Người dân thôn 7, xã Ea Wer khổ vì kênh mương thủy lợi
Năm 2007, huyện Buôn Đôn đã đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương thủy lợi Ea Tul tại địa bàn thôn 7, xã Ea Wer với chiều dài trên 3km, tổng mức đầu tư hơn 6 tỷ đồng. Tuy vậy, công trình tiền tỷ này mới chỉ đáp ứng được nước tưới phục vụ sản xuất, còn việc thoát nước thì không phát huy hiệu quả, chỉ cần một trận mưa lớn trong 1-2 ngày thì người dân nơi đây sẽ phải hứng chịu cảnh ngập úng.
Điển hình như cơn bão số 7 vừa qua, mưa liên tục trong 1 ngày đã làm ngập nước toàn bộ địa bàn thôn 7, nhiều hoa màu, ao nuôi cá của người dân bị hư hại và thất thoát. Nguyên nhân chính là do hệ thống kênh mương này quá hẹp, khi nước lớn đổ về không kịp thoát, đã gây nên tình trạng ngập nước.
Vụ thu hoạch cá của gia đình bà Trần Thị Hiền ở thôn 7 năm nay coi như “xôi hỏng bỏng không” cũng bởi tình trạng này: Đầu tháng 1 bà Hiền đã chi 3 triệu đồng mua cá giống về thả. Đúng vào thời điểm chuẩn bị thu hoạch, thì bị ảnh hưởng ngập nước, hơn 2 tạ cá trong ao của gia đình cuốn trôi theo nước. Nếu quy ra tiền, đợt này bà Hiền mất hơn 6 triệu đồng. Với hộ nghèo như gia đình bà, số tiền này chi phí sinh hoạt cũng được 3-4 tháng.
Gia đình bà Bùi Thị Lập ở cùng thôn cũng thiệt hại không kém. Dù nước đã rút từ lâu, nhưng toàn bộ diện tích ớt của gia đình bà do chịu ảnh hưởng ngập lụt nên đã bị thối rễ, dẫn đến héo rũ, chết dần. Bà Lập cho biết: Gia đình bà sắp đến kỳ trả nợ ngân hàng, thêm vào đó là tiền đầu tư phân, giống đang còn ký nợ đại lý hàng chục triệu đồng… tất cả đều trông chờ vào vụ thu hoạch ớt. Theo bà tính toán, chỉ cần 1 sào ớt đạt năng suất khá là thu được 1 tấn quả, với giá bán 40.000 đồng/kg ớt chín như hiện nay, bà cũng thu ngót nghét 40 triệu đồng. Vậy nhưng mọi dự tính ban đầu của gia đình bà đã thất bại sau đợt ngập lụt vừa rồi…
Được biết, trước đây, khi chưa thực hiện kiên cố hóa, kênh mương thủy lợi Ea Tul có bề rộng 3 mét, dù mưa lớn liên tục vài ngày cũng không bị ngập nước. Còn hiện nay, bề rộng của kênh mương chỉ được 80 phân, nhỏ gần gấp 4 lần so với hiện trạng ban đầu. Đã vậy, hệ thống kênh này chạy qua địa bàn khu dân cư nhưng lại không có nắp đậy, làm cho vật nuôi của người dân như: chó, mèo, gà thường xuyên bị rớt xuống trôi theo dòng nước; thậm chí đã có vài trẻ em chơi đùa sảy chân rớt xuống kênh, rất may chưa có trường hợp đáng tiếc nào xảy ra. Nhưng rõ ràng, đây là thực trạng đáng báo động. Ông Nguyễn Tất Phong, Chủ tịch UBND xã Ea Wer cho biết: Chính quyền xã cũng đã nhiều lần kiến nghị lên huyện và qua một số lần tiếp xúc cử tri, nhưng mãi đến nay, hệ thống kênh mương này vẫn chưa được cải thiện.
Mục đích xây hệ thống kênh mương Ea Tul là để giúp người dân chủ động nguồn nước tưới trong mùa hạn và tiêu úng trong mùa mưa, nhưng thực tế đã không đạt hiệu quả. Trong khi thôn 7 xã Ea Wer hiện vẫn còn 60% hộ nghèo, đa phần phải đi làm thuê, thì việc sản xuất luôn bị thất thoát hằng năm vì nguyên nhân này càng gây khó khăn cho đời sống. Để phát huy hiệu quả công trình thủy lợi, tạo điều kiện thuận lợi, không làm ảnh hưởng đến sản xuất người dân nơi đây thì việc tu sửa, cải tạo hệ thống thủy lợi Ea Tul là vấn đề bức thiết, cần được triển khai sớm.
Trà Thu
Ý kiến bạn đọc