Multimedia Đọc Báo in

Con đường hoa xuân Buôn Ma Thuột - tại sao không?

05:49, 14/12/2012

Chợ hoa Buôn Ma Thuột có lẽ là một trong những điểm đem lại không khí xuân tươi trẻ, vui nhộn và sớm nhất ở phố núi cao nguyên này. Tiếc rằng, xuân ở chợ hoa Tết đến sớm mà cũng kết thúc sớm khi chỉ tới đêm giao thừa là hết...

Sắc xuân đến sớm

Đã trở thành thông lệ và được coi là phiên chợ hoa duy nhất, quy mô nhất mỗi năm, chợ hoa Tết thường rục rịch trước Tết cỡ một tuần, trong đó cao điểm nhất là các ngày 28, 29 và 30 tháng Chạp. Người làm hoa Tết được ví như những sứ giả đầu tiên đánh thức mùa xuân. Khi những chậu hoa Tết được xuất vườn đem ra chợ hoa, không khí xuân xôn xao trên mỗi ngã đường và trong lòng người. Quảng trường thành phố, dọc theo các con đường Trường Chinh, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Đình Chiểu rực rỡ sắc màu của hoa, nhộn nhịp từng đoàn người đến tham quan và thỏa sức lựa chọn cho gia đình mình những bình hoa, chậu hoa ưng ý nhất để trưng bày trong những ngày xuân. Ngoài các loài hoa được sản xuất trong tỉnh, từ lâu, chợ hoa Tết  Buôn Ma Thuột đã quen thuộc với sự góp mặt của các tiểu thương, nhà vườn đến từ Bình Định, Khánh Hòa, Bình Dương, Phú Yên, Đà Lạt...

TP. Buôn Ma Thuột đẹp hơn với những con đường ngập sắc hoa xuân.
TP. Buôn Ma Thuột đẹp hơn với những con đường ngập sắc hoa xuân.

Mỗi năm thêm những nét mới, đáp ứng nhu cầu thưởng thức, chơi xuân, chợ hoa Tết ngày càng nhiều hương sắc với đủ các loài hoa, độc đáo của thế cây... Trong đa dạng sắc màu, phong phú chủng loại, những loài hoa không thể thiếu và phổ biến nhất trong những phiên chợ hoa xuân là: cúc, hồng, mai, quất, đào. Dù cuộc sống vẫn còn bao lo toan vướng bận mưu sinh nhưng chơi hoa ngày Tết vẫn trở thành thú vui xuân của hầu hết các gia đình ở phố núi. Cũng bởi vậy mà trong tất bật công việc sửa soạn đón năm mới, đi chợ hoa và mua cây cảnh là việc đầu tiên, không thể không thực hiện, đến mức những tưởng mua được hoa Tết là đã chở cả mùa xuân về nhà...

Du xuân với đường hoa

Chợ hoa xuân cũng là một trong những thú vui được đón đợi nhất mỗi dịp Tết đến. Tiếc rằng, xuân ở đây đến sớm mà cũng kết thúc sớm khi chỉ tới đêm giao thừa là hết. Với “thượng đế”, dù rằng đến cuối ngày 30 Tết là trong mỗi gia đình đã hoàn tất công việc chọn mua hoa, cây cảnh để chào năm mới nhưng vẫn tiếc vì ít ra đó cũng là điểm chơi xuân không biết chán trước vẻ đẹp riêng có của mỗi loài hoa. Càng tiếc hơn khi ba ngày Tết, những điểm du xuân công cộng ở Buôn Ma Thuột quá ít. Và “thượng đế” lại ước: ước gì chợ hoa xuân kéo dài suốt những ngày Tết để kỳ nghỉ đặc biệt này trong năm thêm thư thái khi được dạo bước trên những con đường hoa xuân.

Còn với chủ nhân của những gian hàng hoa, nhất là hoa tươi, hoa bán hết thì chẳng nói làm gì, cơ cực nhất là cảnh “hoa cười người héo” khi không tiêu thụ hết. Để có được một vụ hoa đón Tết, đơn cử chỉ tính riêng với hoa cúc, từ khi ươm trồng đến cắm chậu, ra hoa bán cũng ngót nghét nửa năm với bao khoản chi phí: tiền chậu, phân bón, tiền que cắm, nước tưới, thuốc trừ bệnh, nhân công chăm sóc... Đó là chưa kể tiền công vận chuyển mỗi chuyến ra chợ hoa ngay trên địa bàn thành phố cũng hết hơn trăm ngàn, rồi tiền thuê mặt bằng để bán. Ngặt nữa là ngoại trừ hoa mai, bon sai, hầu hết các loài hoa tươi khác không thể để lâu nên thường thì đến thời điểm tối 30 Tết, thấy còn hàng, dù biết lỗ nhưng nhiều tiểu thương vẫn chấp nhận bán đổ bán tháo để hy vọng vớt vát được đồng nào hay đồng ấy. Khi không còn lựa chọn nào khác, họ đành phải nhổ bỏ cây lấy chậu đem về. Chợ hoa xuân năm rồi, với tổng số 3.000 chậu cúc bán Tết, ông Nguyễn Xuân Hùng, tên thường gọi là Hải ở phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột đã phải cay đắng nhổ bỏ 2.000 cây cúc, lấy chậu đem về. Thấm thía nỗi cơ cực ấy, khi được hỏi về ý tưởng nếu TP. Buôn Ma Thuột làm con đường hoa dựa trên việc tận dụng, mua lại số hoa Tết không bán hết với mức giá vừa phải, ông thốt lên: “Thế thì quá tốt, vừa giúp được người trồng hoa, vừa làm đẹp thêm cho thành phố ngày Tết!”. Về việc triển khai thực hiện ý tưởng này sao cho khoa học, hợp lý, hạn chế những bất cập, ông Võ Văn Hải, một nghệ nhân với nhiều sáng kiến trong hoạt động nghệ thuật, cho rằng: Giữa cơ quan chức năng và tiểu thương có thể làm hợp đồng trước, thỏa thuận và định giá với mức bằng 10 hoặc 15% giá trị ban đầu của hàng. Mức giá ấy, dù người bán vẫn lỗ nhưng còn hơn là đổ bỏ; thêm nữa vẫn không tạo động cơ để họ ỷ lại, trông chờ vào cơ quan nhà nước. Hẳn những công nhân vệ sinh môi trường đô thị cũng đỡ vất vả, trắng đêm thu dọn rác, trong đó có cả những chậu hoa bị nhổ bỏ vì không bán hết...

Tất nhiên, người kinh doanh cũng luôn cố gắng tính toán, nắm bắt nhu cầu thị trường để điều chỉnh, rút kinh nghiệm trong làm ăn. Còn ở góc độ quản lý nhà nước, bằng một khoản kinh phí không quá lớn, TP. Buôn Ma Thuột vẫn có thể tạo cơ chế giúp đỡ, hỗ trợ, thu hút người kinh doanh hoa trong và ngoài tỉnh, đồng thời làm đẹp và quảng bá hình ảnh về một thành phố đô thị loại I khi trở thành đơn vị tiên phong ở Tây Nguyên (không kể đến TP. Đà Lạt – thành phố ngàn hoa) tổ chức, xây dựng được đường hoa, tạo điểm du xuân ý nghĩa cho người dân. Đây chắc chắn cũng sẽ là một bước đi ấn tượng trên con đường xây dựng Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.

Đàm Thuần – Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.