc lập của dân tộc, để lại rất nhiều người con của mình phải chịu cảnh thiếu vắng tình mẫu tử. Vì thế, sau khi đất nước thống nhất, tỉnh ta đã thành lập Trung tâm nuôi dưỡng con liệt sĩ mồ côi quy tập hơn 200 em nhỏ mồ côi tuổi từ 6-15 tuổi về nuôi dạy tại trung tâm (trên đường Phan Bội Châu, TP.Buôn Ma Thuột). Ở đây các em được chăm sóc, học tập dưới một mái nhà chung. Đến năm 1988 thì trung tâm giải thể. Hiện nay, hầu hết những em nhỏ năm xưa đều đã trưởng thành và có mái ấm riêng. Vì không muốn thất lạc nhau, muốn mãi mãi những người con liệt sĩ mồ côi cha mẹ là anh em chung một nhà, chung chí hướng, các anh chị đã tự thành lập “Hội những người con liệt sĩ mồ côi cha mẹ” và lấy ngày 27-7 làm ngày giỗ cha mẹ chung. Mỗi năm tổ chức gặp mặt một lần, mỗi lần gặp nhau là một lần dâng trào những cảm xúc, những ký ức về người cha, người mẹ đã anh dũng hy sinh khi họ còn rất nhỏ, và họ luôn bảo ban nhau cố gắng rèn luyện để trưởng thành, xứng đáng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước dành cho mình, và bởi vì đó cũng chính là sự mong mỏi lớn của cha mẹ họ trước khi ngã xuống cho sự độc lập tự do của dân tộc.

Trong không khí thiêng liêng của ngày giỗ liệt sĩ, những cô bé, cậu bé năm xưa lại rưng rưng nhớ lại quãng thời gian cùng chung sống ở mái nhà chung ngày ấy. Ông Trương Văn Sáng nhớ lại: Ba mẹ hy sinh khi ông mới 6 tuổi và ông là người con duy nhất của ông bà. Quân đội Mỹ đã đưa cậu bé mồ côi cha mẹ vào Cô nhi Viện Quảng Nam. Sau đó người bác ruột đã đưa cậu về chăm sóc rồi  đưa vào căn cứ của tỉnh Dak Lak nuôi. Sau ngày giải phóng, khi Trung tâm nuôi dưỡng con liệt sĩ mồ côi được thành lập thì Sáng cùng với hàng chục thiếu niên khác ở các khu căn cứ đã đưa vào nuôi dưỡng tại nơi này. Đây cũng là nơi anh và người vợ bây giờ đã gặp nhau kết duyên vợ chồng. Còn bác sĩ Trần Xuân Nhĩ, Giám đốc Trung tâm Mắt (Sở Y tế) thì được đưa vào sống ở trung tâm khi 14 tuổi. Kỷ niệm về những ngày sống trong mái nhà chung của Trung tâm nuôi dưỡng con liệt sĩ mồ côi không thể nào quên được. Hồi ấy các anh chị rất yêu thương nhau, tự bảo ban nhau sinh hoạt và học tập. Anh lớn chỉ bảo em nhỏ, nhường nhịn nhau thương yêu nhau như con một nhà. Chị Đỗ Thị Hòa hiện là kỹ sư nông nghiệp thì đã khóc rất nhiều khi nhớ lại những ngày tuổi thơ dẫu khó khăn, thiếu thốn về vật chất nhưng tình người đầy ắp. Hồi ấy, mỗi năm mỗi người chỉ được cấp 1 bộ quần áo, cơm độn khoai sắn nhưng không ai thấy đó là khó khăn. Ai cũng khao khát được đi học, được đến trường và thấy sung sướng vô cùng khi không phải tránh bom đạn như trước. Chị Hòa cho biết, Trung tâm nuôi dưỡng con liệt sĩ mồ côi là nơi đã xe duyên để chị và anh Nguyễn Văn Diệu (hiện là Phó Chủ tịch HĐND TP. Buôn Ma Thuột) nên vợ nên chồng. Cả hai vợ chồng đều là con liệt sĩ mồ côi nên với họ ngày giỗ liệt sĩ là ngày thiêng liêng nhất trong năm… Có những anh chị đến nay vẫn chưa tìm thấy mộ cha mẹ, trên bàn thờ vẫn chưa có ảnh liệt sĩ nhưng với họ,  nỗi đau ấy cũng dần vơi bớt mỗi khi cùng với các anh em quây quần bên nhau trong ngày giỗ chung… Và còn rất nhiều câu chuyện của các con liệt sĩ mồ côi chứa đầy bản lĩnh cách mạng; sự thành đạt của họ hôm nay là nén hương thơm không bao giờ tắt trên bàn thờ liệt sĩ. Đó là bác sĩ Nguyễn Thị Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh; là bác sĩ Trần Vinh, Giám đốc Bệnh viện Lao tỉnh; là chị Lê Thị Xuân Mỹ, Phó Phòng Chính sách - Sở Lao động – Thương binh và Xã hội... Họ đều lấy ý chí nghị lực của cha mẹ để phấn đấu và trưởng thành, làm gương cho thế hệ trẻ hôm nay. 

Điều đáng quý là nhiều người con liệt sĩ mồ côi cha mẹ của tỉnh khá giả hoặc thành đạt đã hỗ trợ kinh phí để giúp các gia đình nghèo trong dịp tổ chức giỗ liệt sĩ, đóng góp cho quỹ của Hội nhằm hỗ trợ cho anh chị em thuộc gia đình chính sách khó khăn mượn để phát triển kinh tế, tăng thêm thu nhập. Anh Nguyễn Văn Tuấn ở xã Ea Phê (huyện Krông Pak), chị Lê Thị Bốn ở xã Hòa Thuận (TP.Buôn Ma Thuột), anh Nguyễn Trung Dũng ở huyện Buôn Đôn là những hộ gia đình chính sách nghèo đã và đang được “Hội những người con liệt sĩ mồ côi cha mẹ” giúp đỡ tiền làm nhà và đầu tư chăn nuôi. Chị Lê Thị Bốn cho biết: “Tôi được anh em trong hội giúp đỡ nhiều nên cũng không cần nhờ cậy nhiều đến Nhà nước giúp đỡ mà dành sự ưu tiên đó cho người khác khó khăn hơn”.

Ngày giỗ liệt sĩ mỗi năm mỗi đông hơn. Có năm số người đến dự hơn trăm người. Từ ngày tổ chức giỗ liệt sĩ chung đến nay, nhiều người chưa một lần vắng mặt. Vì ai cũng nghĩ rằng đối với ngày giỗ cha mẹ, những đứa con của liệt sĩ không thể thiếu nhau trong cái ngày  mà cả xã hội thể hiện truyền thống cao đẹp “Uống nước nhớ nguồn”. Các anh em trong “Hội những người con liệt sĩ mồ côi cha mẹ” cũng xem đây là dịp để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ; đồng thời để các thế hệ con, cháu của các gia đình chính sách được gắn bó, đoàn kết, khăng khít nhau hơn.

Xuân Hòa – Bình Minh


Ý kiến bạn đọc