Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng nông thôn mới: Cần thêm tiêu chí sân chơi cho trẻ em

13:43, 09/09/2012

Xây dựng nông thôn mới hướng đến mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Nhưng điều băn khoăn là trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới vẫn chưa có tiêu chí nào về sân chơi cho trẻ em.

Trẻ em nông thôn chơi ở đâu?

Trong Lễ hội Văn hóa dân gian Việt Bắc ở xã Ea Tam, huyện Krông Năng, Ban tổ chức đã khá “tâm lý” khi đưa vào một khu vui chơi cho trẻ em với các trò chơi mà trẻ em thành phố thì quá quen như: tàu lửa, đu quay, thú nhún… Ấy vậy mà suốt 3 ngày diễn ra Lễ hội, đây là khu vực thu hút đông người tham gia nhất, hàng nghìn lượt trẻ được bố mẹ đưa đến chơi say sưa suốt ngày dưới trời nắng chang chang. Cậu bé Nông Văn Thanh (9 tuổi) ở thôn Tam Biền (xã Ea Tam, Krông Năng) mặc dù bố mẹ không còn tiền cho chơi nữa vẫn nằng nặc đòi ở lại xem suốt cả ngày, vì “từ bé đến giờ mới được xem và chơi những trò chơi này, hằng ngày chúng cháu chỉ chơi đuổi nhau ở ngoài đường, ra đồng tát nước nghịch bùn, đào đất bắt dế hay chơi trốn tìm…”

a
Đông đảo trẻ em vui chơi trong Lễ hội Văn hóa dân gian Việt Bắc ở xã Ea Tam, huyện Krông Năng.

Tết đến, hè về ở những vùng nông thôn có điều kiện kinh tế phát triển hơn thì trẻ em suốt ngày chúi mũi vào các trò chơi điện tử ở quán  internet, hoặc nguy hại hơn là quây tròn bên các chiếu bài, chơi bầu cua, cờ cá ngựa ăn tiền…Bà H Zin ở xã Ea Pin (M’Drak) than thở: “Chỉ mong sao nhanh hết hè cho bọn nhỏ đi học đỡ lêu lổng, cha mẹ bận đi làm thuê tối ngày không quản lý được. Vừa rồi, tôi bỗng phát hiện số tiền mình dành dụm đã bị mất, tra hỏi mấy đứa con mới biết chúng đã lấy trộm chia nhau đi chơi điện tử và bầu cua, xóc đĩa hết…”

Cậu bé Y Joăn (12 tuổi) ở xã Ea Ktur (Cư Kuin) khoe: “nghỉ hè, chúng em hay chơi ở sông, hồ, cứ leo lên cầu hoặc cây cao lao xuống nước thật là thích”. Khi được hỏi vì sao lại chơi những trò mạo hiểm vậy, sao không sinh hoạt hè tại các nhà văn hóa cộng đồng ở buôn, ở xã, cậu bé tròn mắt: “Ở đấy có các trò chơi à? Sao chưa bao giờ chúng em thấy cả, toàn thấy người lớn họp hành gì đó thôi”. Chị H’Mia, mẹ Y Joăn thì chia sẻ: Tụi tôi bận làm việc ở rẫy không có thời gian và điều kiện chăm sóc con, 3 đứa trẻ nhà này tự trông nhau thôi, được cái tụi nó đều biết bơi cả nên không sợ lắm, mà có sợ cũng chẳng thể quản được…” 

Xây dựng nông thôn mới: tiêu chí nào dành cho sân chơi trẻ em?

