Multimedia Đọc Báo in

Gặp người chính trị viên của Đoàn tàu không số năm xưa

13:52, 27/10/2012

Ông Trần Ngọc Tuấn, người cựu chiến binh của Đoàn tàu không số năm xưa, hiện đang sinh sống trong căn nhà nhỏ tại số 9A/1B, phố Đặng Tất (Nha Trang). Vẫn mang dáng dấp của người lính biển năm xưa, với thói quen “ăn sóng, nói gió”, ông say sưa kể về những kỷ niệm một thời oanh liệt trên các con tàu không số, cùng đồng đội vượt biển chở vũ khí, lương thực chi viện cho chiến trường miền Nam ngày ấy...

Sinh năm 1933 ở huyện Quế Sơn (Quảng Nam), tròn 20 tuổi, ông đã tình nguyện vào Vệ quốc đoàn, tham gia chiến đấu chống Pháp ở chiến trường Hạ Lào. Cuối năm 1954, ông tập kết ra Bắc rồi lần lượt được cử đi học các Trường Sĩ quan Lục quân và Trường 45 Hải quân. Từ năm 1963 - 1971, ông thuộc biên chế Đoàn 759 và giữ chức vụ Chính trị viên, Bí thư Chi bộ các tàu không số mang số hiệu 56, 55, 43.

Bác Tuấn cùng  người vợ thủy chung của mình.
Bác Tuấn cùng người vợ thủy chung của mình.

Trong những năm tháng ác liệt, ông đã cùng đồng đội tổ chức 9 chuyến vượt biển vận chuyển vũ khí vào chiến trường miền Nam; trong đó có 4 chuyến đến Cà Mau, 3 chuyến đến Quảng Ngãi, 1 chuyến đến Trà Vinh và 1 chuyến đến Bà Rịa –Vũng Tàu. Trong 9 lần vượt biển thì 2 lần bị địch bủa vây, 2 lần ông chỉ huy đánh bộc phá hủy tàu mà vẫn cùng đồng đội vẫn mưu trí thoát khỏi vòng vây địch. Đặc biệt, ông đã tham gia các chuyến tàu phục vụ 2 chiến dịch lớn không thể nào quên là chiến dịch Bình Giã vào tháng 3-1967 và chiến dịch Mậu Thân tháng 3-1968. Ông cùng đồng đội đã trải qua nhiều thời khắc khi cái chết và sự sống chỉ trong gang tấc. Có những trận đánh mà lực lượng của địch và ta quá chênh lệch nhưng bằng sự mưu trí, dũng cảm các cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu không số đã chiến thắng quân thù có lực lượng mạnh hơn mình gấp nhiều lần.

“Rất nhiều kỷ niệm không thể nào quên trong thời gian sát cánh cùng đồng đội trên Đoàn tàu không số, nhưng một trong các kỷ niệm khó phai là những tháng ngày nằm điều trị vết thương tại bệnh xá của bác sĩ Đặng Thùy Trâm ở Đức Phổ...”, ông vừa nói vừa trao quyển “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” và chỉ đoạn nhật ký bác sĩ Đặng Thùy Trâm viết về ông và các đồng đội: “Vậy là chiều nay các anh lên đường, để lại cho mỗi người một nỗi nhớ mênh mông giữa khu rừng vắng vẻ. Các anh đi rồi nhưng tất cả ở nơi đây còn ghi lại bóng dáng các anh: những con đường đi, những chiếc ghế ngồi chơi xinh đẹp, những câu thơ thắm thiết yêu thương. Nghe anh Tuấn ra lệnh: “tất cả ba lô lên đường!”. Những chiếc ba lô vụng về may bằng những tấm bao Mỹ đã gọn gàng trên vai, mọi người còn nấn ná đứng lại trước mình bắt tay chào mừng một lần cuối...”.

