Vượt lên chính mình
Bằng nghị lực, ý chí vươn lên nhiều người khuyết tật đã nỗ lực “vượt lên chính mình” không chỉ tạo dựng cho bản thân một cuộc sống ổn định mà còn đóng góp cho xã hội.
Nguyễn Tiến Lập: Tiếp thêm sức mạnh cho người khuyết tật
Nhiều người dân ở thị trấn Ea Pôk, huyện Cư M’gar không khỏi thán phục trước nghị lực của anh Nguyễn Tiến Lập ở thôn 1, ông chủ Cơ sở sản xuất nhôm kính Tiến Thanh. Khi mới 1 tuổi, sau một cơn sốt cột sống của anh bỗng cong lại nổi thành u lớn sau lưng, gia đình đưa đi chữa trị nhiều nơi nhưng không khỏi. Dù nhà nghèo, mang trên mình khối u khác người thường bị bạn bè trêu chọc nhưng anh vẫn cố gắng học hết phổ thông. Có bằng tốt nghiệp THPT cũng là lúc các cơn đau hành hạ anh ngày một nhiều hơn, gia đình vay mượn khắp nơi để đưa đi mổ khối u nhưng điều trị hai năm bệnh tình không thuyên giảm anh đành gác lại ước mơ vào đại học. Đau đớn, tủi thân anh đã khóc rất nhiều. Nghĩ mình không thể sống mãi trong cảnh ăn bám gia đình và ba mẹ cũng không thể sống mãi để lo cho mình, anh lại quyết học được một nghề để lo cho bản thân. Do bị dị tật cột sống những ngày trở trời lại lên cơn đau nên những công việc nặng nhọc anh không làm được. Lúc đó thấy nghề làm nhôm kính ở nhiều nơi thịnh hành nhưng ở địa phương còn ít người làm nên anh đã chọn học. Sau khi học lành nghề, năm 2001 anh trở về nhà mở cơ sở kinh doanh. Để tạo dựng uy tín, anh luôn chú trọng chất lượng từng sản phẩm cùng sự sáng tạo trong mẫu mã và đa dạng về chủng loại. Lúc đầu anh nhận làm các công trình nhỏ cho các hộ dân trong vùng, càng ngày công việc làm ăn càng phát đạt, nhiều công trình lớn cũng tìm đến anh đặt hàng. Anh nắm bắt thời cơ, bàn với gia đình mượn vốn đầu tư thêm máy móc, thuê người làm mở rộng quy mô sản xuất. Đến nay, mỗi tháng anh thu nhập khoảng 10 triệu đồng có điều kiện xây dựng được nhà cửa khang trang và chăm sóc nuôi dạy các con. Ngoài ra còn tạo việc làm cho nhiều thanh niên với mức lương từ 2 đến 3 triệu đồng và hỗ trợ, đào tạo nghề miễn phí cho thanh niên khuyết tật. Anh Lập tâm sự: “Những người khuyết tật phải chịu rất nhiều thiệt thòi trong cuộc sống, bản thân tôi đã trải qua nên muốn mình sẽ làm được nhiều hơn nữa để tiếp thêm sức mạnh cho họ vươn lên”.
Nguyễn Thái Dương: Vượt khó sống đẹp
Anh Nguyễn Thái Dương (người đứng giữa) tại Lễ tuyên dương thanh niên sống đẹp, làm kinh tế giỏi. |
Không chỉ hát hay đàn giỏi, dạy dỗ học sinh tận tình, thầy giáo Nguyễn Thái Dương (Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh) còn là một người giàu nghị lực. Sinh ra ở vùng quê nghèo của tỉnh Quảng Ninh, năm lên 2 tuổi sau một trận sốt cao đôi chân của anh bắt đầu teo tóp, bại liệt dù gia đình đã chạy chữa khắp nơi anh cũng chỉ mới đi lại được một cách khó khăn. Khi đi học thấy các bạn chạy nhảy tung tăng, chơi nhiều trò vận động anh chỉ biết ngồi nhìn và ao ước. Được bố mẹ, người thân động viên, anh dần tập thích nghi với hoàn cảnh. Năm 1994, với nghị lực của bản thân anh thi đậu Trường Trung cấp Kinh tế Quảng Ninh, theo học được 2 năm do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn đành phải nghỉ học giữa chừng. Cuối năm 1998, một người bạn của bố anh công tác ở Dak Lak về thăm quê ghé nhà chơi thấy anh đang say sưa chơi đàn ghi ta. Nhận thấy chàng trai khuyết tật có chút năng khiếu về âm nhạc người bạn liền xin gia đình cho anh theo vào Dak Lak luyện thi âm nhạc. Với 26,5 điểm anh là người có điểm số cao thứ 2 thi đậu vào Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Dak Lak, chuyên ngành Ghi ta Cổ điển. Sau khi ra trường anh xin vào dạy nhạc cho trẻ em khuyết tật của Cơ sở nuôi dạy trẻ khuyết tật Vi Nhân TP. Buôn Ma Thuột. Cảm phục trước sự vươn lên của chàng trai trẻ tật nguyền, chị Võ Thị Mai Thùy cô giáo dạy cùng đem lòng thương yêu. Năm 2006, anh chị tiến tới hôn nhân với trăm bề khó khăn, nhưng nhờ tình yêu và sự giúp đỡ, động viên của gia đình, vợ chồng anh đã dần vươn lên trong cuộc sống. Năm 2009, hai anh chị được tiếp nhận vào giảng dạy tại Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh. Niềm vui càng được nhân lên khi 7 năm trôi qua, giờ đây anh chị đã có một mái ấm gia đình hạnh phúc với cô con gái 4 tuổi và một bé trai kháu khỉnh vừa tròn 2 tháng. Với những đóng góp trong công tác giảng dạy, vượt khó vươn lên trong cuộc sống, vừa qua anh vinh dự được Hội LHTNVN tỉnh tuyên dương thanh niên sống đẹp, làm kinh tế giỏi lần thứ 2 năm 2012.
