Multimedia Đọc Báo in

Người Phó Chính ủy mê nước Nga

08:06, 27/11/2012

Gặp Đại tá Trịnh Văn Tâm, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh trong những ngày cả nước đang hướng đến kỷ niệm 95 năm Cách  mạng tháng Mười Nga, tôi không nghĩ rằng con người nhìn bề ngoài thâm trầm lại có một trái tim đa cảm, nồng nàn khi nói về nước Nga, đặc biệt là văn hóa Nga.

Đại tá  Trịnh Văn Tâm  đang  chép lại một  bài hát  Nga.
Đại tá Trịnh Văn Tâm đang chép lại một bài hát Nga.

“Hãy để anh trở thành niềm hy vọng; thành làn sóng xanh xô mạnh trong biển cả lòng em; thành bản nhạc với lời ca dịu ngọt. Hay vì sao của lòng em lấp lánh trong đêm…” -  lời ca trong một bộ phim nổi tiếng của Nga những năm 80 “Em là bài ca của anh” với gần 30 câu được anh chép một mạch. Những dòng chữ hối hả, những ca từ tưởng chừng đã bị lãng quên trong khoảng thời gian gần 30 năm, giờ đây đang hiển hiện, tươi rói. Hỏi vì sao anh thích bài hát này và nhớ đến vậy, Đại tá Trịnh Văn Tâm cười và cho biết: “Nó có nguồn gốc đấy. Từ thời mình còn trai trẻ”.

Năm 1977, Trịnh Văn Tâm thi đỗ vào Học viện Kỹ thuật Quân sự, nhưng do yêu cầu của tổ chức, anh cùng một số học viên được gửi sang Đại học Sư phạm 1 Hà Nội. Vốn yêu văn học Nga (dù phổ thông anh học tiếng Pháp), mê thơ Blok, Êxênhin, Puskin, Lecmôntôp, Onga Becgon và các văn hào Nga: Tônxtôi, Sôlôkhôp, Đôstôiepski… nên vào trường đại học, anh lại càng có điều kiện đọc những cuốn sách, bài thơ mà mình yêu thích. Vốn tiếng Nga được học không chỉ để sử dụng đọc tài liệu các sách chuyên ngành Vật lý mà còn để chép những bài thơ Nga, hát những bài hát Nga nguyên gốc. Có bài là do các thầy cô ở trường dạy, có bài là nhờ người bạn là giáo viên tiếng Nga của Trường Đại học Tài chính dạy cho, nhưng chủ yếu vẫn là nghe qua rađio rồi tự học, hát theo. “Chiều hải cảng”, “Sông Vôn-ga”, “Lời khuyên tình yêu”, “Đôi bờ”… những bài hát nổi tiếng với những giai điệu du dương, xao xuyến luôn ngân lên trong anh mọi lúc, mọi nơi, nhất là những khi cả nước hân hoan kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga. Lúc ở Hà Nội dạy môn Vật lý ở Trường Đảng - Văn hóa Quân đoàn 3, anh gặp một giáo viên tên Tuân mới học ở Nga về. Khi hỏi về bài hát trong bộ phim “Em là bài ca của anh” mà anh rất thích nhưng chỉ nhớ được một hai câu, anh Tuân đã chép cho anh bằng tiếng Nga và tiếng Việt cả bài hát. Giờ đây, hàng chục bài thơ, bài hát Nga vẫn được anh nhớ rõ từng lời thơ, từng ca từ, dù việc binh nghiệp ở Bộ Chỉ huy Quân sự luôn bận rộn.

Anh Tâm cũng cho biết thêm, kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga năm 2011, anh được người bạn tặng cuốn “Bông hồng vàng” của Paustovsky, đúng thời điểm cả Bộ Chỉ huy đang chuẩn bị diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh. Đêm ấy, sau khi hoàn thành công việc, trong lán bạt thao trường thực binh huyện Buôn Đôn, dưới ánh sáng yếu ớt của bóng điện dã chiến, anh đã đọc Paustovsky say mê, dù trước đây đã đọc một lần lúc còn là sinh viên. Người Đại tá, Phó Chính ủy này cho rằng, anh yêu văn hóa Nga có lẽ xuất phát từ tình yêu nước Nga. Nước Nga kiêu hãnh với cuộc Cách mạng Tháng Muời, với cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, với sự thủy chung, nghĩa tình với nhân dân Việt Nam đã lắng đọng sâu nặng ở thế hệ các anh. Văn hóa Nga tạo cho anh niềm tin vào lẽ phải, tình yêu cuộc sống, tính thân thiện, vị tha, ý chí quyết tâm vươn lên trong mọi hoàn cảnh.

Hồng Vân


Ý kiến bạn đọc