Multimedia Đọc Báo in

“Con đường đau khổ” giữa trung tâm thành phố

14:24, 06/09/2012

Mặc dù nằm ngay giữa trung tâm thành phố, nhưng những người dân dọc hẻm 296 - Lê Duẩn (thuộc tổ dân phố 4, phường Tân Thành, TP.Buôn Ma Thuột) như bị cô lập với bên ngoài mỗi khi mùa mưa đến do đường hẹp và bị xuống cấp trầm trọng.

Ảnh trên: Góc cua ở hẻm 296 Lê Duẩn hẹp lại có độ dốc cao, gây khó khăn cho người dân trong việc đi lại.
Góc cua ở hẻm 296 - Lê Duẩn hẹp lại có độ dốc cao, gây khó khăn cho người dân trong việc đi lại.

Hẻm 296 đấu nối với đường Lê Duẩn (thuộc Quốc lộ 14), ngay tại điểm đầu của cầu Ea Tam (thường gọi cầu Trắng), là con đường duy nhất để người dân đi lại, giao thương với bên ngoài. Được biết, theo Quyết định số 2056/QĐ-UB, ngày 8-10-2007 của UBND TP.Buôn Ma Thuột cho phép chỉ giới hẻm 296 là 10 m, hiện trạng đường đang sử dụng có bề rộng 7 m, nhưng khi triển khai thi công cầu Ea Tam, Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh lại xây dựng mẫu thiết kế bề rộng đoạn đấu nối chỉ được 5m tại góc cua vào hẻm. Như vậy, mẫu thiết kế đó không phù hợp với hiện trạng cũ và trái với quy hoạch của địa phương, gây bức xúc trong nhân dân, cản trở giao thông và mọi sinh hoạt hằng ngày ở khu dân cư. Ông Trần Truật, một người dân tổ dân phố 4 bức xúc, mỗi khi có trận mưa lớn, nhà nào cũng phải chuẩn bị các bao cát, tấm ván cỡ lớn, các tảng đá to để chắn không cho nước và đất đá ngoài đường tràn vào nhà. Bức xúc không kém ông Truật, ông Nguyễn Văn Lược cũng cho hay: cứ thấy trời mưa là phải huy động mọi thành viên trong gia đình ra chắn nước, chứ để nước vào nhà rất nguy hiểm, sợ nhất bị rò rỉ nguồn điện, làm hỏng vật dụng trong nhà, ảnh hưởng đến tính mạng của người trong nhà. Khổ nhất là đối với những hộ đi vắng, nếu gặp mưa bất ngờ thì phải chấp nhận “nhà thành ao”, mọi đồ dùng trong nhà đều bị ngâm nước hư hỏng, không sử dụng được, một số phải mang đi sửa chữa.

Hẻm 296 thấp hơn đường Lê Duẩn nên mỗi lần có mưa to, hầu hết nước ở các tuyến đường Lê Duẩn, Giải Phóng, Nguyễn Viết Xuân… đều đổ dồn về đây, chảy hết vào nhà dân. Khi đang mưa, nước lênh láng, không biết đường nào để về nhà, còn lúc tạnh mưa, đất đá lởm chởm, nếu tay lái không vững, rất dễ xảy ra tai nạn. Điều đáng nói ở đây, hầu hết người dân trong hẻm đều làm nghề trồng rau xanh, phải dậy đi chợ từ mờ sáng nên mức độ nguy hiểm càng cao. Mặt khác, do giao nhau với cầu Ea Tam – nơi có mật độ tham gia giao thông cao - trong khi đó bề rộng đoạn vuốt nối nhỏ hơn đường hiện trạng nên khi xe lưu thông ở hẻm 296 ra đường Lê Duẩn bị khuất, không bảo đảm tầm nhìn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện khi lưu thông ở đoạn đường này, nhiều người dân chọn giải pháp, cứ đến đầu hẻm là tắt máy, đẩy xe lên, nếu có chở theo trẻ em hoặc người già thì phải cho xuống xe. Còn đối với những người chở hàng nặng, họ phải chấp nhận nguy hiểm phóng xe lên thẳng. Nhiều học sinh đi học về, gặp lúc mưa to phải đứng nhờ tại mấy quầy tạp hóa dọc 2 bên đường Lê Duẩn, chờ bố mẹ đón về.

Nhằm hạn chế tối thiểu những rủi ro xảy ra trên đoạn đường này, trước mắt, người dân trong hẻm lấy đất cát lấp đầy các ổ gà, nhưng làm mãi rồi cũng nản vì chẳng thấm vào đâu, cứ có mưa lớn, bao nhiêu công sức vá đường của người dân như “nước đổ lá môn”, nhất là vào mùa mưa, không những đất đá bị cuốn trôi, mà một số chỗ còn bị lở. Nếu tình trạng này kéo dài, nhiều ngôi nhà đầu hẻm có nguy cơ bị sụt lún rất cao. Trao đổi về vấn đề này, ông Đặng Minh Phương, Bí thư chi bộ tổ dân phố 4 cho biết: tại các buổi tiếp xúc giữa cử tri với HĐND các cấp, người dân đã nhiều lần kiến nghị sửa chữa đoạn đường này, nhưng đến nay vẫn chưa thấy cơ quan chức năng nào tiến hành tu sửa. Mới đây, UBND TP.Buôn Ma Thuột cũng có công văn 794/UBND-DT đề nghị Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh về việc mở rộng bán kính lốc vỉa hè và mặt cắt ngang đoạn vuốt nối tại nút giao đường Lê Duẩn với hẻm 296 theo chỉ giới xây dựng đã được thành phố ban hành, để bảo đảm an toàn giao thông cho người dân mỗi lần lưu thông tại hẻm 296.

Hoàng Tuyết

 

 


Ý kiến bạn đọc