Ông hồi tưởng rồi chậm rãi kể lại: Theo kế hoạch tối ngày 27-2-1968, tàu 43 do Thuyền trưởng Nguyễn Đức Thắng và ông là Chính trị viên, được lệnh chở 37 tấn vũ khí vào Đức Phổ (Quảng Ngãi). Đến 0 giờ 50 phút ngày 1-3-1968 khi tàu còn cách bờ khoảng mười lăm hải lý thì có 4 tàu địch rất lớn, bí mật vây chặn phía sau, đồng loạt bắn pháo sáng rực cả một vùng biển; chỉ huy tàu 43 phát lệnh chiến đấu và tiêu hủy tài liệu. Lúc này Thuyền trưởng đứng trên đài chỉ huy quan sát sẵn sàng phát lệnh nổ súng, còn ông, với vai trò của người Chính trị viên, lao đến từng vị trí kiểm tra và động viên anh em chiến đấu. Đến vị trí nào cũng có thủy thủ tay cầm súng, lựu đạn hoặc thủ pháo giơ cao trước mặt thề “quyết tử”. Sau khi địch bắn pháo sáng được khoảng 15-20 phút, đạn pháo từ 4 chiến hạm phía sau bắn cấp tập vào tàu 43. Khi pháo địch vừa dứt thì lập tức từ mạn phải xuất hiện 10 tàu cao tốc của địch, mỗi đợt 2 chiếc lao vào tấn công. Phía ta bình tĩnh cơ động tàu, bí mật chờ tàu địch vào 200m, rồi 150m thì Thuyền trưởng ra lệnh bắn. Lập tức các loại súng của ta nhả đạn chính xác diệt một tàu địch ngay loạt đạn đầu và bắn bị thương 2 chiếc khác trong đợt tấn công sau. Tiếp theo có 3 máy bay trực thăng HU1A đến bắn súng máy cực nhanh, đạn trút như mưa, chỉ huy ra lệnh súng 12,7 ly bắn trả chính xác khiến 1 chiếc trúng đạn đâm đầu xuống biển, bắn rơi 2 chiếc khác trong đợt tấn công sau của địch. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt trong 3 giờ liền, tàu ta bị trúng đạn nặng, 3 đồng chí hy sinh, nhiều đồng chí bị thương. Tình thế mỗi lúc thêm bất lợi, nếu tiếp tục chiến đấu khi trời sáng, nhất định địch sẽ tăng cường lực lượng vây tàu ta. Nhận định vậy nên cấp ủy và chỉ huy tàu quyết định hủy tàu để không lọt vào tay địch. Khi tiếng nổ ầm ầm vang dậy cả một vùng biển cũng là lúc ông và đồng đội đã bơi 200m vào bờ và nhanh chóng tiến vào núi cao trước mặt. Vào đến chân núi thì địch cho 2 xe tăng đến chặn nhưng ông và các đồng đội đã vượt qua, tiếp tục leo lên được nửa chừng núi thì trời sáng. Nhìn lên đỉnh núi thấy có quân Mỹ lên xe chuẩn bị đi càn, đơn vị của ông phải quay xuống chân núi thì bắt được liên lạc với địa phương, được nhân dân đưa xuống hầm bí mật để tránh cuộc càn quét của 1 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ đóng trên núi Vàng kéo dài liên tục 10 ngày liền. Sau đó ông và các đồng đội được du kích thôn Quy Thiện, xã Phổ Hiệp giúp tìm đường đến lần thứ hai mới vượt qua được ấp chiến lược, vượt qua được cửa tử là con đường số I để lên Phổ Cường và đến bệnh xá của bác sĩ Đặng Thùy Trâm chữa trị vết thương hơn 1 tháng. Rồi từ đây đơn vị tiếp tục hành quân bộ vượt Trường Sơn ra Bắc lần thứ 2.

“Mình sống được là nhờ bác sĩ Đặng Thùy Trâm ở bệnh xá dân y Đức Phổ cũng như người dân thôn Quy Thiện. Trong lần dưỡng thương, chữa trị tại bệnh xá, trong giây phút chia tay trước khi vượt Trường Sơn trở lại đơn vị hôm 10-4-1968, mình có nói: “Chúc Trâm ở lại mạnh giỏi, hẹn gặp lại trong ngày hội thống nhất Trâm nhé”. Thùy Trâm nắm chặt tay mình nói, mắt đẫm lệ: “Thôi! Các anh đi mạnh giỏi, bình yên, hẹn một ngày gặp lại trên miền Bắc thân yêu”. Lúc đó, Thùy Trâm bật khóc khiến mình và đồng đội không kìm được lòng…Và không ngờ lần chia tay ấy, vĩnh viễn chẳng bao giờ được gặp lại Thùy Trâm bằng xương, bằng thịt nữa!...”, ông kể lại kỷ niệm trong sự bồi hồi, xúc động.

Năm 1968, sau khi ra Bắc điều trị vết thương, rồi do điều kiện sức khỏe đến năm 1971 ông chuyển ngành làm cán bộ tổ chức ở Trường Đại học Thủy sản cho đến khi về hưu. Ở khu phố ông tham gia Hội Cựu chiến binh và tích cực vận động con cháu  lên đường  nhập ngũ; đặc biệt, người con trai duy nhất của ông cũng đã xung phong nhập ngũ, nối tiếp truyền thống gia đình. Bằng tấm gương mẫu mực của mình, ông luôn vận động, thuyết phục thanh niên hư hỏng tiến bộ; thỉnh thoảng ông lại đi thăm hỏi, gặp gỡ những đồng đội ở Đoàn tàu không số năm xưa…

Chia tay người chính trị viên của Đoàn tàu không số với biết bao cảm xúc. Những câu chuyện kể về chiến công của ông cùng các đồng đội khi tham gia đường Hồ Chí Minh trên biển năm xưa như những huyền thoại bất tử, mãi được Tổ quốc ghi công và niềm tự hào của các thế hệ.

Nguyễn Thanh Điệp


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.