Multimedia Đọc Báo in

Những người “giữ lửa” làng nghề

14:53, 31/08/2012

Nhiều làng nghề thổ cẩm ở Dak Lak đang gặp khó khăn về đầu ra, khiến không ít người gắn bó với nghề truyền thống này nản lòng, thậm chí ngậm ngùi chia tay… Tuy nhiên, vẫn có nhiều nghệ nhân thổ cẩm, bằng cách này hoặc cách khác âm thầm “giữ lửa” cho làng nghề của dân tộc mình.

Một số  cơ sở  dệt  thổ cẩm  ở Buôn  Ma Thuột đang được đầu tư,  thu hút nhiều người  tham gia trở lại.
Một số cơ sở dệt thổ cẩm ở Buôn Ma Thuột đang được đầu tư, thu hút nhiều người tham gia trở lại.

Tôi đã gặp Amí Liu (ở buôn Sút - Cư M’gar), chị H’Lung (buôn Akô D’hông-Buôn Ma Thuột) hay chị H’Mi Riam (buôn Tơng Bông, xã Ea Kao) đều tâm sự rằng: làng nghề thổ cẩm đến một lúc nào đó sẽ sống lại, nếu như giá trị văn hóa của nó ẩn chứa trong sản phẩm được xây dựng và quảng bá rộng rãi đến với khách hàng. Vì thế các amí, các chị đã không tiếc công sức tìm hiểu, ghi chép tỉ mỉ những gì liên quan đến vốn văn hóa thổ cẩm để truyền lại cho con em trong buôn làng. Và khi có cơ hội được tham gia hội chợ, triển lãm, hoặc có du khách vào buôn làng tham quan là họ tiếp cận và giới thiệu, quảng bá về thổ cẩm cho nhiều người biết.

 Hiện nay “cẩm nang” về văn hóa thổ cẩm của dân tộc Êđê đã có, nhiều nghệ nhân đã tham gia cùng ngành văn hóa bổ sung, chỉnh sửa cho “cẩm nang” này ngày càng hoàn thiện hơn nhằm chuẩn bị điều kiện và cơ hội cho làng nghề truyền thống hồi sinh. Chị H’Lung cho rằng, để bán được sản phẩm thổ cẩm, không còn cách nào hay hơn là thuyết phục được khách hàng bằng chính nét văn hóa của sản phẩm mình làm ra. Chị H’Lung cùng nhiều người trong làng nghề luôn chăm chút giới thiệu, quảng bá với khách rằng: Thổ cẩm là một loại vải thô, được dệt thủ công bằng tay của các dân tộc thiểu số. Ở đó tùy thuộc vào trình độ kỹ thuật, mà mỗi dân tộc có mỗi cách trình bày khác nhau về kiểu dệt, màu sắc hoa văn để tạo được sức hút trong từng sản phẩm. Kỹ thuật dệt thổ cẩm của người Êđê chủ yếu dùng phương pháp chắp vải để tạo hoa văn. Trong quá trình dệt, việc bố trí và sắp xếp màu sắc đối với các nghệ nhân là hết sức quan trọng. Màu sắc trên thổ cẩm của người Êđê (váy, khố, áo, tấm đắp…) là những màu đen, đỏ và trắng. Chị H’Lung nói, tuy phổ màu của dân tộc mình không phong phú lắm, nó hạn chế nghệ nhân khi sáng tạo sản phẩm, nhưng không vì thế mà thổ cẩm Ê đê không bắt mắt, bởi người dệt biết phối màu hợp lý, tạo ra những đường nét sống động và tinh tế, đạt đến một giá trị văn hóa ổn định và riêng biệt, không lẫn lộn với thổ cẩm của các dân tộc khác, nhất là hai màu đen, trắng được người Ê đê sử dụng nhiều hơn cả. Hầu như hai gam màu này được dành riêng để làm nền cho mặt trang trí. Chính nhờ sự tương phản ấy mà thổ cẩm của mình trở nên khỏe khoắn và ấn tượng… Nhiều du khách vào đây, nhất là khách phương xa dường như hiểu điều đó và họ không ngần ngại bỏ tiền để mua các sản phẩm thổ cẩm của chị H’Lung và một số nghệ nhân khác trong buôn AKô D’hông. Những sản phẩm như túi xách, áo và khăn choàng… được tạo nên từ chất liệu thổ cẩm được mọi người ưa thích hơn cả.

Chị H’Lung tâm tình: yếu tố văn hóa trong mỗi sản phẩm làng nghề là một lợi thế. Mình biết nắm bắt và tìm cách chia sẻ với khách hàng thì lo gì không bán được. Sở dĩ đầu ra cho thổ cẩm gặp khó khăn là do chưa thâm nhập được thị trường, người làm ra nó chỉ biết gửi đi các mối nhờ tiêu thụ giúp. Với cách làm như thế thì bản thân sản phẩm chỉ đơn giản là hàng hóa như bao loại vải vóc, áo quần công nghiệp thông thường khác vốn đang chiếm ưu thế trong thời buổi cạnh tranh hiện nay. Theo chị H’Lung cũng như nhiều nghệ nhân có tâm huyết như Mí Liu, Mí Ciêu và chị H’miriam: làm nghề thổ cẩm mà không kết hợp với yếu tố văn hóa; không lấy yếu tố văn hóa để nuôi dưỡng làng nghề thì nó sẽ mất và mất vĩnh viễn… Hiện tại, Mí Jim ở buôn A Lê A (phường Ea Tam-Buôn Ma Thuột) và con cháu trong gia đình vẫn ngày ngày âm thầm giữ nghề truyền thống này của ông bà để lại. Bà sẵn sàng ngồi hàng buổi nói về thổ cẩm cho những ai có nhu cầu tìm hiểu, khám phá. Cũng nhờ nền tảng văn hóa sâu dày của bà về thổ cẩm nên khách phương xa tìm đến thăm và đặt mua nhiều loại sản phẩm do gia đình bà làm ra. Tuy nhiên, với quy mô sản xuất không lớn, nhưng Mí Jim có thể sống được với nghề, và quan trọng hơn là qua đó giữ được nghề.

Còn nhớ làng nghề thổ cẩm của người Chăm ở Ninh Thuận, cũng có một thời sa sút; nhưng nhờ những người nhiệt tình “giữ lửa” nên đã làm cho những sản phẩm thổ cẩm sống lại và lan tỏa khắp nơi. Ấy là từ những năm 2000, khi nhà nghiên cứu văn hóa Chăm, nhà thơ In sa ra-Phú Trạm đã mang thổ cẩm cùng những giá trị văn hóa chứa đựng trong đó vào TP Hồ Chí Minh, ra Hà nội… để giới thiệu, quảng bá với mọi người qua hệ thống phân phối thổ cẩm người Chăm được xây dựng, tổ chức theo hướng lấy văn hóa làm nền tảng để tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Ước  gì thổ cẩm của người Ê đê cũng như các dân tộc bản địa khác ở Tây Nguyên có một “đại sứ” văn hóa như thế, để những làng nghề truyền thống này được nhiều người biết đến…

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.