Multimedia Đọc Báo in

Yang Reh thiếu nước sinh hoạt

08:45, 24/09/2012

80% dân số trên địa bàn xã sử dụng nước không hợp vệ sinh, một con số cho thấy khó khăn của người dân Yang Reh, huyện Krông Bông khi đã và đang phải đối diện với tình trạng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng...

“Dù biết không bảo đảm vệ sinh nhưng cũng may mà có mạch nước từ núi Cư Núp chứ nếu không bà con buôn Chóa A còn khổ đến thế nào”, Ama Sôl, Trưởng buôn Chóa A than thở. Cả buôn Chóa A có 147 hộ trong đó 50% là hộ nghèo. Đếm đi đếm lại trong buôn có 60 cái giếng đào thì tất thảy đều nhiễm phèn, nước đục không thể ăn uống được. Những gia đình không đào được giếng thì ra chỗ mạch nước của núi Cư Núp hứng nước để tắm giặt. Còn nước uống, hộ nào không có tiền mua nước bình thì phải cất công đi xin các hộ dân ở ngoài đèo Giang Sơn. Còn ở buôn Chóa B, chuyện nước sinh hoạt cũng khó khăn không kém. Gia đình Amí Keo, cố gắng mãi năm 2000 mới đào được giếng nhưng cũng đục và có mùi hôi, chỉ có thể tạm dùng để tắm giặt. Mỗi tuần nhất là vào mùa nắng, gia đình Amí Keo cũng tiêu tốn vài trăm ngàn đồng để mua nước bình. Ama Ghen, Trưởng buôn buôn Chóa B thở dài: “Thiếu nước, sinh hoạt của bà con trong buôn khổ lắm, tốn tiền đã đành lại còn ảnh hưởng đến sức khỏe nữa, bệnh thường gặp ở đây là tiêu chảy”.

Người dân buôn Chóa A phải dùng tạm nước từ mạch nước  của núi Cư Núp.
Người dân buôn Chóa A phải dùng tạm nước từ mạch nước của núi Cư Núp.

Yang Reh được thành lập năm 2002 trên cơ sở chia tách từ xã Ea Trul. Toàn xã có 4 buôn, 4 thôn thì có đến hơn nửa số thôn buôn nằm trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Tỷ lệ hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh của toàn xã chưa đầy 20%. Ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Yang Reh cho biết: Trên địa bàn xã có thôn 4, người dân cũng lâm vào cảnh khốn khổ vì  chất lượng nguồn nước sinh hoạt không bảo đảm. Đã nhiều năm nay, trong thôn số người mắc và tử vong do ung thư ngày càng tăng. Các buôn Chóa A, Chóa B, Trok Ăk, người dân chủ yếu phải đi mua nước bình về uống. Với tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, năm 2007, Yang Reh cũng được xây dựng một công trình cấp nước, thiết kế theo quy trình hệ thống tự chảy. Năm 2008, công trình được đưa vào sử dụng và phục vụ nước sinh hoạt cho người dân buôn Yang Reh và thôn 2. Công trình này vẫn đang hoạt động nhưng chất lượng nguồn nước thì không bảo đảm. Cụ thể là vào cuối mùa khô, công trình không đủ nước phục vụ cho các hộ dân đã ký hợp đồng sử dụng. Còn vào mùa mưa, do xung quanh khu vực đầu nguồn nước, người dân phá rừng làm nương rẫy nên lượng đất, cát và cả thuốc bảo vệ thực vật chảy xuống khu vực cấp nước của công trình khiến nước đục, nếu không nói là bị ô nhiễm.

Giếng đào của người dân, nước đục, nhiễm phèn  chỉ có thể dùng để tắm giặt.
Giếng đào của người dân, nước đục, nhiễm phèn chỉ có thể dùng để tắm giặt.

Trước nhu cầu bức thiết của người dân về vấn đề nước sinh hoạt, từ nguồn vốn chương trình 134 kéo dài, UBND huyện Krông Bông đầu tư cho các buôn Chóa A, Chóa B, Trok Ăk mỗi buôn 700 triệu đồng để xây dựng công trình cấp nước. Suốt 6 tháng vừa qua, địa phương đã đặt thử 3 mũi khoan đi tìm nguồn nước nhưng không thành công. Sau nhiều nỗ lực tìm kiếm, thăm dò, hiện UBND xã đã tìm được điểm để khoan, xây dựng công trình cấp nước tập trung cho cả 3 buôn trên. Tuy nhiên, theo thiết kế để công trình bảo đảm phục vụ cho cả 3 buôn, tổng kinh phí lên đến 9,3 tỷ đồng, trong khi số vốn của 3 buôn cộng lại mới được 2,1 tỷ đồng. Khoản kinh phí quá lớn nằm ngoài khả năng của xã và càng vượt khả năng vận động đóng góp của người dân ở vùng đất còn nhiều khó khăn này.

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.