Multimedia Đọc Báo in

Người “dệt” giấc mơ hoàn lương cho những phận đời lầm lỗi

19:51, 01/12/2012

Là “lính trẻ” của Trại giam Dak Tân (thuộc Tổng cục VIII, Bộ Công an, đứng chân trên địa bàn thôn 1 xã Ea Pin, huyện M’Drak) nên thời gian đầu Thiếu úy Nguyễn Thị Hiền, cán bộ Giáo dục và Cải tạo phạm nhân khá lúng túng trong việc khơi dậy "mầm thiện" dệt ước mơ hoàn lương cho những người lầm lạc. Bởi đa số phạm nhân luôn mặc cảm tự ti, lẩn tránh, im lặng và không muốn ai chạm tới quá khứ trước đây. Song được sự động viên, giúp đỡ của Ban Giám thị, đồng đội, sự chia sẻ của bố, Hiền dần tự tin, xử lý tốt các tình huống và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Thiếu úy Nguyễn Thị Hiền, người
Thiếu úy Nguyễn Thị Hiền, người "dệt" giấc mơ hoàn lương cho những phạm nhân tại Trại giam Dak Tân.

Thiếu úy Nguyễn Thị Hiền sinh năm 1988, trong một gia đình có truyền thống làm công an, ngay từ nhỏ Hiền đã được học những đức tính của bố, một quản giáo có trách nhiệm, tận tâm với công việc. Chính ông đã dạy cho Hiền lòng yêu thương con người, sự chia sẻ và đồng cảm với những người đã từng sa ngã. Vì vậy ngay khi tốt nghiệp Khoa Sư phạm, Trường Đại học Đà Lạt năm 2010, đúng lúc Trại giam Dak Tân đang tuyển cán bộ làm công tác Giáo dục và Cải tạo phạm nhân, Hiền đã nộp hồ sơ đăng ký và trúng tuyển. Hiền chia sẻ: “Muốn cảm hóa được những người lầm lỡ, ngoài nghiệp vụ, người quản giáo cần phải có tấm lòng nhân hậu, đồng cảm, sẻ chia. Bởi dù họ đã từng gây ra tội ác gì đi nữa thì bên trong con người họ cũng có những buồn vui, thương nhớ và ước mong về cuộc sống đời thường. Nên trách nhiệm của những người quản giáo như tôi là giúp đỡ họ làm lại cuộc đời, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội”. Theo Hiền, để cải tạo, giáo dục một phạm nhân, điều quan trọng nhất là người quản giáo phải nhẫn nại, kiên trì; phải nắm bắt được tâm lý và những góc khuất trong cuộc đời họ; phải sẵn sàng chịu đựng khi họ chửi, phải đeo bám để tác động họ thay đổi dù là thay đổi rất nhỏ. Nếu không cảm hóa, giáo dục họ tìm về con đường hoàn lương thực sự thì khi ra trại họ sẽ lặp  lại con đường cũ, khi ấy bao công sức của cá nhân, tập thể xem như uổng phí. Chính vì thế, trước khi gặp một phạm nhân mới, cô đều nghiên cứu rất kỹ hồ sơ về hoàn cảnh gia đình và quá trình phạm tội của họ. Song nguyên tắc đầu tiên của người cán bộ trại giam là phải tuân thủ mọi quy định của pháp luật, nhưng đồng thời cũng phải biết khéo léo khơi dậy tình người. Đó chính là tâm niệm của Hiền trong cách cư xử với phạm nhân.

Trại giam Dak Tân hiện giam giữ, quản lý trên 1.500 phạm nhân nam, không có nữ trong đó có gần 65% là phạm nhân trong độ tuổi thanh niên phạm các án như: giết người, trộm cắp, cướp giật, ma túy, kinh tế… mỗi đối tượng đều có những suy nghĩ, tính toán riêng, ngoài ra nhận thức pháp luật, xã hội không đồng đều nên việc giáo dục, cải tạo họ phải áp dụng những biện pháp khác nhau mới đạt hiệu quả. Công tác trong ngành trại giam, với cán bộ, chiến sĩ quản giáo nam đã vất vả, nhưng với quản giáo nữ thì sự vất vả còn lớn hơn rất nhiều, bởi trong môi trường trại giam, từ công việc, cuộc sống đến điều kiện sinh hoạt đều khó khăn hơn so với các ngành nghề khác. Hiền kể, vừa rồi Trại giam mới tiếp nhận phạm nhân Nguyễn Thành Ở, quê Vĩnh Long, bị Tòa tuyên án 22 năm tù giam vì tội giết người. Lúc mới vào trại, phạm nhân này sống rất khép mình, không chịu nói chuyện với ai. Sau khi nghiên cứu hồ sơ, dành thời gian trò chuyện với phạm nhân, anh này mới giải bày tâm sự. Hiền được biết người anh ta giết là cô gái cùng quê lên Dak Lak làm nhân viên Massage trong một khách sạn. Vượt hàng trăm km từ Vĩnh Long lên thăm người tình nhưng đáp lại thiện chí của anh là sự thờ ơ của cô gái, nên giữa 2 người đã xảy ra cãi lộn, nghĩ mình bị phản bội, không giữ được bình tĩnh Ở đã ra tay sát hại người tình. Khi được cán bộ quản giáo quan tâm, chia sẻ, giải tỏa nỗi lòng, Ở khóc nức nở như một đứa trẻ và hứa sẽ cố gắng cải tạo tốt để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật, sớm ra trại về làm lại cuộc đời. Với Hiền được tiếp xúc với các phạm nhân, tìm hiểu về cuộc đời, chia sẻ với họ những khó khăn mất mát và động viên họ học tập cải tạo tốt để hoàn lương là một công việc hạnh phúc và mỗi giờ lên lớp Hiền thích nhất là được phạm nhân gọi bằng cái tên trìu mến “cô giáo Hiền”.

Trung tá Nguyễn Duy Cừ, Đội trưởng Giáo dục hồ sơ Trại giam Dak Tân cho biết: "Thiếu úy Nguyễn Thị Hiền là một cán bộ gương mẫu, luôn tìm tòi, học hỏi, nâng cao trình độ nghiệp vụ, tự trau dồi phẩm chất đạo đức, tích lũy kinh nghiệm, được đồng nghiệp tin yêu và phạm nhân quý mến gọi là người “gieo mầm” giấc mơ hoàn lương”.

Tuấn Anh


Ý kiến bạn đọc