Multimedia Đọc Báo in

Phòng, chống sốt rét tại các xã biên giới: Vẫn còn nhiều khó khăn

15:44, 14/12/2012

Các xã Krông Na (huyện Buôn Đôn), Ea Bung, Ia R’vê, Ya Lốp (huyện Ea Súp) là 4 xã biên giới nằm trong vùng sốt rét lưu hành nặng. Những năm qua, mặc dù các huyện Buôn Đôn, Ea Súp đã tăng cường các hoạt động phòng chống sốt rét nhưng hiệu quả phòng bệnh vẫn chưa cao.

Cần có chế độ ưu đãi cho cán bộ y tế thôn buôn trong tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về phòng chống sốt rét.
Cần có chế độ ưu đãi cho cán bộ y tế thôn buôn trong tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về phòng chống sốt rét.

Tại huyện Buôn Đôn năm 2010 có 187 bệnh nhân sốt rét, trong đó có 1 bệnh nhân bị sốt rét ác tính; năm 2011, có 264 người bị sốt rét, trong đó có 1 ca bị sốt rét ác tính và 1 trường hợp tử vong; trong 10 tháng đầu năm 2012, toàn huyện có 193 trường hợp bị sốt rét. Tại huyện Ea Súp, năm 2010 có 227 bệnh nhân sốt rét, trong đó có 3 trường hợp bị sốt rét ác tính; năm 2011 có 208 người mắc sốt rét, trong đó có 1 người bị sốt rét ác tính và 1 trường hợp tử vong; riêng 10 tháng đầu năm 2012 có 245 trường hợp sốt rét, trong đó có 2 bệnh nhân sốt rét ác tính.

Nguyên nhân của thực trạng này chủ yếu là do tại các xã biên giới dân di cư biến động từ vùng nguy cơ sốt rét quay trở lại, hoặc từ vùng sốt rét nhẹ chuyển sang vùng sốt rét lưu hành nặng; điều này gây khó khăn cho ngành Y tế trong việc quản lý các đối tượng, làm tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch sốt rét. Phần lớn người dân có tập quán đi rừng, ngủ rẫy, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới chưa biết tự bảo vệ bản thân trước bệnh sốt rét bằng các biện pháp như: tẩm màn, nằm màn, một số trường hợp khi mắc bệnh không đến cơ sở y tế mà tự điều trị bệnh… Bên cạnh đó, mạng lưới y tế cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu phòng chống sốt rét; đội ngũ cộng tác viên y tế thôn, buôn chưa được trang bị đầy đủ các kiến thức, kỹ năng tuyên truyền về bệnh sốt rét và kinh phí cho hoạt động phòng chống sốt rét tại tuyến cơ sở còn hạn hẹp… cũng là những khó khăn không nhỏ trong công tác phòng, chống bệnh sốt rét tại các xã biên giới trên địa bàn tỉnh.

Bác sĩ chuyên khoa I Lê Thị Châu, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ea Súp cho biết: Ea Súp là huyện có địa bàn rộng, đông dân di cư, đời sống của người dân tại địa phương còn nhiều thiếu thốn; đặc biệt tại các xã biên giới Ia R’vê, Ya Lốp tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 60%, đội ngũ cộng tác viên y tế chưa được đào tạo… nên công tác phòng chống sốt rét tại đây còn gặp nhiều khó khăn. Do vậy, để công tác phòng chống sốt rét tại Ea Súp nói chung và các xã biên giới như: Ea Bung, Ia R’vê và Ya Lốp đạt hiệu quả, rất cần sự phối hợp của quân - dân - y trong việc tuyên truyền, khám chữa bệnh…; cũng như sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, ngành đào tạo nguồn nhân lực y tế, hỗ trợ kinh phí, đầu tư trang thiết bị phục vụ cho hoạt động phòng, chống sốt rét tại các xã biên giới.

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Võ Minh Hùng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Buôn Đôn, bên cạnh việc tăng cường quản lý, phát hiện và kiểm soát tốt nguồn bệnh tại cửa khẩu biên giới, cần củng cố mạng lưới y tế tuyến xã, có chế độ ưu đãi cho cán bộ y tế thôn buôn; đặc biệt là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phòng chống sốt rét cho người dân, nhất là các đối tượng đi rừng, ngủ rẫy, khai thác gỗ để nâng cao nhận thức và thực hành phòng bệnh đạt hiệu quả cao, từ đó từng bước loại trừ bệnh sốt rét trong cộng đồng.

Hương Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.