Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 06 của Ban Bí thư: Hệ thống y tế cơ sở ngày càng được củng cố
Nhờ được đầu tư đúng mức cả về nhân lực và vật lực, những năm gần đây, mạng lưới y tế cơ sở đã thực sự khẳng định vai trò của mình trong công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân…
Từ nhiều năm trước, trong hệ thống y tế cơ sở mặc dù trạm y tế xã được xem là nơi gần dân nhất, song nó vẫn không được người dân lựa chọn để tiếp cận đầu tiên mỗi lúc ốm đau bởi sự nghèo nàn về cơ sở vật chất, thiếu thốn nguồn nhân lực có trình độ của mạng lưới này. Vì lẽ ấy, trạm y tế xã chỉ hoạt động cầm chừng rời rạc, không hiệu quả, cán bộ trạm y tế chỉ thực sự “bận rộn” những khi có chiến dịch phòng chống dịch bệnh của Ngành phát động, còn ngày thường thì “ngồi chơi xơi nước”. Để cải thiện tình trạng này, ngay sau khi có Chỉ thị 06 của Ban Bí thư (khóa IX) ngày 22-1-2002 về “Củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở”, tỉnh đã có các văn bản chỉ đạo các ngành chức năng xây dựng kế hoạch cụ thể để cải thiện hệ thống trên tất cả các mặt. Trong quá trình thực hiện, tỉnh đã gặp không ít khó khăn bắt nguồn từ những nguyên nhân rất sâu xa, cụ thể là một tỉnh miền núi địa bàn rộng, đi lại khó khăn, chưa có các chính sách đãi ngộ thỏa đáng nên chưa thu hút được nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn nghiệp vụ về công tác ở vùng sâu, vùng xa…
Bệnh viện Đa khoa Krông Bông đã triển khai được nhiều kỹ thuật mới phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân. |
Hơn thế nữa, mặt bằng dân trí ở địa phương không đồng đều, do đó việc thay đổi nhận thức của người dân cần rất nhiều thời gian. Mặt khác, một số huyện, xã chưa quan tâm thường xuyên và đúng mức đối với hoạt động y tế cơ sở; sự phối hợp của các đoàn thể thiếu đồng bộ nên ảnh hưởng đến hiệu quả công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân… Song, với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy, chính quyền địa phương, sự năng động, sáng tạo trong tham mưu, tổ chức thực hiện của ngành Y tế, mạng lưới y tế cơ sở của tỉnh nhà đã có những đổi thay rõ nét. Đến nay, sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 06, mạng lưới y tế cơ sở được củng cố và từng bước hoàn thiện, công tác khám chữa bệnh đã được triển khai đều khắp ở cả 3 tuyến tỉnh, huyện và xã. Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của các bệnh viện tuyến huyện và trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố được chú trọng với tổng vốn đầu tư trong 10 năm qua lên đến trên 225 tỷ đồng. Hệ thống y tế xã, phường cũng được củng cố với 100% số trạm y tế được xây dựng kiên cố và trang bị đầy đủ trang thiết bị y tế, thuốc thiết yếu cơ bản. Ngoài việc đáp ứng tương đối về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực y tế cho các tuyến cũng được chú trọng đầu tư thông qua các hình thức: gửi bác sĩ đi đào tạo chuyên sâu; đào tạo bác sĩ, dược sĩ đại học theo địa chỉ; đào tạo nâng cao tại chỗ; các bệnh viện cử cán bộ y bác sĩ đi học tập tại các bệnh viện chuyên khoa lớn để nâng cao trình độ, tiếp nhận và triển khai các kỹ thuật mới, hiện đại phục vụ chẩn đoán, điều trị. Nhờ vậy, đến nay toàn tỉnh đã có trên 5.000 cán bộ y tế công tác tại các tuyến, trong đó có gần 1.700 người có trình độ đại học và sau đại học (chiếm trên 26%). Đặc biệt, 100% số xã trong tỉnh đã có cán bộ y tế hoạt động, 93% trạm y tế có bác sĩ, 100% thôn, buôn có nhân viên y tế, luôn bảo đảm phục vụ kịp thời việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân từ tỉnh, huyện, xã đến thôn, buôn. Cùng những kết quả khả quan trong công tác khám chữa bệnh và phục hồi chức năng, những năm gần đây nhờ có sự chuẩn bị tương đối về nhân lực và vật lực, ngành Y tế tỉnh còn thực hiện tốt công tác Y tế dự phòng. Qua việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, đến nay, trên địa bàn, các bệnh dịch như: dịch hạch, bại liệt, uốn ván sơ sinh, phong, bướu cổ... đã được đẩy lùi; dịch sốt rét cũng giảm đáng kể từ hàng trăm trường hợp tử vong/năm thì nay chỉ còn 1-2 trường hợp tử vong/năm. Đồng thời, để đề phòng dịch bệnh một cách toàn diện, thời gian qua, hệ thống y tế cơ sở đã hình thành mạng lưới cán bộ chuyên môn theo dõi việc thực hiện các chương trình y tế dự phòng nên khi có các ca bệnh, dịch xảy ra đều được theo dõi và xử lý kịp thời. Công tác tiêm chủng mở rộng triển khai rộng khắp trở thành một trong những địa phương tiêu biểu về tiêm chủng mở rộng được Bộ Y tế và Chính phủ khen thưởng.
Đánh giá về công tác củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở theo Chỉ thị 06 của Ban Bí thư (Khóa IX) trong 10 năm qua, đồng chí Hoàng Trọng Hải, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cho rằng, trong những năm qua tỉnh tập trung khoảng 20% tổng số chi thường xuyên (1.000 tỷ đồng) cho ngành Y tế để củng cố mạng lưới trên toàn tỉnh, là Ngành có mức chi đứng thứ 2 (sau ngành Giáo dục). Sự quan tâm, tập trung đầu tư cho Y tế của tỉnh trở thành cơ sở vững chắc để ngành Y tế tăng cường đầu tư vật chất, trang thiết bị cho y tế các tuyến, đáp ứng nhu cầu cơ bản về chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Cũng theo nhận định của đồng chí Hoàng Trọng Hải, nếu như trước khi có Chỉ thị 06, hệ thống y tế cơ sở chỉ có chưa đầy 10 bác sĩ, thì đến năm 2004 đã có 77% số trạm y tế trên địa bàn có bác sĩ và hiện nay con số này là trên 93%. Việc triển khai công tác khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại tuyến xã đã góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của tuyến y tế cơ sở và đưa dịch vụ y tế tới gần dân hơn…
Rõ ràng, so với mặt bằng chung của cả nước, hệ thống y tế cơ sở của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Song nhìn lại chặng đường 10 năm qua, hệ thống này đã có những đổi thay rõ nét với những tín hiệu tích cực, đặc biệt là từng bước thực hiện tốt hơn vai trò của mình trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc