“Vượt rào” !
Việc UBND tỉnh khuyến khích và tạo điều kiện cho các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tự chủ tổ chức phương án sản xuất-kinh doanh để tạo công ăn, việc làm cho người lao động, gắn kết với trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng… được xem là chủ trương kịp thời, đúng đắn và đáng hoan nghênh! Theo đó, đã có nhiều công ty lâm nghiệp như M’Drak, Krông Bông, Lak, Ea Kar, Ea Wy… tự tin hội nhập, tìm kiếm đối tác làm ăn chính đáng thông qua các mô hình kinh tế đa dạng, năng động như liên kết với người dân trồng rừng nguyên liệu, chăn nuôi gia súc dưới tán rừng, đầu tư mở rộng vườn ươm cây giống, quản lý và bảo vệ rừng kết hợp với hoạt động du lịch sinh thái…đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người lao động tại đơn vị cũng như người dân địa phương. Từ đó, họ càng gắn bó và có trách nhiệm hơn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Tuy nhiên, vẫn còn không ít công ty lâm nghiệp vận dụng sai chủ trương trên của tỉnh như các công ty: Cư M’lanh, Ya Lốp, Rừng Xanh, Ea H’mơ, Thuần Mẫn và Ea H’leo, đã tự ý liên doanh, liên kết với nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để trồng rừng, cao su nhằm thu tiền (dưới hình thức ký quỹ dự án) để chi tiêu sai nguyên tắc hàng tỷ đồng. Đơn cử như Công ty lâm nghiệp Cư M’lanh đã vay, hay nói chính xác hơn đã thu của Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa và Tấn Nghiệp 1,2 tỷ đồng để trả lương, trả bảo hiểm xã hội cho cán bộ, công nhân viên trong đơn vị mà không cần xin phép ai. Tương tự, Công ty Lâm nghiệp Ya Lốp, Rừng Xanh, Thuần Mẫn, Ea H’leo cũng đã thu của các doanh nghiệp nêu trên hơn 3 tỷ đồng để giải quyết vấn đề tài chính đang gặp rất nhiều khó khăn của mình. Rõ ràng việc làm trên là đã “vượt rào” quy định về chủ trương đầu tư của UBND tỉnh trong lĩnh vực lâm nghiệp. Sự việc đã sớm được phát hiện và bị cơ quan có thẩm quyền “tuýt còi” buộc những đơn vị lâm nghiệp này phải hủy bỏ hợp đồng liên doanh, liên kết và hoàn trả lại số tiền mà họ đã thu của doanh nghiệp trước đó.
Có thể nói, đây là bài học về sự sai lệch trong vấn đề vận dụng chủ trương, chính sách đầu tư và phát triển lâm nghiệp của tỉnh, cần phải được chấn chỉnh để tránh tình trạng đất, rừng ở Dak Lak tiếp tục bị băm nát bởi những dự án không khả thi và không nằm trong quy hoạch của chính quyền sở tại.
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc