Tuyển dụng nhân lực ngành du lịch, dịch vụ - những nghịch lý
Thị trường tuyển dụng lao động nghề du lịch, dịch vụ đang tồn tại nghịch lý giữa nhu cầu tuyển dụng, mức thu nhập và tay nghề người lao động.
Nhu cầu cao, thu nhập thấp
Hầu hết các nhà hàng, khách sạn, công ty du lịch trên địa bàn tỉnh đều có nhu cầu tuyển dụng nhân viên có tay nghề về du lịch, dịch vụ. Đặc biệt, vào dịp lễ, tết, những điểm du lịch lớn đã huy động hết nguồn nhân lực vẫn không đủ người phục vụ khách. Số hướng dẫn viên du lịch lành nghề, am hiểu về văn hóa, phong tục, tập quán và các danh lam, thắng cảnh của Dak Lak chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Hướng dẫn viên du lịch người bản địa giới thiệu với du khách những món ăn truyền thống của người Êđê. |
Tại Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh, từ đầu năm đến nay có 30 lượt doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch đăng tải thông tin tuyển dụng gần 300 lao động ở các vị trí. Nhưng chỉ có 26 hồ sơ người lao động đăng ký tìm việc, trong đó mới có 5 người được tuyển dụng. Tuy nhiên cả 5 người này đều chỉ làm được một thời gian ngắn là thôi việc vì… mức lương quá thấp. AnDray M’lô tốt nghiệp ĐH Quản trị Du lịch được tuyển dụng vào làm việc tại Công ty TNHH Hải Sơn với mức lương 2 triệu đồng/tháng, chẳng đủ chi phí sinh hoạt chứ chưa nói đến hỗ trợ gia đình nuôi các em ăn học nên chỉ làm được 3 tháng. Huỳnh Minh Phát tốt nghiệp CĐ Quản trị Nhà hàng khách sạn được Công ty CPTM Quốc tế Đại Hùng Krông Ana tuyển dụng vào vị trí Tổ trưởng Lễ tân nhưng cũng chỉ trụ được 2 tháng thì nghỉ việc vì lương chỉ 1,6 triệu đồng/tháng. Được tuyển dụng vào vị trí hướng dẫn viên du lịch tại Công ty TNHH Du lịch sinh thái Bản Đôn, Nguyễn Thị Chung (tốt nghiệp CĐ QT Nhà hàng khách sạn) chưa hết vui mừng đã chán nản vì công việc vất vả, đi lại nhiều mà thu nhập chỉ 2 triệu đồng/ tháng nên đành nói lời tạm biệt Công ty sau khi nhận tháng lương đầu tiên…
Chính vì lý do thu nhập thấp mà có khá nhiều người được đào tạo bài bản có bằng cấp Đại học, Cao đẳng chuyên ngành về du lịch phải bỏ nghề mình đã theo đuổi để rẽ sang làm những công việc khác có thu nhập bảo đảm cuộc sống hơn. Võ Văn Tý ở xã Ea Kly (Krông Pak) tốt nghiệp chuyên ngành đầu bếp loại giỏi tại Trường Trung cấp nghề Du lịch Sài Gòn, sau khi ra trường trầy trật mãi mới xin được vào làm việc tại một khách sạn lớn ở trung tâm TP. Buôn Ma Thuột. Chưa kịp mừng thì đã thất vọng khi nhận tháng lương đầu tiên của một phụ bếp vỏn vẹn 1,5 triệu đồng. Được cấp trên an ủi rằng cố gắng phấn đấu vì doanh nghiệp trả lương theo doanh thu từng tháng, tháng vừa rồi ít khách nên lương thấp, Tý cố gắng làm việc chăm chỉ và khấp khởi khi thấy lượng khách đông hơn. Song 5 tháng trôi qua mà mức lương cũng không hề khá hơn. Thu nhập không đủ trang trải cuộc sống ở mức thấp nhất nên Tý đành xin nghỉ việc về nhà vận động cha mẹ vay mượn tiền hùn hạp với bạn mở quán nhậu! Nguyễn Văn Hòa ở đường Lê Hồng Phong (TP. Buôn Ma Thuột) tốt nghiệp Đại học Du lịch ở TP. Hồ Chí Minh cũng nản khi nửa năm trời “bôn ba” xin việc khắp nơi mà thu nhập không đủ chi tiêu cho sinh hoạt hằng ngày nên đành chọn cách mở cửa hàng bán điện thoại di động, bỏ phí 4 năm đèn sách…
Tay nghề chưa đáp ứng yêu cầu tuyển dụng
Ông Lê Hạnh, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh cho biết: Qua công tác tuyển dụng tại Trung tâm cho thấy chất lượng tay nghề của người lao động ở lĩnh vực du lịch, dịch vụ vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng. Theo đại diện một số công ty kinh doanh du lịch, dịch vụ trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, đa số sinh viên chuyên ngành du lịch khi được nhận vào làm việc chưa sử dụng thành thạo ngoại ngữ và còn non yếu về chuyên môn nên đều phải qua lớp đào tạo ngắn hạn tại chỗ theo yêu cầu công việc của từng công ty, từng doanh nghiệp. Đặc biệt, các ứng viên đến tuyển dụng đều rất “lơ mơ” kiến thức cơ bản về văn hóa, địa lý, tình hình kinh tế, xã hội của địa phương cũng như khu vực Tây Nguyên. Nhiều khách du lịch đến Dak Lak than phiền vì chất lượng phục vụ của nhân viên nhất là tính chuyên nghiệp và kiến thức. Có những hướng dẫn viên không biết kiến thức tối thiểu về cây Kơ nia, hoa Pơ lang, đặc điểm của dòng sông Sêrêpôk, một số phong tục, tập quán và văn hóa của người dân tộc thiểu số bản địa… Chất lượng của nhân viên phục vụ dịch vụ du lịch ở tỉnh thấp một phần cũng do những người được đào tạo cơ bản và giỏi sẽ không chấp nhận làm việc trong môi trường nhiều vất vả mà thu nhập thấp vì vậy đa phần những người trụ lại với nghề đều là dân địa phương chưa được đào tạo cơ bản…Theo thống kê xã hội học thì khu vực Tây Nguyên là một trong những nơi có tỷ lệ lao động trong du lịch được đào tạo thấp nhất (chưa tới 20%). Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới việc khai thác tài nguyên du lịch và đảm bảo chất lượng dịch vụ.
Dak Lak là vùng đất có tiềm năng du lịch lớn bởi sở hữu nhiều cảnh đẹp cộng thêm một nền văn hóa đa sắc tộc với nhiều phong tục, tập quán độc đáo… Tuy nhiên, điều chưa thực sự thu hút du khách và phát triển du lịch là do các dịch vụ còn yếu kém, trong đó có yếu tố nhân lực. Để đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao thì các trường đào tạo nghề du lịch, dịch vụ cần tạo điều kiện và môi trường để sinh viên chuyên ngành có cơ hội thực hành nhiều hơn, đặc biệt gắn với những địa phương mà sinh viên dự định sẽ lập nghiệp. Các đơn vị, doanh nghiệp tuyển dụng trên địa bàn cũng cần đưa ra mức lương phù hợp hơn với điều kiện sống của người lao động và phải bảo đảm đầy đủ chính sách, chế độ theo quy định của pháp luật…
Minh Quân
Ý kiến bạn đọc