Sân chơi lành mạnh có tác dụng lớn đến sự phát triển thể chất, tinh thần của trẻ, góp phần hạn chế các trò chơi mạo hiểm, mất an toàn dẫn đến tai nạn thương tích. Hiện nay, tại một số xã, phường trong tỉnh đang xây dựng các mô hình bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại cộng đồng, nhưng mới chỉ dừng lại ở việc xây dựng môi trường sống an toàn để phòng chống tai nạn thương tích chứ chưa chú trọng đến xây dựng sân chơi, tổ chức các hoạt động vui chơi cho trẻ trong dịp hè, lễ, tết. Thực tế đang đặt ra yêu cầu  bức thiết về việc xây dựng sân chơi cho trẻ, nhất là ở vùng nông thôn. Tuy nhiên, trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới lại không có tiêu chí nào về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, cũng như xây dựng sân chơi cho trẻ. Tiêu chí về cơ sở văn hóa chỉ được đề cập một cách chung chung: "Nhà văn hóa và khu thể thao xã đạt chuẩn của Bộ VHTT&DL; tỷ lệ thôn có nhà văn hóa và khu thể thao thôn đạt qui định của Bộ VHTT&DL”. Tại những xã được chọn là địa phương điểm để xây dựng nông thôn mới, việc người dân tự nguyện hiến đất làm đường, xây dựng Nhà văn hóa thôn, buôn, xã... là rất đáng ghi nhận, nhưng điều băn khoăn là nhà văn hóa hầu như chỉ dành cho người lớn, là nơi sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể chứ trẻ em không có "phần”. Đơn cử, Nhà văn hóa buôn Cuôr Knia 1, xã Ea Bar (Buôn Đôn) được xây dựng to đẹp nhưng quanh năm suốt tháng đóng cửa, chỉ mở có vài lần họp dân, tiêm phòng cho trẻ. Đây cũng là thực trạng chung ở rất nhiều địa phương đang triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới.

 Nhiều trẻ em  ở xã Ea Pil (M’Drak)  bị cuốn  vào   trò chơi  bầu cua  ăn tiền.
Nhiều trẻ em ở xã Ea Pil (M’Drak) bị cuốn vào trò chơi bầu cua ăn tiền.

Theo kế hoạch, trong số 38 xã điểm về xây dựng nông thôn mới của tỉnh và huyện sẽ có 27 xã được xây dựng mới nhà văn hóa, 11 xã còn lại cải tạo và nâng cấp trên cơ sở hạ tầng của nhà văn hóa đang có.  Theo thiết kế, những nhà văn hóa này có mô hình chung với 2 phòng chức năng, diện tích 800 m2, quy mô 100 chỗ ngồi. Đây là một tin vui đối với người dân các xã điểm, nhưng điều quan trọng là quản lý và phát huy hiệu quả của các nhà văn hóa như thế nào. Thực tế, nhà văn hóa xã chưa “có chỗ” cho trẻ em do nhiều nguyên nhân. Có thể là do quy định về các tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới chưa đề cập rõ ràng nên không được thể hiện trong thiết kế quy hoạch ở các địa phương; có thể là trong thiết kế có nhưng khi thực hiện thi công ở cơ sở lại bỏ sót; cũng không loại trừ nguyên nhân là người có thẩm quyền duyệt quy hoạch cho rằng chỉ cần có nhà văn hóa là đã có thể đáp ứng được nhu cầu vui chơi, giải trí cho người dân nông thôn, trong đó có trẻ em(!)

Ngoài nhà văn hóa thôn, buôn, xã có thể tổ chức sân chơi cho trẻ thì Bưu điện xã cũng là một điểm quan trọng. Hầu hết các xã đều đã “hoàn thành” tiêu chí có điểm bưu điện văn hóa xã. Nếu như bưu điện văn hóa xã hoạt động đúng mục đích là nơi cung cấp sách báo, truy cập internet... cho người dân, trong đó có trẻ em thì nhu cầu về văn hóa đọc cho trẻ em nông thôn phần nào được đáp ứng. Thế nhưng, không phải nơi nào bưu điện văn hóa xã cũng tạo điều kiện hay tổ chức cho trẻ tiếp cận với các văn hóa phẩm bổ ích, thậm chí không ít nơi lại biến thành địa điểm kinh doanh trò chơi điện tử gây ra nhiều hệ lụy...

“Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”, hy vọng rằng vấn đề sân chơi cho trẻ em sẽ được nhìn nhận, quan tâm đúng mức hơn. Nên chăng, các thôn, buôn, xã cần có quy hoạch cụ thể hơn các hạng mục trong tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trong đó có sân chơi cho trẻ em, từ đó có kế hoạch đầu tư kinh phí xây dựng và quản lý nhằm phát huy tối đa hiệu quả công trình.

Minh Quân


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.