Sẽ có chính sách bảo tồn voi
UBND tỉnh vừa xây dựng xong một số chính sách bảo tồn voi trên địa bàn và dự kiến sẽ trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua trong kỳ họp HĐND sắp tới. Nhiều người đánh giá đây là động thái tích cực nhằm ngăn chặn nguy cơ tuyệt chủng đàn voi (cả voi rừng lẫn voi nhà) trên địa bàn tỉnh.
Số lượng voi sụt giảm nhanh chóng
Dak Lak từng được xem là địa phương có số lượng voi nhiều nhất trên cả nước, đồng thời cũng là địa phương có truyền thống săn bắt, thuần dưỡng voi hoang dã thành voi nhà từ lâu đời. Trong thực tế, voi đã gắn bó lâu đời với đời sống và có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong nhiều lễ hội của cộng đồng các dân tộc thiểu số trong tỉnh. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân khác nhau, số lượng voi ở Dak Lak đã và đang suy giảm nhanh chóng. Những năm 1980, đàn voi hoang dã của Dak Lak có trên 550 con thì hiện nay chỉ còn khoảng 80-110 con. Chỉ tính từ năm 2009 đến nay đã có 14 voi rừng chết do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có trường hợp bị chết do kẻ xấu săn trộm lấy ngà. Tương tự, số lượng voi nhà cũng sụt giảm nghiêm trọng, từ con số khoảng 502 con (năm 1980) giờ chỉ còn hơn 50 con, tập trung ở huyện Buôn Đôn và Lak. Số voi nhà này hiện đang được các công ty du lịch quản lý (16 con) và hộ gia đình người dân tộc thiểu số nuôi dưỡng, sử dụng (35 con).
Buộc phải làm việc quá sức là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến tuổi thọ, sức khỏe sinh sản của voi. |
Có thể khẳng định rằng, nguyên nhân chính gây ra tình trạng suy giảm đàn voi là do con người gây ra. Cụ thể, đối với voi rừng, môi trường sống của chúng ngày càng bị thu hẹp do nạn phá rừng, trong khi đó chúng ta chưa có quy hoạch xây dựng, bảo tồn sinh cảnh cho voi; chưa có đầy đủ cơ sở dữ liệu về voi hoang dã, khu phân bố, vùng di chuyển để quản lý bảo tồn voi; chưa có hợp tác quốc tế để học tập kinh nghiệm cũng như ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến trên thế giới để giám sát quần thể voi, tránh xung đột giữa voi và người; cán bộ quản lý, kỹ thuật còn thiếu kiến thức về quản lý bảo tồn voi… Đối với đàn voi nhà, việc chăm sóc sức khỏe cho chúng chủ yếu là theo kinh nghiệm truyền thống của chủ voi, mà chưa có hệ thống chăm sóc y tế chuyên nghiệp nên thông thường, khi voi mắc bệnh, chủ voi thường thả chúng vào rừng để chúng tự tìm ăn cây thuốc chữa bệnh. Thế nhưng, diện tích rừng tự nhiên ngày càng bị thu hẹp và ở xa vùng nuôi voi nhà khiến chế độ ăn, dưỡng bệnh của chúng không bảo đảm. Voi nhà còn thường xuyên phải làm nhiệm vụ chở khách tham quan du lịch quá sức khiến tuổi thọ, khả năng sinh sản giảm đáng kể. Một nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng đến việc sinh sản của voi nhà nữa đó là do mô hình quản lý độc lập theo tổ chức, hộ gia đình nên voi nhà không, hoặc ít có cơ hội “gặp gỡ” nhau. Nhiều chủ voi cho biết: trong số hơn 50 voi nhà hiện còn trên địa bàn tỉnh thì có khoảng 42 con trong độ tuổi sinh sản (từ 15 đến 45), số còn lại trên 45 tuổi. Đây là một trong những lợi thế quan trọng cần nhanh chóng có biện pháp khai thác để voi sinh sản. Càng để lâu, số voi già ngày càng tăng, khi ấy có bỏ tiền tỷ cũng không thể nhân đàn được.
