Multimedia Đọc Báo in

Chàng thanh niên thổi “hồn” vào cội rễ

08:19, 19/11/2012

Gắn bó với cái đục, cái chàng, say sưa với những gốc cây để sáng tạo ra những tác phẩm tuyệt đẹp và luôn trăn trở về sự phát triển của nghề chạm khắc... đó là anh Hoàng Văn Hiệp ở buôn Gha Mah, xã Ea Yông (huyện Krông Pak).

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề chạm khắc gỗ ở Ý Yên (tỉnh Nam Định) - một nơi nổi tiếng với nghề đúc đồng, chạm khắc gỗ, ngay từ thuở nhỏ Hoàng Văn Hiệp đã đam mê với từng thớ gỗ, muốn tự tay chạm trổ lên đó những ý tưởng của riêng mình. Năm 17 tuổi, chưa bằng lòng với những kinh nghiệm gia truyền, anh cất công đến làng cổ Đông Giao, xã Cẩm Giàng (tỉnh Hải Dương) học nghề chạm khắc. Lúc đầu theo học, anh được thầy dạy hướng dẫn những việc đơn giản, từ việc cầm giũa, mài cưa đến những việc dùng giấy nhám chà những phần phụ của bức tượng; mất hơn hai năm với bao mồ hôi, vất vả anh đã nắm bắt được những phần cơ bản của nghề điêu khắc.

Sau thời gian học hỏi ở quê nhà, năm 1992, anh theo gia đình vào Dak Lak lập nghiệp. Phát huy vốn kinh nghiệm sẵn có, anh đã cùng gia đình mở cơ sở sản xuất đồ mỹ nghệ, sản phẩm chủ yếu là các đồ thờ như: trang thờ, nghi môn, hoành phi, câu đối… đặc biệt là các sản phẩm được chạm khắc từ gỗ lũa. Anh Hiệp chia sẻ: Cái khó khi chạm khắc gỗ là người thực hiện phải biết tư duy, tưởng tượng trước khi cầm đục, cầm dùi, thể hiện trên một khúc gỗ để làm sao cho chuẩn dáng tượng và phù hợp với hình dáng, đường vân của từng thớ gỗ. Hơn nữa còn phải khéo léo, cẩn trọng để tạo nên bức tượng có sức sống, sinh động, có tính cách, có hồn. Từ khúc gỗ vô tri vô giác, làm sao thổi “hồn” vào, biến chúng thành những bức tượng sống động không phải là điều đơn giản. Theo kinh nghiệm của anh, trong chạm khắc, khó nhất vẫn là khắc đôi mắt bởi đôi mắt là linh hồn của bức tượng. Một bí quyết riêng để tạo ra những bức tượng độc đáo là anh thường hình dung ra hình dáng của tác phẩm rồi dùng đất nặn thành tượng sau đó mới chế tác trên gỗ; và đó cũng là những hình mẫu để các học viên của anh thực hành. Ngoài ra anh còn chịu khó tìm hiểu qua sách báo, Internet để tham khảo, học hỏi kỹ thuật chạm khắc cũng như các ý tưởng mới lạ để tạo ra các sản phẩm độc đáo, phù hợp thị hiếu của khách hàng.

Các sản phẩm do anh tạc ra được người dân ưa chuộng với những tượng chim công đang múa, tượng song mã, tượng tam đa, tượng Phật Di Lặc với đủ các tư thế…; trong đó có bức tượng Phật Di Lặc tạc bằng gỗ hương trị giá 50 triệu đồng. Hiện cơ sở của anh đã tạo công ăn việc làm ổn định cho bốn lao động với thu nhập mỗi thợ được 2-3 triệu đồng/tháng.

Đoàn Tiến Dũng


Ý kiến bạn đọc