Multimedia Đọc Báo in

Hiến máu tình nguyện – một phong trào mang ý nghĩa nhân đạo

16:57, 06/07/2012

 

Hiến máu tình nguyện (HMTN) là một hành động có ý nghĩa cao đẹp và thiết thực, không chỉ giúp bệnh viện có nguồn máu để phục vụ cấp cứu và điều trị mà còn là cơ hội giúp nhiều người được cứu sống. Thời gian qua, nhờ hoạt động tuyên truyền tích cực của Ban Chỉ đạo vận động HMTN nên hoạt động này đã trở thành việc làm thường xuyên của người dân trên địa bàn Dak Lak, thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam là “thương người như thể thương thân”.

Hiến máu tình nguyện đã trở thành phong trào sâu rộng thu hút nhiều đoàn viên thanh niên hưởng ứng.         Ảnh: Tuấn Anh
Hiến máu tình nguyện đã trở thành phong trào sâu rộng thu hút nhiều đoàn viên thanh niên hưởng ứng. Ảnh: Tuấn Anh

Những năm trước đây, phong trào HMTN chưa được phát động rộng rãi trong toàn dân, bệnh viện thường xuyên nhập máu từ các bệnh viện lớn, đồng thời mua máu của những người bán máu chuyên nghiệp để phục vụ cho cấp cứu và điều trị người bệnh. Đa số những đối tượng bán máu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, họ thường xuyên phải bán máu kiếm tiền để mưu sinh. Việc không tuân thủ theo khoảng cách thời gian, lấy máu liên tục dẫn đến máu không đảm bảo chất lượng. Trong khi đó theo quy định của Bộ Y tế đối với nam là 3 tháng, đối với nữ là 4 tháng thì mới có thể hiến máu nhắc lại, tuy nhiên tùy vào chế độ dinh dưỡng hợp lý để tái tạo và phục hồi máu.

Theo báo cáo hằng năm của Bệnh viện Đa khoa Dak Lak tình trạng quá tải về bệnh tật và tai nạn thương tích thường xuyên xảy ra, điều đó cũng đồng nghĩa với việc nhu cầu máu để cấp cứu và điều trị là rất cao. Được biết mỗi tháng Bệnh viện Đa khoa Dak Lak cần gần 1.000 đơn vị máu để cấp cứu và điều trị người bệnh do tai nạn, các tai biến sản khoa, xuất huyết tiêu hóa v.v…

Trước nhu cầu cần máu tại các bệnh viện trong tỉnh, Ban Chỉ đạo vận động HMTN tỉnh ngoài việc tích cực tuyên truyền vận động người dân tham gia hiến máu thông qua các phương tiện thông tin đại chúng còn thực hiện công tác tuyên truyền trực tiếp như phát tờ rơi, lồng ghép vào các buổi hoạt động ngoại khóa của các trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, nhằm nâng cao nhận thức tình nguyện hiến máu cứu người. Qua đó giúp nhiều người biết rằng hiến máu tình nguyện không ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn cứu được nhiều người, nên số người đăng ký tham gia ngày càng đông. Để có những đơn vị máu an toàn, chất lượng, Ban Chỉ đạo vận động HMTN tỉnh đã vận động các đối tượng là học sinh, sinh viên, đoàn viên, cán bộ công chức, lực lượng vũ trang... là lực lượng cốt cán trong công tác vận động tình nguyện hiến máu. Nhờ vậy, lượng máu thu được qua các năm đều tăng cao. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2012, Ban Chỉ đạo vận động HMTN tỉnh đã tổ chức được 36 đợt hiến máu tình nguyện và thu được 4.280 đơn vị máu sạch phục vụ cho cấp cứu và điều trị. Ban Chỉ đạo vận động HMTN tỉnh cũng đã thành lập được ngân hàng máu sống với 950 thành viên tham gia là những người tình nguyện có nguồn máu an toàn và hiếm, sẵn sàng phục vụ bệnh nhân trong thời điểm không có người hiến máu. Tiêu biểu trong phong trào HMTN là anh Phan Quang Ngọc (sinh năm 1981), Bí thư Đoàn khối các cơ quan tỉnh năm 2010 đã tham gia hiến máu 10 lần và anh vinh dự được chọn đại diện cho thanh niên Dak Lak tham dự “Hành trình trái tim Việt Nam” và tham dự Lễ tôn vinh “100 người Việt Nam hiến máu tiêu biểu”. Chị Nguyễn Thị Ngọc Trinh (sinh năm 1985), Ủy viên Ban Thường vụ Thành Đoàn Buôn Ma Thuột, Bí thư Đoàn phường Thành Công TP. Buôn Ma Thuột đã tham gia hiến máu 14 lần, chị còn là thành viên “Ngân hàng máu sống” của Hội Liên hiệp thanh niên TP. Buôn Ma Thuột trực tiếp hiến máu cho bệnh nhân những lúc bệnh viện khan hiếm nguồn máu. Vừa qua, chị là người đại diện cho Dak Lak tham dự Lễ “Tôn vinh người hiến máu tiêu biểu năm 2012” vì đã có thành tích trong việc vận động đoàn viên thanh niên tham gia hiến máu và là người trực tiếp hiến máu nhiều lần.

Có thể nói, cho đến nay phong trào HMTN dường như đã trở thành nhiệm vụ của các cấp, các ngành và trách nhiệm của mọi công dân. Và thực tế cho thấy phong trào này không chỉ được duy trì mà còn phát triển liên tục trên khắp các địa bàn từ thành thị về nông thôn, từ các trường học đến các doanh nghiệp, cơ quan hành chính sự nghiệp, các đơn vị lực lượng vũ trang.

Tuy nhiên, để phong trào HMTN ngày càng đi vào đời sống, trở thành một hoạt động thường xuyên, sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân thì rất cần sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, đồng thời là sự nỗ lực của Ban Chỉ đạo vận động HMTN tỉnh và lực lượng HMTN xung kích. Mặt khác, cần thường xuyên đổi mới nội dung, tăng cường công tác tuyên truyền về mục đích tốt đẹp của HMTN để góp phần làm cho mọi người dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm và thấy được ý nghĩa nhân đạo của việc hiến máu cứu người.

Mỹ Hạnh 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.