Multimedia Đọc Báo in

Nhức nhối tình trạng vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép

09:15, 06/07/2012

Thiên nhiên ưu đãi cho Tây Nguyên tiềm năng đất đỏ bazan và tài nguyên rừng phong phú. Nhưng cũng bởi lợi nhuận kếch xù từ gỗ quý của rừng mà nơi đây trở thành điểm nóng trong khai thác và kéo theo đó là sự nhức nhối với tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép lâm sản.    


Tăng cường tuần tra, nắm bắt tình hình để chống vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép trên tuyến biên giới.
Tăng cường tuần tra, nắm bắt tình hình để chống vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép trên tuyến biên giới.

Ngày 7-1-2012, Công an Dak Lak bắt giữ 5 xe ô tô của Công ty Cổ phần Vinafor vận chuyển hơn 120 m3 gỗ lậu từ địa bàn Đồn Biên phòng 747 sang tỉnh Dak Nông. Tiếp tục kiểm tra tại Đồn Biên phòng 747, lực lượng công an thu giữ hơn 100 m3 thuộc nhóm I và nhóm II không rõ nguồn gốc được tập kết rải rác ở bìa rừng. Ngày 10-1-2012, lực lượng chức năng (Cục Kiểm lâm – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Cục Cảnh sát Kinh tế - Bộ Công an kiểm tra tại khu vực biên giới xã Mo Ray, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum phát hiện 17.600 m3 gỗ các loại không rõ nguồn gốc được tập kết rải rác cùng với số gỗ khai thác hợp pháp từ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng của Công ty TNHH Duy Tân.

Đó chỉ là hai vụ bắt giữ vận chuyển gỗ trái phép trong năm 2012 ở khu vực Tây Nguyên. Đối tượng khai thác, vận chuyển trái phép lâm sản đa số núp bóng trong các tổ chức, đơn vị được cấp phép khai thác, tận thu, tận dụng gỗ trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng (từ rừng nghèo sang trồng cao su); xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, thủy điện để khai thác vượt phạm vi, quá số lượng, không đúng chủng loại nhằm tư lợi cá nhân. Hoạt động này tập trung chủ yếu ở các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Dak Lak. Thủ đoạn của chúng là lợi dụng hoạt động hợp pháp theo giấy phép của cơ quan chức năng để đưa người, phương tiện vào khai thác những khu rừng lân cận, các loại gỗ quý. Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại chủ yếu xảy ra tại các cửa khẩu, lối mở biên giới. Các đối tượng lợi dụng được tạm nhập tái xuất gỗ các loại qua cửa khẩu, lối mở biên giới để nhập vượt số lượng, sai chủng loại nhằm trốn lậu thuế, tiêu thụ các loại gỗ trôi nổi không có giấy tờ.

Riêng tại địa bàn Dak Lak, Đại tá Đỗ Minh Hảo, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Dak Lak cho biết: Ngoài việc lợi dụng các hoạt động hợp pháp là thu gom gỗ tận thu, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng nghèo kiệt sang trồng cao su… để trà trộn, vận chuyển, buôn bán trái phép lâm sản, một thủ đoạn tinh vi, dẫn đến những phức tạp trong xử lý là các đối tượng dụ dỗ, móc nối với người dân. Bộ đội Biên phòng tỉnh được giao nhiệm vụ quản lý gần 73 km đường biên giới quốc gia, địa hình chủ yếu là rừng già, nhân dân trên địa bàn phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ và đồng bào từ phía Bắc di cư vào theo diện kinh tế mới nên cuộc sống còn rất khó khăn. Chính đặc điểm này khiến bà còn dễ bị các đối tượng mua chuộc, lôi kéo vào trong đường dây khai thác, vận chuyển trái phép lâm sản.

Bộ đội biên phòng là một trong những lực lượng nòng cốt trong đấu tranh, phòng chống tội phạm trên tuyến biên giới. Theo thống kê của Cục Phòng chống ma túy – Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, trên địa bàn Tây Nguyên từ đầu năm 2012 đến nay, bộ đội biên phòng độc lập bắt 39/76 đối tượng, thu giữ 281 m3 gỗ các loại; phối hợp với lực lượng chức năng bắt 103 vụ/83 đối tượng, thu giữ 1.388 m3 gỗ các loại khai thác, vận chuyển trái phép.

Tuy nhiên, dưới tác động của nền kinh tế thị trường, cuộc đấu tranh chống vận chuyển, buôn lậu lâm sản còn nhiều cam go. Trong khi đó địa bàn biên giới phức tạp, đối tượng vận chuyển, buôn lậu hoạt động tinh vi, thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn; công tác tuần tra kiểm soát còn dàn trải, chưa có trọng tâm, trọng điểm, chưa đánh trúng đối tượng chủ mưu, cầm đầu, đầu nậu lớn. Tại Hội nghị sơ kết công tác chống buôn lậu, vận chuyển trái phép lâm sản tại các tỉnh Tây Nguyên được tổ chức tại Dak Lak đầu tháng 6 vừa qua, Thiếu tướng Nguyễn Cảnh Hiền, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho rằng: để phòng chống hoạt động của các loại tội phạm trên tuyến biên giới trong đó có tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển lâm sản trái phép, lực lượng biên phòng các địa phương cần kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền với làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh; triển khai thực hiện hiệu quả các dự án phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân khu vực biên giới. Bên cạnh đó, tăng cường rà soát, điều tra cơ bản toàn bộ tình hình, nắm rõ các khu vực bến bãi tập kết lâm sản, lập các chuyên án để đấu tranh có hiệu quả.

Cùng chung quan điểm này, Đại tá Đỗ Minh Hảo, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Dak Lak phân tích: Đời sống người dân vùng biên giới được cải thiện sẽ hạn chế cơ hội cho các đầu nậu mua chuộc, dụ dỗ tham gia tiếp tay trong khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Ngoài ra, lực lượng chức năng phải sâu sát cơ sở, nắm bắt, phân loại, sàng lọc các đối tượng trên địa bàn biên giới; có chế tài mạnh xử phạt đối tượng vi phạm để đủ sức răn đe, giáo dục.

 Đàm Thuần – Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc