Multimedia Đọc Báo in

Người cựu chiến binh nặng tình với đồng đội

09:01, 30/07/2012

“Nếu tôi có hy sinh thì anh hãy về động viên mẹ ở quê đừng khóc vì con mình đã anh dũng đổ máu xương cho tổ quốc..." Lời tâm sự ấy của người đồng đội năm xưa đã khắc sâu trong tâm khảm người cựu chiến binh Trần Ánh Yên (Thị trấn Đô Lương – huyện Đô Lương – tỉnh Nghệ An). Vì “mắc nợ” bởi câu nói ấy, hơn mười năm nay, ông lặn lội khắp nơi tìm những đồng đội đã nằm lại nơi ở chiến trường như một lời tri ân thiêng liêng.

Cựu chiến binh Trần Ánh Yên  và những kỷ vật về chiến tranh.
Cựu chiến binh Trần Ánh Yên và những kỷ vật về chiến tranh.

Xuất hiện trước mặt chúng tôi là người cựu chiến binh với dáng người nhỏ bé nhưng đôi mắt sáng, giọng nói vẫn hào sảng đầy chất lính. Mân mê tấm vải dù đã cũ là kỷ vật chiến trường, những ký ức hào hùng về khói lửa chiến tranh chợt hiện về trong tâm trí ông: "Được may mắn sống sót và trở về cuộc sống hòa bình là hạnh phúc rất lớn, bởi trong chiến tranh, tôi đã chứng kiến những mất mát, những nỗi đau quá lớn của đồng đội. Có người đến lúc hy sinh vẫn chưa một lần được cầm tay người con gái, hay chỉ kịp để lại những dòng nhắn nhủ ít ỏi tới gia đình…" Nhớ đến đây, ông cố nén xúc động kể về cuộc đời quân ngũ của mình: ông nhập ngũ năm 1968, là lính công binh của Đoàn 22, Sư đoàn 320, Quân khu 4. Sau 2 năm thì được biên chế vào Trung đoàn 271, Quân khu 4. Vào sinh ra tử khắp các chiến trường Thượng Lào, Đông Nam Bộ, năm 1988 ông bị thương lần thứ 3 tại Campuchia và trở về gia đình tại một làng quê yên bình bên dòng sông Lam. Từ đó, người cựu chiến binh lặn lội thăm lại chiến trường và đi tìm kỷ vật kháng chiến và những người đồng đội anh dũng năm  xưa.

Như một lời tri ân với đồng đội, ông Yên đã vượt núi băng rừng, lội suối tìm và lưu giữ lại trong nhà mình những kỷ vật kháng chiến. Đó có thể chỉ là chiếc bình tông, chiếc lược… gò bằng nhôm v.v… nhưng có thể giúp thế hệ con cháu hiểu được công lao, máu xương của cha ông. Một điều thiêng liêng là trên hành trình đến khắp các chiến trường, nghĩa trang nơi đồng đội mình yên nghỉ, ông đã ghi lại tên tuổi, quê quán của các liệt sĩ. Hơn chục năm làm công việc lặng lẽ mà cao quý ấy, người lính già và các cựu chiến binh cùng trung đoàn anh hùng năm xưa đã sưu tập được tên tuổi, quê quán của hơn 1000 liệt sĩ của đơn vị ông từng chiến đấu (Trung đoàn 271) hy sinh từ năm 1972 đến năm 1977. Có những chuyến đi dài ngày, đầy vất vả, nhưng ông không nản lòng để đến được tận nơi đồng đội mình đã nằm xuống. Nhiều gia đình, người thân của liệt sĩ vô cùng xúc động khi được ông cung cấp tên tuổi, quê quán của các liệt sĩ đã hy sinh một cách cụ thể; cùng với họ đi tìm lại hài cốt liệt sĩ, đưa các anh về với quê hương. Lật từng trang cuốn sổ ghi danh sách 1031 liệt sĩ của trung đoàn 721.F302, người lính già không giấu được xúc động: “Chiến tranh sống chết khôn lường, có những đồng đội của mình hôm qua còn đắp chung chăn, vậy mà nay nhiều người vẫn chưa tìm thấy mộ.

Được gặp và nghe những câu chuyện về cựu chiến binh Trần Ánh Yên và các đồng đội của ông, hiểu được công sức, máu xương của các thế hệ đi trước, mỗi người chúng ta hôm nay càng mãi khắc ghi công ơn của các anh.

Minh Thông – Ngọc Thái


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.