“Bơm tiền” cứu voi
Nhằm bảo tồn đàn voi, UBND tỉnh đã xây dựng một số chính sách, như: đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực làm nhiệm vụ bảo tồn voi; quy hoạch đất đai tạo nơi chăn thả voi nhà; chăm sóc sức khỏe, bảo tồn và phát triển đàn, hỗ trợ voi nhà sinh sản; bảo tồn sinh cảnh nơi cư trú, sinh sống của voi hoang dã; hạn chế xung đột voi-người. Nguồn kinh phí thực hiện chính sách bảo tồn voi được lấy từ ngân sách Trung ương bố trí trong kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 và từ ngân sách hàng năm của tỉnh, vốn của các tổ chức Quốc tế và các nguồn hợp pháp khác
Riêng đối với việc chăm sóc sức khỏe đàn voi nhà, mỗi năm, cơ quan chuyên môn tổ chức khám, chữa bệnh định kỳ cho voi một lần; chủ voi được Nhà nước hỗ trợ 100% tiền công khám và thuốc điều trị bệnh cho voi. Trong trường hợp cơ quan chuyên môn phát hiện hoặc dự báo có thể xảy ra dịch bệnh đối với voi và có tổ chức khám, cấp thuốc phòng bệnh thì chủ voi cũng được Nhà nước hỗ trợ 100% tiền công khám và thuốc phòng bệnh cho voi. Riêng trường hợp khám bệnh đột xuất cho voi theo đề nghị của chủ voi thì Nhà nước hỗ trợ 100% tiền công khám và 50% chi phí tiền thuốc. Về chính sách hỗ trợ voi sinh sản, khi chủ voi tự nguyện đưa voi vào khu chăn thả để giao phối sinh sản thì được hỗ trợ một khoản kinh phí trong thời gian voi giao phối, sinh sản và nuôi con. Cụ thể, mức hỗ trợ cho chủ voi cái, gồm: Thời gian voi động dục, giao phối hỗ trợ 30 ngày/một chu kỳ động dục với mức hỗ trợ là 500.000 đồng/ngày; thời gian voi mang thai, sinh sản và nuôi con hỗ trợ 28 tháng: 10 tháng đầu hỗ trợ 300.000 đồng/ngày, các tháng còn lại hỗ trợ 600.000 đồng/ngày. Đối với chủ voi đực, thời gian voi động dục, giao phối, hỗ trợ 30 ngày/một chu kỳ với mức hỗ trợ 600.000 đồng/ngày. Riêng các nài voi cũng được hỗ trợ chi phí chăm sóc trong thời gian voi động dục, giao phối, sinh sản, nuôi con với mức 200.000 đồng/ngày, thời gian hỗ trợ 28 tháng (đối với nài voi cái) và 30 ngày (đối với nài voi đực). Để được hưởng các chính sách này, chủ voi phải cam kết bằng văn bản với cơ quan bảo tồn voi của tỉnh về việc tự nguyện tham gia chính sách bảo tồn voi; trong thời gian voi mang thai phải tăng cường chế độ ăn uống, hạn chế làm việc cho voi, và voi phải được nghỉ ngơi hoàn toàn khi đã mang thai từ tháng thứ 11 đến tháng thứ 6 sau khi sinh; có ý kiến xác nhận của cơ quan bảo tồn voi tỉnh Dak Lak về việc đưa voi vào khu chăn thả để giao phối, mang thai và sinh con. Theo một số nài voi, một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của voi nhà là do chúng phải làm du lịch để “kiếm tiền” cho chủ nên ít “gặp nhau” trong môi trường rừng-môi trường quan trọng trong việc giao phối của loài voi. Chính vì thế, việc Nhà nước hỗ trợ kinh phí trong suốt thời gian từ giao phối đến mang thai, sinh sản và nuôi con như trên chắc chắn sẽ nhận được sự đồng tình của đông đảo chủ voi. Bởi lẽ, khi tham gia thực hiện chính sách này, chủ voi được hưởng nhiều cái lợi, đó là được sở hữu voi con sinh ra; giảm bớt được áp lực làm việc của voi nhưng vẫn bảo đảm thu nhập…
Lê Ngọc
Ý kiến bạn đọc