Nguyễn Trường Thọ: Đứng dậy sau tai nạn
Anh Nguyễn Trường Thọ chăm sóc đàn gà. |
Tốt nghiệp đại học, có công ăn việc làm ổn định nhưng chỉ một phút không làm chủ được tay lái mọi thứ bỗng tan vỡ. Đó là trường hợp chàng thanh niên khuyết tật Nguyễn Trường Thọ (ở tổ 3, khối 13, phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột). Sinh ra trong một gia đình thuần nông, Thọ chăm chỉ học hành và thi đậu Ngành Quản trị Kinh doanh Trường Đại học Đà Nẵng. Sau khi ra trường anh có công việc ổn định tại Phòng Thống kê huyện Cư Jút, tỉnh Dak Nông. Cuộc sống đang tràn đầy những dự định về tương lai tươi sáng thì ngày 10-11-2005, trên đường chạy xe từ cơ quan về nhà anh bị một chiếc xe máy chạy ngược chiều đâm trực diện, gây chấn thương sọ não, liệt 1 cánh tay, thương tật 70%, mất trí nhớ. Sau 3 năm điều trị, anh đã dần phục hồi trí nhớ nhưng không thể tiếp tục công việc cũ. Anh chia sẻ: “Thà mất trí nhớ không biết mình là ai còn sướng hơn cái cảm giác khi mình tỉnh lại nhưng mọi thứ đã không còn. Tôi vô cùng đau khổ, chỉ vì một phút chạy xe vội vã mà tất cả tương lai đã tan biến, giờ hối hận thì cũng đã muộn”. Thương ba mẹ đã lớn tuổi nhưng vẫn phải cáng đáng việc nhà, anh đã suy nghĩ rất nhiều và quyết tâm vươn lên để không trở thành gánh nặng cho gia đình. Với đôi chân và một cánh tay còn lành lặn, anh tự đi tìm, học tập kinh nghiệm chăn nuôi gà, thỏ của các hộ xung quanh. Lúc đầu do trí nhớ chưa ổn định nên đi tới mô hình nào anh cũng cố gắng ghi chép cẩn thận những biểu hiện bệnh của vật nuôi và thuốc người ta thường sử dụng để chữa trị. Sau khi nắm vững kỹ thuật, anh nhờ anh em giúp làm chuồng nuôi thỏ. Với số lượng trên 100 con cả thỏ sinh sản, thỏ thịt mỗi tháng mang lại cho anh thu nhập 1,5 triệu đồng sau khi trừ chi phí thức ăn. Bên cạnh đó anh đầu tư nuôi thêm 200 con gà ta, sau 3,5 tháng xuất bán lãi được gần 6 triệu đồng. Anh Thọ chia sẻ: “Muốn thành công người khuyết tật phải nỗ lực cố gắng hơn rất nhiều so với người khỏe mạnh bình thường”. Với ý chí vươn lên, niềm tin vào cuộc sống, rất nhiều người khuyết tật, kém may mắn đã thành công trong cuộc sống. Họ không chỉ tự khẳng định mình, mà còn có nhiều đóng góp cho xã hội.
Theo thống kê chưa đầy đủ trên địa bàn tỉnh có hơn 25.000 người khuyết tật, chiếm tỷ lệ khoảng 1,4% dân số; trong đó thanh niên khoảng 2.300 người (độ tuổi từ 18-25). Trình độ học vấn của người khuyết tật nói chung và thanh niên khuyết tật nói riêng rất thấp. Toàn tỉnh hiện có 14 Câu lạc bộ người khuyết tật ở thành phố Buôn Ma Thuột, các huyện Cư M’gar, Krông Pak, Krông Bông, Lak; 146 thanh niên khuyết tật có việc làm, trong đó 72 người đã có việc làm ổn định
Tuấn Anh
Ý kiến bạn đọc