Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng nông thôn mới ở huyện Krông Pak: Sức mạnh từ sự đồng thuận

05:23, 04/07/2012

Bộ mặt nông thôn dần đổi thay, đường làng ngõ xóm được xây dựng khang trang, rộng rãi, người dân tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, thay đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp… là điều dễ nhận thấy ở từng xã, thị trấn trên địa bàn huyện Krông Pak. Một nông thôn mới đang dần hiện hữu từ sự đồng thuận của chính quyền và người dân nơi đây.

Lãnh đạo Phòng NN-PTNT huyện và UBND xã Ea Phê kiểm tra việc làm đường giao thông nông thôn ở thôn 4B.
Lãnh đạo Phòng NN-PTNT huyện và UBND xã Ea Phê kiểm tra việc làm đường giao thông nông thôn ở thôn 4B.

Từ một xã thuần nông, chỉ trông vào đồng ruộng, xã Ea Phê (huyện Krông Pak) hôm nay đã “thay da, đổi thịt”, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, thu nhập bình quân đầu người cao hơn, mức sống tốt hơn. Nhiều nhà xây mọc lên thay cho những căn nhà tạm khi xưa. Con em trong xã phấn khởi đến trường trong những phòng học kiên cố, đầy đủ cơ sở vật chất. Chủ tịch UBND xã Lê Hoàng cho biết: “Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền giúp người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa của chương trình và tích cực hưởng ứng. Mỗi thôn, buôn đều ban hành nghị quyết xây dựng đường giao thông nông thôn, thành viên các ban vận động, giám sát, kiểm tra công trình là người địa phương nhằm phát huy quyền làm chủ của người dân, nhờ vậy xã triển khai mọi việc đạt kết quả cao”. Theo Ban tự quản thôn  4B đi trên đường thôn dài 650m mới được bê tông hóa, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi con đường đất nhỏ hẹp, lầy lội trước kia nay đã được mở 7,5 m, trong đó phần bê tông rộng 3,5 m với độ dày 25 cm. Theo Trưởng thôn Nguyễn Văn Ba, chi bộ, ban tự quản và các đoàn thể đã tổ chức họp dân, thống nhất mức đóng góp, thiết kế, thi công công trình. Cứ 7 m đất theo chiều ngang mặt đường, một hộ đóng đều 2 triệu đồng; mỗi mét còn lại đóng 50.000 đồng. Hộ nào có xe máy cày đóng thêm 750.000 đồng, ô tô đóng 1,5 triệu đồng. Ngoài Ban quản lý chung, khi con đường thi công đến đâu, những hộ dân gần khu vực đó sẽ trực tiếp đứng ra giám sát, bảo dưỡng công trình. Nhờ cách làm linh hoạt, chỉ sau một thời gian ngắn, 130 hộ dân trong thôn đã đóng góp 250 triệu đồng, cùng với nguồn vốn của Nhà nước để hoàn thành con đường. Với cách làm tương tự, các thôn Phước Trạch 1, 2; Phước Lộc 1, 2, 3, 4, 5 (xã Ea Phê); thôn 6A, 7A, 8A và Công ty Cà phê 719 (xã Ea Kly); thôn Hòa Thắng, Hòa An, Hòa Nam, buôn Ta Ra, buôn Puôr, buôn Ea Kmat (xã Hòa Đông) đã đóng góp tiền, ngày công, tự nguyện hiến đất, dỡ bỏ tường rào nâng cấp, bê tông hóa 22 km đường giao thông nông thôn.

Thay đổi bộ mặt nông thôn không chỉ dừng lại ở hoàn thiện kết cấu hạ tầng, mà điều quan trọng là đời sống của người dân phải từng bước được cải thiện và nâng cao. Chính vì vậy, ngoài việc khuyến khích phát triển nhiều mô hình chăn nuôi hộ gia đình đạt hiệu quả kinh tế bằng việc vay vốn ưu đãi, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, đoàn thể lồng ghép nhiều chương trình, dự án để hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất. Các ngành chức năng của huyện đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, xây dựng mô hình trình diễn cây, con có năng suất cao; nổi bật như mô hình trồng lúa lai IR 64, Nhị ưu 838, PH 71, IR 62032, IR 841, OM 2031; ngô lai VN 10-CP 888, LVN 14… Với lợi thế của huyện có diện tích cà phê lớn nhất tỉnh (gần 18.000 ha, sản lượng ước đạt khoảng 19.000 tấn/năm), ngành Nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông và các hội, đoàn thể chú trọng hướng dẫn nông dân cải tạo, lai ghép các vườn cà phê già cỗi, năng suất thấp, trồng xen canh cây ăn quả trong vườn cà phê, phát triển cà phê bền vững. Ông Trần Ba, Trưởng Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện cho biết, thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, Huyện ủy đã ban hành nghị quyết về chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, giao ngành Nông nghiệp và các ngành hữu quan đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, giới thiệu, xây dựng mô hình trình diễn để nông dân áp dụng. Trước mắt, huyện tập trung khuyến khích người dân phát triển cây ca cao, cà phê bền vững, trồng ngô lai, lúa lai, măng tây xanh, cây cảnh, hoa lan, rau xanh, nuôi heo rừng lai, ếch, gà siêu trứng… Gia đình anh Nguyễn Tấn An (thôn Phước Lập 2, xã Ea Kuăng) có 1 ha đất trồng cà phê, rau xanh nhưng nhiều năm qua, việc sản xuất chủ yếu là “lấy công làm lời”. Sau khi được giới thiệu về mô hình trồng măng tây xanh, vợ chồng anh đầu tư vốn trồng thử nghiệm 450 cây. Sau 4 tháng, cây măng tây xanh cho thu hoạch khoảng 3 kg/ngày, với giá bán trung bình 60.000 đồng/kg, lợi nhuận thu được cao hơn hẳn. Thấy vậy, gia đình anh đã phá bỏ một số diện tích cà phê già cỗi và khu vực trồng rau xanh trước đây để đầu tư trồng thêm 2.000 cây măng tây xanh. Anh An nói, hưởng ứng chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, gia đình anh là hộ đầu tiên của xã mạnh dạn thử nghiệm loại cây trồng mới này. Qua khảo sát, Phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn huyện thấy hiệu quả rõ rệt và sẽ hỗ trợ gia đình xây dựng mô hình trình diễn để bà con trong vùng tham quan, học tập, nhân rộng.

Đến nay, huyện Krông Pak có 2 xã đạt 8/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới; 1 xã đạt 7 tiêu chí, 3 xã đạt 6 tiêu chí, 3 xã đạt 5 tiêu chí, còn lại đạt từ 2-4 tiêu chí. Trong đó, việc hoàn thành các tiêu chí về đường giao thông  nông thôn, thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn, nhà ở, thu nhập, hộ nghèo, cơ cấu lao động, môi trường đang là khó khăn, thách thức lớn, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới  huyện xác định phải thực hiện dần từng bước để đạt chuẩn. Trước mắt, khẩn trương hoàn thiện một số hạng mục công trình giao thông và công trình văn hóa, kết hợp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tiếp tục góp tiền, ngày công và hiến đất làm đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, xây dựng các công trình công cộng… nhằm tạo thế và lực xây dựng nông thôn mới.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc